Thứ ba, 26/05/2020 15:24

Ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao đời sống cho đồng bào Raglai

Huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận) là 1 trong 85 huyện nghèo của cả nước. Toàn huyện có 9 xã thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm trên 87%. Nhằm giúp người dân nơi đây nâng cao đời sống, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ KH&CN Ninh Thuận (Sở KH&CN Ninh Thuận) đã đề xuất và được sự Bộ KH&CN đồng ý cho phép triển khai đề tài “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững vùng đồng bào dân tộc Raglai đặc biệt khó khăn xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025”.

Sau gần 3 năm triển khai, Dự án đã xây dựng và chuyển giao thành công 4 quy trình công nghệ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cho đồng bào Raglai gồm: trồng luân canh cây bắp lai - đậu xanh giống mới, chịu hạn (40 ha; năng suất bắp đạt: 4-4,5 tấn/ha, năng suất đậu xanh đạt: 1-1,2 tấn/ha); trồng xen canh cây sắn - đậu xanh (20 ha; năng suất sắn đạt: 20-25 tấn/ha, năng suất đậu xanh: 0,6-0,7 tấn/ha.); trồng thâm canh mía giống mới, chịu hạn KK3, K95-84 (20 ha, năng suất đạt 60 tấn/ha) và ứng dụng công nghệ vi sinh chế biến phụ phẩm nông nghiệp (thân cây sắn, cây ngô, đậu xanh…) làm thức ăn thô dự trữ cho gia súc (thông số kỹ thuật sản phẩm thức ăn ủ chua đạt tiêu chuẩn cảm quan: thơm,mùi dưa chua, màu vàng nhạt; pH = 4,0-4,5, hàm lượng Aflatoxin < 100 µg/kg, hàm lượng HCN < 100 mg/kg). Các mô hình và quy trình công nghệ này được chuyển giao cho 95 hộ tại các xã Phước Thắng, Phước Thành, Phước Đại, Phước Chính và Phước Trung.

Cán bộ Dự án ra tận ruộng để chuyển giao kỹ thuật cho dân (Ảnh: nld.com.vn)

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, xuống tận địa bàn làm việc với bà con, lặp đi lặp lại các quy trình để đồng bào nắm bắt nhuần nhuyễn, các cán bộ của dự án đã tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất cho khoảng 300 lượt người, giúp cho đồng bào dân tộc nắm được vấn đề, nâng cao nhận thức, tự chủ sản xuất trong từng mùa vụ. Để tác động của Dự án phát triển bền vững và các mô hình tiếp tục được nhân rộng sau khi Dự án kết thúc, 5 cán bộ kỹ thuật và 10 kỹ thuật viên là người địa phương đã được đào tạo nâng cao để có đủ trình độ chuyên môn giúp đỡ bà con tiếp tục giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Bên cạnh đó, Dự án cũng đã biên soạn và in 600 cuốn sổ tay kỹ thuật bằng 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Raglai) để phát cho đồng bào.

Để tạo thuận lợi cho đồng bào trong việc tiêu thụ nông sản, Dự án đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở trong và ngoài tỉnh (Công ty CP Giống Nha Hố, Công ty Chế biến tinh bột mì, Công ty CP Mía đường Phan Rang…) để ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy ổn định lâu dài, đồng thời giúp người dân yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.

Đồng bào Raglai ở Bác Ái đã biết sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn lên men cho gia súc ((Ảnh: nld.com.vn)

Chia sẻ về tác động của Dự án, anh Pi Năng Tuấn (xã Phước Thắng) cho biết: Với sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ kỹ thuật, vụ mía năm 2018 anh thu gần 103 tấn, trừ chi phí còn lãi 43 triệu đồng. Vụ năm 2019 nắng hạn liên tục nhưng rẫy mía của anh Tuấn và bà con xung quanh vẫn cho năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập cao hơn trồng các loại cây khác, cây mía đã thực sự giúp gia đình anh thoát nghèo. Ông Mẫu Thái Phương (Bí thư Huyện ủy Bác Ái) nhận định: "Dự án đã góp phần nâng cao trình độ canh tác và thu nhập cho bà con. Qua đó, góp phần cùng địa phương thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đánh giá cao đóng góp của Dự án và sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các địa phương trên địa bàn nhân rộng hơn nữa".

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ciast.ninhthuan.gov.vn

2. https://nld.com.vn/phong-su-but-ky/xanh-mot-vung-cao-20200404200309265.htm

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)