Thứ hai, 12/10/2020 15:35

An Giang: Hiệu quả từ mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) xây dựng mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt và nuôi lươn thương phẩm không bùn mật độ cao tại tỉnh An Giang” được Trung tâm Giống thủy sản An Giang triển khai thực hiện đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, qua đó khẳng định được vị thế và vai trò của KH&CN trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi của người dân.

Mô hình nuôi cá lóc nuôi trong bể bạt.

Dự án thuộc Chương trình xây dựng mô hình ứng dụng chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2017-2019, được triển khai thực hiện nhằm khắc phục các trở ngại về sự nhiễm bẩn nguồn nước do nuôi cá lóc ở vèo đặt trên kênh, sông… Đặc biệt, mô hình này phù hợp với các hộ gia đình kinh tế yếu kém ở vùng nông thôn, người có ít đất sản xuất. Chỉ cần tận dụng diện tích nhỏ quanh nhà hay diện tích ao nuôi nhỏ (75-100 m2/hộ), người dân đã có thể triển khai mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt. Ngoài yếu tố thuận tiện trong khâu cho ăn, chăm sóc, dễ kiểm soát dịch bệnh, mô hình này còn mang lại năng suất cao hơn 50% so với nuôi cá lóc thông thường.

Được biết, trước khi triển khai mô hình nuôi thực tế, Trường Đại học Cần Thơ đã trực tiếp đào tạo cho 20 học viên là cán bộ kỹ thuật và kỹ thuật viên của Trung tâm Giống thủy sản An Giang thành thạo về kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể bạt đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đồng thời, hướng dẫn thực hành thiết kế xây dựng bể lót bạt, ghi chép nhật ký, chọn giống, vận chuyển và xử lý con giống trước khi thả, cách cho ăn và theo dõi tốc độ tăng trưởng của cá, cách định lượng thức ăn cho phù hợp, sử dụng các bộ test đo yếu tố môi trường và cách xử lý, hướng dẫn xem mẫu cá lóc bệnh và cách xử lý. Những kỹ thuật nuôi này sau đó được Trung tâm Giống thủy sản An Giang tập huấn cho 50 nông dân tại huyện An Phú.

Thu hoạch cá lóc nuôi trong bể bạt.

Mô hình thí điểm trên một số hộ gia đình cho thấy, các điểm nuôi đều có hệ thống cấp và thoát nước riêng nhằm đảm bảo chất lượng nước tốt, hạn chế dịch bệnh. Các hộ tuân thủ mật độ thả nuôi 100 con/m2, nước nuôi cá được thay 2 lần/ngày, dùng thức ăn công nghiệp (28-40% đạm). Sau 5 tháng, trọng lượng bình quân của cá đạt khoảng 500 g/con, tỷ lệ sống 52-72%, sản lượng đạt 2,5-2,7 tấn/bể (75 m2), năng suất đạt 33-36 kg/m2, lợi nhuận 15,8-24,3 triệu đồng/75 m2.

Kết quả thu được từ các điểm nuôi cho thấy mức độ thành công rất lớn từ việc ứng dụng quy trình công nghệ nuôi cá lóc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, nguồn nước thải từ mô hình nuôi được sử dụng để tưới cho lúa và hoa màu, góp phần giảm thiểu chi phí phân bón trong canh tác.

Trong những năm gần đây, tại An Giang đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm trên một số đối tượng thủy sản như: lươn đồng, cá lóc, cá thát lát cườm... Đối với cá lóc, điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước hiện khá thuận lợi, có thể nhân rộng mô hình nuôi trong bể bạt gắn kết với đầu ra là các kênh tiêu thụ cá tươi, sản xuất khô cá lóc. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp về phát triển vùng nuôi tập trung, thị trường tiêu thụ, hệ thống sơ chế, bảo quản và chế biến.

Để mô hình này được nhân rộng và thu hút đông đảo hộ dân tham gia hơn nữa thì bên cạnh những hỗ trợ về kỹ thuật, con giống, vấn đề lớn nhất là nguồn thức ăn. Do vậy, nếu có các chính sách trợ giá, giảm giá thức ăn như đã thực hiện trước đây đối với các hộ thí điểm, hoặc xem xét việc cho vay ưu đãi thì mô hình này sẽ phát triển và lan rộng ra các tỉnh, góp phần giải quyết vấn đề về lao động, việc làm cho một bộ phận người dân.

Mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt theo hướng an toàn thực phẩm giúp người dân tận dụng và khai thác hiệu quả diện tích đất trống xung quanh nhà. Đây là hệ thống nuôi thủy sản có chi phí đầu tư thấp nhất trong các hệ thống hiện nay tại An Giang, góp phần tăng đáng kể thu nhập cho các hộ nông dân. Dự án là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả có khả năng tạo ra sinh khối cao, góp phần bảo vệ môi trường nước và nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi thủy sản.

Bắc Lê

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)