Thứ năm, 14/10/2021 09:38

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030: Một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước

Ngày 13/10/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) giai đoạn 2021-2030. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn chủ trì Hội nghị.

Chiến lược KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 mang tính kế thừa và bổ sung những nội dung mới

Tại Hội nghị, các đại biểu đã khẳng định những kết quả quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, đã đạt những thành tựu quan trọng trong đóng góp cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; tiềm lực KH&CN quốc gia được tăng cường. Đặc biệt, qua thực tế đã khẳng định một số định hướng chiến lược phát triển KH&CN phù hợp với Việt Nam như: KH&CN phải đóng vai trò chủ đạo, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; phát triển mạnh mẽ KH&CN để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KH&CN.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, ĐHQGHN là một trong những đầu tàu về KHCN&ĐMST của đất nước. Bởi vậy, việc phối hợp tổ chức Hội nghị nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp tâm huyết từ đội ngũ nhà khoa học đông đảo, trong đó có nhiều nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn của ĐHQGHN là việc làm cần thiết trong quá trình xây dựng Chiến lược KHCN&ĐMST. Thứ trưởng khẳng định, Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 sẽ kế thừa có chọn lọc quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với tình hình hiện nay cũng như yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới nhằm đưa nền KH&CN Việt Nam phát triển lên một tầm vóc mới, là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

Một trong những quan điểm của Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 đó là phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược, khoa học kỹ thuật và công nghệ; hình thành và phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, vùng, địa phương, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm; trường đại học/viện nghiên cứu là các chủ thể nghiên cứu mạnh; Nhà nước thực hiện vai trò định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống.Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, có 3 xu thế tác động mạnh đến KH&CN, giáo dục và đào tạo của Việt Nam đó là: toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và chuyển đổi số; các vấn đề về an ninhttps://vnu.edu.vn/admin2/FCKeditor/editor/images/spacer.gifh phi truyền thống. “Các xu thế đó tạo nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho sự phát triển KHCN&ĐMST của Việt Nam. Bối cảnh cuộc CMCN 4.0, đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi lớn đến thế giới, trong đó có vai trò của KHCN&ĐMST. Giai đoạn 10 năm tới sẽ định hình thêm những cơ chế, luật lệ quốc tế, đặc biệt là liên quan đến KHCN&ĐMST, kinh tế số để phù hợp với bối cảnh mới” - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN&ĐMST. Chiến lược giai đoạn mới nhằm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức trong bối cảnh mới. Theo đó, trong giai đoạn 10 năm tới, trên thế giới xuất hiện các xu thế mới như: nhiều công nghệ mới được phát triển mạnh mẽ và ứng dụng rộng rãi; tăng cường gắn kết KHCN&ĐMST với phát triển kinh tế - xã hội và môi trường; đổi mới quản lý KHCN&ĐMST sẽ được tiếp tục đẩy mạnh; phân hóa mạnh mẽ trong phát triển KHCN&ĐMST giữa các nước trên thế giới; sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất cung ứng trên thế giới; cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước sẽ ngày càng quyết liệt… Có thể thấy, các xu thế KHCN&ĐMST trên thế giới đang tác động sâu sắc, toàn diện đến quá trình phục hồi, phát triển bền vững, là nhân tố quyết định đến vai trò, vị thế của các quốc gia trong cục diện quốc tế đang định hình. Xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 cho phép chủ động tận dụng những thời cơ và ứng phó có hiệu quả với các thách thức sẽ phải đối mặt, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đến 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao.

Dự thảo chiến lược hiện đại, cách thức tiếp cận cập nhật

“Dự thảo Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST quốc gia giai đoạn 2021-2030 có tính hiện đại, cách thức tiếp cận cập nhật” là đánh giá chung của các nhà khoa học tại Hội nghị. Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là cơ sở để xây dựng các chính sách cụ thể về KHCN&ĐMST, đồng thời là căn cứ để xác định định hướng phát triển KHCN&ĐMST của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp của Chiến lược là những căn cứ quan trọng đảm bảo cho các nội dung trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động… vừa mang tính cụ thể, hành động, vừa mang tính tổng thể, dài hạn và đảm bảo sự phối hợp hài hoà giữa các cơ chế, chính sách với nhau. Chiến lược có ý nghĩa tạo sự thống nhất chung giữa các cơ chế, chính sách KHCN&ĐMST cụ thể; tăng cường phối hợp về định hướng phát triển KHCN&ĐMST giữa các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho rằng, Hội nghị là dịp để các nhà khoa học của ĐHQGHN tham gia đóng góp trí tuệ xây dựng Chiến lược KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030, đồng thời nắm rõ các chủ trương, chiến lược phát triển KH&CN của đất nước, từ đó “định vị” và phát triển lĩnh vực nghiên cứu của mình trong dòng chảy KH&CN chung của cả nước. Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cũng cho biết, ĐHQGHN cũng đang xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST của mình với quan điểm gắn chặt và “cộng hưởng” với Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST quốc gia. Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã kiến tạo và triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách để thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng cũng như tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong hoạt động ĐMST, chuyển giao tri thức. Đặc biệt, các hoạt động đào tạo ở ĐHQGHN gắn kết chặt với nghiên cứu khoa học; tạo cơ thế khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu khoa học và ĐMST trong đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Tại Hội nghị, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Chiến lược. Các nhà khoa học bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao Dự thảo, từ phương pháp xây dựng chiến lược hiện đại đến cách thức tiếp cận cập nhật. Đặc biệt, các nhà khoa học cho rằng, Dự thảo Chiến lược coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia đã thể hiện sự dịch chuyển triết lý trong quản lý KH&CN từ khoa học “đẩy”, công nghệ “kéo” đến thị trường “kéo” và nhu cầu “kéo”. Đây không chỉ là sự thay đổi thuần tuý về mặt kỹ thuật.

Theo các nhà khoa học, một trong những kết quả nổi bật của giai đoạn 2011-2020 đó là sự dịch chuyển nhận thức của toàn xã hội về vai trò của KHCN& ĐMST. Bên cạnh đó, Dự thảo cần nhấn mạnh vào việc phát triển và thu hút các nguồn lực KHCN&ĐMST, đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học trình độ cao. Hơn nữa, trong hệ thống KHCN&ĐMST của Việt Nam, cần đặc biệt chú trọng phát triển và tăng tính gắn kết trong nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành, liên lĩnh vực và tăng cường hợp tác nghiên cứu để giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội lớn của thời đại. Cùng với đó, cần chọn những lĩnh vực đầu tư trọng điểm là lợi thế của Việt Nam và mang lại giá trị cao cho xã hội như: giao thông vận tải, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu... Kiến tạo văn hoá khoa học trong cộng đồng, cũng như đẩy mạnh truyền thông KH&CN một cách toàn diện và hiệu quả cũng là những vấn đề được các nhà khoa học cho rằng cần được quan tâm trong Chiến lược giai đoạn tới.

Thay mặt ban soạn thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy gửi lời cảm ơn các nhà khoa học của ĐHQGHN đã tích cực đóng góp ý kiến hoàn thiện Chiến lược. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và chắt lọc các ý kiến để hoàn thiện Dự thảo, để Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 thể hiện được ý chí, nguyện vọng và khát vọng của các nhà khoa học trong việc đưa KH&CN Việt Nam trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

QT-TT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)