Thứ năm, 21/10/2021 17:29

Đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngành ngân hàng để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số

Đây là đề xuất của nhiều đại biểu nhằm phát triển lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong bối cảnh mới tại Hội thảo do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam trong tổ chức mới đây trong khuôn khổ Diễn đàn Dịch vụ tài chính và dịch vụ ngân hàng trong tương lai năm 2021.

Xu thế và điểm nghẽn cần tháo gỡ

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính cho rằng, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng gắn với sự phát triển của thiết bị di động, mạng internet và mạng xã hội. Sự phát triển của các yếu tố này đã thúc đẩy chuyển đổi số ngày càng phát triển. Theo đó, những sản phẩm mới trong hệ thông tài chính, ngân hàng bao gồm ví điện tử, tiền di động đang được sử dụng. Đặc biệt, với nền tảng di dộng, tiền di động nếu được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được việc thanh toán ở vùng sâu, vùng xa - nơi 40% người dân chưa được tiếp cận với tài khoản ngân hàng thì từ nay được thực hiện thanh toán điện tử qua di động. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc trong việc trao phép tạo tiền cho nhà mạng chức năng như của ngân hàng trong việc đưa tiền di động vào lưu thông.

Theo nghiên cứu của Mastercard, sau 3 năm xảy ra đại dịch COVID-19 đã có khoảng 60-70% người dân Đông Nam Á giảm mức sử dụng tiền mặt, 75% người dân châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục sử dụng thanh toán không tiếp xúc sau đại dịch; 91% người dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã sử dụng hình thức thanh toán không tiếp xúc vì lý do an toàn. Ngoài ngành ngân hàng, trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tài chính, kinh doanh chứng khoán cũng ghi nhận nhiều nỗ lực chuyển đổi số, cho ra đời hoặc nâng cấp, cải tiến nhiều sản phẩm, dịch vụ giúp gia tăng hiệu quả quản trị, trải nghiệm cho doanh nghiệp và cho nhà đầu tư.

Theo đại diện IDG Việt Nam, ngành ngân hàng đã đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, song cũng đang còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ, đó là hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa hoàn thiện; cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa các tổ chức tín dụng với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chưa rõ ràng; tỷ lệ giao dịch tiền mặt còn cao; một số hệ sinh thái fintech (công nghệ tài chính) chưa thực sự liên thông với các tổ chức tín dụng khác để tạo thuận tiện nhất cho người dùng; việc hợp tác giữa các ngân hàng và các đơn vị fintech chưa sâu như mong đợi.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng khá tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính, ngân hàng nói riêng. Song không phủ nhận đó cũng là tác nhân tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ thường xuyên, liên tục. Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn.

Đa dạng hóa để phát triển và hội nhập

Theo Tổng giám đốc Mambu Việt Nam Phạm Quang Minh, việc ứng dụng công nghệ số đã giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt, hiệu quảhơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn. Nhưng, việc thực thi chuyển đổi số tại các ngân hàng đang ở nhiều mức khác nhau, đòi hỏi quy trình, kiến trúc và cách vận hành linh hoạt của các doanh nghiệp, bởi một số doanh nghiệp coi đây là dự án về công nghệ nhiều hơn kinh doanh. Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ cho lĩnh vực bảo hiểm vẫn có phần chưa tương xứng, các ứng dụng di động vẫn chỉ dừng ở mức đơn giản, chưa giải quyết yêu cầu về dữ liệu lớn của ngành bảo hiểm hiện nay như việc từ khối dữ liệu khổng lồ dự đoán được nhu cầu mỗi nhóm khách hàng để xây dựng gói sản phẩm thích hợp.

Thống kê cho thấy, các các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã và đang tập trung đầu tư công nghệ, số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng nhằm thay đổi hệ thống quản lý, dịch vụ phục vụ khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh. Nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang ở những bước đầu phát triển dịch vụ tài chính trên di động và thị trường còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Nắm bắt được xu thế này, nhiều ngân hàng đã tập trung đầu tư công nghệ nhằm thay đổi hệ thống quản lý, dịch vụ phục vụ khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh. 93% ngân hàng hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số (internet banking, mobile banking…); 80% đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng và thu hút lao động trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin… Một số ngân hàng đã thử nghiệm các dịch vụ ngân hàng số và chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại, số hóa, tập trung chủ yếu ở mảng bán lẻ, điển hình như không gian giao dịch công nghệ số của Vietcombank, dự án ngân hàng số Timo của VPBank, dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank của TPBank, khu trải nghiệm giao dịch ngân hàng điện tử hiện đại E-Zone tại BIDV; nền tảng hợp kênh (Omni Chanel) của OCB...

Có thể khẳng định, việc đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ đã tạo nền tảng để xây dựng các chiến lược phát triển sản phẩm, dịch vụ phù hợp  trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh bị đình trệ bởi dịch đại dịch COVID-19 sẽ là chiến lược kinh doanh “kép” của các ngân hàng vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.

Lê Thúy Vy

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)