Thứ năm, 10/09/2020 16:02

Hiệu quả bước đầu từ việc ứng dụng KH&CN vào nhân giống và sản xuất cam chất lượng cao

Năm 2017, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất các giống cam V2, CT36, BH chất lượng cao tại vùng miền núi tỉnh Thanh Hóa”. Với mục tiêu tiếp nhận và làm chủ công nghệ nhân giống và canh tác các giống chất lượng cao nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo..., đến nay dự án đã triển khai được 2/3 chặng đường, bước đầu đã có những kết quả tích cực tác động từ việc triển khai thực hiện dự án tại các vùng miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Dự án được thực hiện với mục tiêu tiếp nhận và làm chủ công nghệ, xây dựng thành công các mô hình nhân giống và canh tác các giống Cam V2, CT36, BH chất lượng cao nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sau 3 năm thực hiện, dự án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nội dung đề ra. 

Dự án đã làm chủ được các quy trình công nghệ trong nhân giống và sản xuất cam theo hướng an toàn, chất lượng cao như: quy trình quản lý vườn cây mẹ đầu dòng sạch bệnh (vườn giống gốc) để cung cấp giống cho các vườn cây mẹ sản xuất giống mắt ghép; quy trình sản xuất cây giống cam sạch bệnh, xây dựng hệ thống vườn ươm sản xuất giống, vườn cung cấp cây giống cho các vùng sản xuất; quy trình trồng và chăm sóc cam (phương pháp trồng mới và bón phân; phương pháp cắt tỉa, tạo tán; phương pháp quản lý dịch hại và bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; phương pháp thực hành nông nghiệp tốt -VietGAP).

Trên cơ sở các quy trình công nghệ được chuyển giao, hiện nay dự án có thể cung cấp 5-6 vạn cây chất lượng cao hàng năm để phục vụ việc nhân giống mở rộng vùng sản xuất cho các địa bàn trong tỉnh. Đồng thời phổ biến nhanh các giống mới, năng suất chất lượng cao, sạch bệnh cho các đơn vị và cá nhân có nhu cầu trồng cam. Tính đến tháng 3/2020, các mô hình thâm canh của dự án đều sinh trưởng và phát triển tốt. Các giống cam đưa vào trồng tại mô hình bước đầu cho thấy có khả năng thích nghi cao, sinh trưởng phát triển tốt phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng tại địa phương.

Mô hình sản xuất vườn ươm cây giống cam

Có được kết quả trên, ngoài việc sử dụng nguồn giống chuẩn, sạch bệnh còn một nguyên nhân nữa là do định kỳ đơn vị chủ trì thường xuyên cắt cử các cán bộ kỹ thuật được đào tạo đi thực địa kiểm tra và hướng dẫn cách chăm sóc cho người dân tham gia mô hình dự án. Thường xuyên theo dõi đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của các giống tại các mô hình và hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương.

Bên cạnh đó, dự án đã tổ chức tập huấn được cho 200 lượt người dân về kỹ thuật sản xuất cây cam tại các vùng mô hình ngay trên đồng ruộng, sau tập huấn người dân nắm vững được kiến thức về trồng, chăm sóc cây cam. Kỹ thuật trồng thâm canh và bảo vệ thực vật chống tái nhiễm bệnh trên đồng ruộng sản xuất, người dân hiểu biết về cách cắt tỉa, tạo tán, cách quản lý thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP.

Có thể nói, dự án đã góp phần thúc đẩy quá trình ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân vùng dự án và các vùng lân cận. Tạo động lực cho người dân thực hiện thâm canh chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm và từng bước hình thành vùng sản xuất cam hàng hóa tập trung, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản, chất lượng cao. Đồng thời, tạo được phong trào sản xuất cây có múi sạch bệnh làm hàng hoá, tạo niềm tin trong nông dân là có thể ứng dụng công nghệ cao và tham gia sản xuất cây ăn quả có múi hàng hoá phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Dự án cũng là cơ sở tiền đề để nhân và mở rộng diện tích cam trên địa bàn triển khai bằng nguồn giống sạch bệnh và phương pháp canh tác mới áp dụng công nghệ cao. Là điều kiện cho các địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm và mở rộng mô hình ra các vùng lân cận.

Trong giai đoạn 2 năm đầu của dự án với mật độ trồng 500 cây/ha, người dân có thể trồng xen các loại cây họ đậu, lạc lấy ngắn nuôi dài mang lại hiệu quả kinh tế, các phụ phẩm cây họ đậu, lạc này cũng sẽ là nguồn phân xanh để cải tạo đất vườn cam rất tốt. Từ năm thứ 4 trở đi, cam V2, BH, CT36 sẽ cho thu hoạch quả, ước tính mỗi cây cho 20 kg quả, giá bán quả V2 hiện nay vào dịp tết và sau tết trung bình khoảng 30.000-35.000 đồng/kg. Năng suất đạt trung bình 10 tấn/ha, thì có thể cho doanh thu 300-400 triệu đồng/ha/năm. Sản lượng các vườn cam sẽ tăng dần ở những năm tiếp theo. Tổng sản lượng dự kiến sau 3 năm kể từ khi bắt đầu thu hoạch cam vào khoảng 4.000 tấn/100 ha mô hình dự án, dự kiến thu về khoảng 120 tỷ, hay bình quân hơn 17 tỷ/năm trong giai đoạn 7 năm của dự án.

Thành công bước đầu của dự án còn cho thấy, việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN trong khuôn khổ của Chương trình nông thôn miền núi thời gian qua là phù hợp với năng lực tiếp thu của người dân, phát huy được lợi thế so sánh từng vùng, miền, huy động được các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện dự án để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)