Thứ năm, 27/08/2020 15:57

Ninh Thuận: Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nuôi thủy sản bền vững cho các xã ven đầm Nại

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho các xã ven đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận” được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025. Kết quả thực hiện dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực cho địa phương.

Đầm Nại là một trong 12 đầm phá ven biển Việt Nam, điển hình cho kiểu nhiệt đới khô hạn ven biển, có nguồn lợi thủy sản khá phong phú, nằm trong khu vực dân cư tập trung của huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Trong những năm qua, nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản ở vùng đầm Nại đã đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ninh Hải, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân trong vùng, tạo thêm công ăn việc làm, tăng mức sống và nâng cao trình độ dân trí cho người dân.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nước lợ nói riêng tại đầm Nại đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do giá tôm nguyên liệu giảm thấp, đôi lúc ngang bằng với giá thành sản xuất; môi trường nuôi bị suy thoái, dịch bệnh liên tục xảy ra; rào cản về thị trường đối với xuất khẩu tôm do bị dư lượng kháng sinh và hóa chất... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nuôi tôm tại đầm Nại nói riêng, nuôi tôm tại Ninh Thuận nói chung. Đặc biệt khu vực đầm Nại, nơi có nguồn nước ngọt khan hiếm, nên việc nuôi tôm tại những khu vực này càng khó khăn hơn, người dân theo nghề nuôi tôm bị thua lỗ, nhiều ao đìa đã bị bỏ hoang.

Tại đầm Nại, có thể phát triển nuôi một số đối tượng ngoài con tôm tại những khu vực không có nước ngọt, ao nuôi ở vị trí trung, hạ triều như nuôi cá mú, hàu bản địa... theo công nghệ phù hợp sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, do thiếu vốn, kỹ thuật nuôi nên hầu hết các hộ ven đầm Nại chưa dám mạnh dạn đầu tư các mô hình này hoặc đầu tư nuôi theo hình thức nhỏ lẻ nên hiệu quả không cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Từ thực tiễn trên, Bộ KH&CN đã giao Trung tâm Giống hải cấp I Ninh Thuận thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho các xã ven đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận”, với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc. Sau 24 tháng thực hiện, dự án đã đạt được một số kết quả nổi bật sau:

Về hiệu quả kinh tế: sau thời gian triển khai thả nuôi hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas), kích cỡ hàu thu hoạch đạt 10-12 con/kg, năng suất trung bình đạt 14,1 tấn/ha. Sản phẩm thu hoạch được tiêu thụ dễ dàng, giá bán phổ biến 25.000-28.000 đồng/kg, các mô hình đều có lãi (trung bình 57 triệu đồng/hộ mô hình). Đối với mô hình nuôi cá mú đen chấm đỏ (Epinephelus coioides): sau thời gian triển khai thả nuôi 12 tháng, kích cỡ thu hoạch đạt 1-1,2 kg/con, năng suất trung bình 8,77 tấn/ha. Sản phẩm thu hoạch được tiêu thụ dễ dàng với giá bán phổ biến 200.000-250.000 đồng/kg, các mô hình có lãi trung bình 207 triệu đồng/hộ mô hình.

Nuôi hàu Thái Bình Dương (Ảnh: TTXVN)

Về hiệu quả xã hội: thông qua dự án giải quyết được hơn 100 lao động trực tiếp tham gia vào sản xuất và 100-150 lao động gián tiếp, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí về ứng dụng khoa học vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn triển khai dự án. Dự án giúp cải thiện dân sinh, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của các xã ven đầm Nại, giúp giảm dần việc khai thác mang tính hủy diệt các loài thủy sản trong đầm. Góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Cá mú đen chấm đỏ

Từ hiệu quả mang lại của các mô hình, đã tạo cơ sở cho các xã, thị trấn ven đầm đánh giá và tham mưu cho huyện Ninh Hải để tổ chức lại vùng nuôi, phát triển nhân rộng các mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương và nuôi cá mú trong ao.

Từ chỗ chưa có mô hình nuôi Hàu Thái Bình Dương và chỉ có 3-5 hộ nuôi cá mú với quy mô nhỏ lẻ thì đến nay, hàng năm có có hơn 100 hộ nuôi hàu Thái Bình Dương và hơn 20 hộ nuôi cá mú với quy mô diện tích ngày càng mở rộng. Sự phát triển nhân rộng các mô hình nuôi hàu và cá mú đã trở thành một nghề mới cho bà con tại các xã, thị trấn ven đầm Nại, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương.

Nghề nuôi hàu Thái Bình Dương và nuôi cá mú phát triển đã thúc đẩy hình thành và phát triển sản xuất giống, từ chỗ chưa có cơ sở nào đến nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 4 cơ sở sản xuất giống hàu Thái Bình Dương và 11 cơ sở sản xuất giống cá biển, trong đó có sản xuất giống cá mú.

Dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động tại địa phương, góp phần đa dạng đối tượng nuôi thủy sản, thay đổi cách làm, cách tổ chức sản xuất và mang lại hiệu quả cao từ việc áp dụng KH&CN vào thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, các dịch vụ thu mua cũng đã phát triển, tạo sự cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi hàu và cá mú thương phẩm tại Ninh Thuận. 

Hiệu quả về giảm thiểu ô nhiễm môi trường: i) Đối với mô hình nuôi Hàu Thái Bình Dương, đây là loài ăn lọc, thức ăn chủ yếu là các loài tảo đơn bào, chất hữu cơ lơ lửng trong nước. Trong quá trình nuôi không bổ sung thức ăn, thức ăn cung cấp cho hàu chủ yếu từ nguồn nước tự nhiên được thay thường xuyên theo thủy triều nên góp phần cải thiện môi trường nước trong đầm; ii) Đối với mô hình nuôi cá mú đen chấm đỏ: mô hình được xây dựng tại các vùng hạ triều, ven đầm nên thuận lợi thay nước theo thủy triều. Thức ăn cho cá được sử dụng là các loại thức ăn công nghiệp, trong quá trình nuôi thường xuyên sử dụng các loại vôi, khoáng chất chế phẩm vi sinh để quản lý môi trường nên hạn chế ô nhiễm môi trường hơn so với quy trình nuôi sử dụng thức ăn là cá tạp như trước đây.

CT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)