Thứ hai, 11/10/2021 09:53

“Sức nặng” của sở hữu trí tuệ trong “sức mạnh” của doanh nghiệp

Trong điều kiện hội nhập toàn cầu hoá như hiện nay, để có thể phát triển và đứng vững trên thị trường, các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với những câu hỏi: làm thế nào để tạo ra và cung cấp những sản phẩm/dịch vụ có chất lượng tốt nhất với giá thành thấp nhất..? Có thể thấy, sở hữu trí tuệ (SHTT) có liên quan tới hầu hết mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: từ việc xác lập quyền với các đối tượng SHTT khi bắt đầu xuất hiện trên thương trường, khi có sản phẩm mới hay ý tưởng sáng tạo mới; sử dụng thông tin sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và các đối tượng SHTT khác nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh; li-xăng, chuyển nhượng các đối tượng SHTT; giải quyết tranh chấp liên quan tới quyền SHTT… Qua quá trình nghiên cứu cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, các chuyên gia cho rằng, “sức nặng” của SHTT đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong “sức mạnh” của doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp biết nắm bắt và khai thác. Hãy cùng nhau tiếp cận giá trị của hoạt động SHTT từ các góc độ khác nhau liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Từ góc độ tài chính

Vai trò của hoạt động SHTT sẽ góp phần: tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp bằng tiền li-xăng các đối tượng SHTT; tăng doanh số bán hàng, tạo sức mạnh trong cạnh tranh bằng việc sử dụng các đối tượng SHTT đem lại hiệu quả trong chiến lược quảng bá thương hiệu; giảm chi phí bằng các giải pháp cải tiến, đột phá mang tính kỹ thuật và những ý tưởng sáng tạo mới, từ đó giảm chi phí đầu tư/sản xuất/bán hàng, tăng giá trị sản phẩm, tăng doanh thu; thúc đẩy sự luân chuyển nguồn vốn lưu động thông qua việc áp dụng các ý tưởng sáng tạo mới về việc sử dụng nguồn lực và nguồn vốn.

Từ góc độ quy trình vận hành

Hoạt động SHTT từ góc độ này là hỗ trợ các yếu tố quản lý, bao gồm: cải tiến quy trình kinh doanh bằng SHTT; đổi mới hoạt động kinh doanh và quản lý bằng các ý tưởng sáng tạo và sáng chế về mô hình và quy trình kinh doanh; hiện đại hoá hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất bằng các phương pháp cải tiến kỹ thuật.

Từ góc độ phát triển tổ chức

Vai trò của hoạt động SHTT nhìn từ góc độ này thể hiện ở những nội dung sau: tạo lập, phát triển văn hóa doanh nghiệp và các giá trị cốt lõi theo định hướng, từ kết quả thu được trong hoạt động nghiên cứu và phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh bằng các ý tưởng và các giải pháp đột phá mới mang tính kỹ thuật; tạo lập phương pháp tư duy logic và sáng tạo; nâng cao nhận thức về xu hướng công nghệ và sáng chế của các đối thủ cạnh tranh thông qua việc nghiên cứu, sử dụng các thông tin sáng chế; khuyến khích, thúc đẩy tư duy sáng tạo và năng lực trình độ cán bộ, nhân viên bằng các biện pháp phổ biến thông tin SHTT và các phần thưởng, thù lao cho ý tưởng sáng tạo có khả năng ứng dụng.

Từ góc độ khách hàng

Khách hàng luôn là một trong những yếu tố quan trọng và đáng lưu tâm hàng đầu của hoạt động quản lý. Nhìn từ góc độ này, vai trò hoạt động SHTT trong lĩnh vực này thể hiện: bảo vệ khách hàng tránh các hành vi vi phạm quyền SHTT; trao cho khách hàng những sản phẩm/dịch vụ có giá trị; tạo ra khả năng và năng lực trong chiến lược tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng sức mua của khách hàng; tăng sự tin cậy của khách hàng đối với sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp thông qua việc sử dụng các kết quả thu được từ SHTT; tăng cường chiến lược marketing bằng chính sách thương hiệu.

Để có thể gắn kết hoạt động quản lý với hoạt động SHTT, doanh nghiệp cần xây dựng bộ phận SHTT với chức năng phụ trách và giải quyết các vấn đề liên quan tới SHTT trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm 4 nội dung chính: xác lập quyền SHTT, giải quyết tranh chấp, chuyển giao quyền SHTT và khai thác thông tin SHTT. Bộ phận SHTT sẽ chia sẻ mục tiêu của doanh nghiệp, gắn nó với các mục tiêu của hoạt động SHTT, từ đó lập kế hoạch hoạt động SHTT trong doanh nghiệp nhằm góp phần vào sự tăng trưởng và sức mạnh của doanh nghiệp.

Nhận biết tài sản trí tuệ (TSTT) trong hoạt động của doanh nghiệp

TSTT có thể được hiểu là các sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật. TSTT bao gồm: các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học; các chương trình biểu diễn của các nghệ sỹ, các bản ghi âm và các chương trình phát sóng; các sáng chế; các kiểu dáng công nghiệp; các bí mật kinh doanh; các nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý; tên thương mại; giống cây trồng mới; thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn... TSTT là một loại tài sản vô hình, không xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó, nhưng lại có giá trị lớn vì có khả năng sinh ra lợi nhuận. Theo đó, có thể tạm định nghĩa: “TSTT của một doanh nghiệp là bất kỳ các dữ liệu, thông tin hoặc bí quyết, tri thức nào mà một doanh nghiệp có thể sở hữu hoặc chiếm hữu một cách hợp pháp, thông qua hoạt động sáng kiến đổi mới bên trong doanh nghiệp hoặc tiếp nhận chuyển giao từ bên ngoài.

Những TSTT và quyền sở hữu TSTT trong hoạt động của doanh nghiệp

Pháp luật SHTT Việt Nam được hợp thành từ 3 mảng: pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan; pháp luật về sở hữu công nghiệp; pháp luật về giống cây trồng. Trong hoạt động marketing, các đơn vị TSTT thường xuyên được vận dụng đến hoặc có thể phát sinh mới như:

- Tên thương mại - tên giao dịch của doanh nghiệp: theo Luật SHTT Việt Nam, tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.

- Nhãn hiệu: là những dấu hiệu của một doanh nghiệp (hoặc tập thể các doanh nghiệp) dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp khác. Nhãn hiệu được pháp luật coi là TSTT của doanh nghiệp và quyền sở hữu công nghiệp của nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở đăng ký với cơ quan cấp văn bằng bảo hộ.

- Logo (biểu tượng kinh doanh của doanh nghiệp), cùng các chỉ dẫn thương mại tạo nên các ấn tượng liên kết giúp phong phú hóa và khắc họa sâu phong cách kinh doanh của doanh nghiệp như: màu sắc chủ đạo, các mẫu thiết kế kiến trúc, các mẫu thiết kế các phương tiện và giấy tờ giao dịch, các hoa văn/họa tiết/giai điệu đi kèm có liên quan để tạo nên các ấn tượng liên kết. Đây là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.

- Mẫu thiết kế bao bì dùng cho sản phẩm, các hoa văn/họa tiết/màu sắc chủ đạo/giai điệu/nhân vật hoạt họa/hình ảnh được sử dụng tương đối ổn định qua các vòng đời nhãn hàng hóa/bao bì để duy trì nét nhất quán trong phong cách của nhãn hiệu; các hoa văn/họa tiết/màu sắc chủ đạo/giai điệu/nhân vật hoạt họa/hình ảnh đi kèm với nhãn hiệu trong ngắn hạn để đáp ứng với bối cảnh kinh doanh (như theo ý thích của khách hàng) và môi trường cạnh tranh (như theo ứng xử của các đối thủ cạnh tranh).

- Phim ảnh, tờ rơi, khẩu ngữ (slogan) hoặc các tài liệu khác sử dụng trong các chiến dịch truyền thông cho thương hiệu, cho các nhân vật, sự kiện giúp khắc họa hình ảnh về doanh nghiệp, hoặc để xây dựng hình ảnh của (các) nhãn hiệu; đây có thể là đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan.

- Các tác phẩm, bản phác thảo, bản vẽ đối với các mẫu thiết kế mang tính cải tiến sản phẩm hiện hữu hoặc đưa ra sản phẩm mới.

- Các sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị hoặc khác biệt hóa phong cách của các dịch vụ hậu mãi; các tác phẩm viết hoặc đồ họa hỗ trợ hành vi tiêu dùng như sổ tay hướng dẫn sử dụng, sổ tay hướng dẫn bảo trì… là đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan.

- Các bí mật kinh doanh về danh sách khách hàng, đặc điểm tiêu dùng của khách hàng, đặc biệt là khách hàng thân thiết (mức độ/kết cấu/sở thích/cách thức… tiêu dùng) được xem xét như là bí mật kinh doanh trong Luật SHTT.

- Các tác phẩm sử dụng trên trang web của doanh nghiệp hoặc trang web của các nhãn hiệu trong thương mại điện tử như: các giao diện với người sử dụng (user interface), chương trình máy tính có liên quan, các hình ảnh, mẫu thiết kế, đồ biểu, bài viết… chuyển tải thông tin, các sáng chế liên quan đến tính năng hoạt động của trang web (software patent) hoặc phương thức kinh doanh (business model patent) được thực hiện thông qua trang web…

- Các bí mật kinh doanh đối với các thông tin phân tích đối thủ cạnh tranh như: mũi nhọn nghiên cứu và phát triển, tập đối tượng SHTT, kết cấu phổ sản phẩm hoặc và dịch vụ, chính sách giá cả, chiến lược và chiến thuật tổ chức kênh cung ứng/kênh phân phối, cách thức đáp ứng cạnh tranh…

Ngoài ra, khi nghiên cứu về quyền SHTT của các đối tượng được nêu trên, cần lưu ý trường hợp 1 đối tượng có thể phát sinh nhiều quyền SHTT, chẳng hạn sản phẩm được định hình thì là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, nhưng quá trình thiết kế nên nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì sản phẩm, hay các ấn phẩm truyền thông thì lại là một quá trình sáng tạo và tác giả mặc nhiên được sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm sáng tạo của mình. Do đó, nếu doanh nghiệp thuê cá nhân hay tổ chức bên ngoài thực hiện hoạt động thiết kế thì phải làm rõ vấn đề quyền tác giả trong thỏa thuận hợp tác ban đầu (có thể được ghi nhận cụ thể trong hợp đồng hợp tác hoặc phiếu giao việc) để đảm bảo chắc chắn quyền tác giả được chuyển giao chính thức cho doanh nghiệp.

Tầm quan trọng của nhận biết TSTT trong hoạt động của doanh nghiệp

Các TSTT được tạo ra trong hoạt động marketing nếu được doanh nghiệp đầu tư nguồn lực và tài chính để thực hiện hoạt động truyền thông rộng rãi, được thị trường chấp nhận và khách hàng nhận biết hoặc nhớ đến lâu dài thì đó chính là tài sản kinh doanh có giá trị của doanh nghiệp. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp, tài sản có giá trị nhất mà họ sở hữu không phải đất đai, nhà xưởng hay dây chuyền công nghệ mà tài sản giá trị nhất là nhãn hiệu mà doanh nghiệp sở hữu. Các con số ấn tượng về giá trị nhãn hiệu đã cho thấy một thực tế là khi khách hàng tin tưởng vào nhãn hiệu, đánh giá cao hình ảnh, danh tiếng hoặc sản phẩm thì sẽ trung thành với nhãn hiệu đó và sẵn lòng chi trả cho tất cả các sản phẩm mang nhãn hiệu mà họ tin tưởng và hài lòng, chưa kể sẽ giới thiệu, tiếp thị cho các mối quan hệ xung quanh khách hàng đó, tạo một lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho doanh nghiệp so với đối thủ. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không nhận biết đầy đủ và có đăng ký bảo hộ thì hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cho việc marketing một sản phẩm có thể trở nên vô ích hoặc doanh nghiệp trở thành “người dọn đường” khi công ty đối thủ có thể sử dụng nhãn hiệu giống hoặc các đối tượng tương tự gây nhầm lẫn mà doanh nghiệp tạo ra trong hoạt động marketing để sử dụng cho các sản phẩm giống hoặc tương tự và khách hàng có thể bị nhầm lẫn khi mua sản phẩm. Điều này không những có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà còn gây hại đến hình ảnh, danh tiếng, uy tín của doanh nghiệp trong trường hợp sản phẩm của đối thủ chất lượng thấp.

Qua 5 góc độ tiếp cận nêu trên cho thấy, SHTT mang một vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp. Bằng cách xây dựng thói quen sáng tạo và nuôi dưỡng các TSTT, cũng như sử dụng những tài sản đó hiệu quả, doanh nghiệp có thể nâng cao doanh thu của mình, tạo ra lợi thế so với đối thủ cạnh tranh và tạo dựng được vị thế vững chắc trên thị trường.

Phạm Tuấn Anh (Cục Sở hữu trí tuệ)

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)