Các dự án nông thôn miền núi được thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua thực sự là cầu nối giữa khoa học và sản xuất, là sự hiện diện rõ nét của KH&CN ở khu vực nông thôn, miền núi. Người dân vùng dự án đã được tiếp cận các sản phẩm KH&CN một cách cụ thể và thu được hiệu quả thiết thực. Có thể nói các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi là những “đốm lửa”, góp phần thúc đẩy ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc ít người. Có thể kể đến một số dự án điển hình như:
Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển các loài song mây tại Quảng Nam” có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lâm sản ngoài gỗ đang có nguy cơ cạn kiệt. Cây song mây đã bắt đầu cho thu hoạch và đã có thể thu hạt làm giống. Thấy rõ được hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của việc phát triển cây song mây, thời gian qua, các cấp ủy đảng tại các huyện miền núi trong tỉnh đều thống nhất đưa vào Nghị quyết Chương trình phát triển trồng, chế biến và sản xuất thủ công mỹ nghệ từ cây song mây. Sau khi dự án kết thúc, riêng huyện Tây Giang đã hỗ trợ gần 2 tỷ đồng mua giống, cấp phát cho người dân nhân rộng mô hình. Một số huyện còn lại cũng đã có các chính sách hỗ trợ lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi để phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Dự án “Ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn tại Quảng Nam” đã góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường cục bộ tại địa phương, giới thiệu và hướng dẫn cho người dân làm quen với phân hữu cơ vi sinh, tạo nên thói quen về canh tác sạch, bền vững. Kết quả của dự án đã đào tạo được 4 kỹ thuật viên và 20 lượt công nhân thành thạo quy trình sản xuất chế phẩm và phân hữu cơ vi sinh chức năng. Dự án cũng đã thiết kế, đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho chế phẩm và phân hữu cơ vi sinh chức năng. Đồng thời, thông qua các phương tiện truyền thông, dự án đã giới thiệu, phổ biến chế phẩm, phân hữu cơ vi sinh chức năng đến các hộ dân trong và ngoài vùng dự án. Sau khi dự án kết thúc, cơ quan chủ trì đã nhân rộng mô hình của dự án dưới nhiều hình thức khác nhau và nhận được sự đồng thuận cao của người dân địa phương. Cụ thể: đã thực hiện 11 đề tài cấp cơ sở; tham mưu cho Sở KH&CN phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn về quy trình sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh cho bà con nông dân, cán bộ khuyến nông các huyện với số lượng học viên tham gia là 160 người...
Sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý môi trường” được thực hiện tại các nhà máy, cụm công nghiệp, dân cư đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục vụ tốt cho sản xuất, đời sống và sinh hoạt của người dân. Ngoài việc sản xuất chế phẩm vi sinh dạng bột, dạng dịch; đào tạo cán bộ kỹ thuật và tập huấn cho người dân; dự án đã xây dựng thành công 3 mô hình: mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh dạng lỏng để xử lý mùi hôi trong chăn nuôi, mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh dạng bột xử lý nước thải sản xuất chế biến thủy sản và nước thải sinh hoạt, mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh dạng bột xử lý rác thải tại các bãi rác. Hiệu quả của các mô hình được người dân đánh giá cao về khả năng khử mùi hôi và làm sạch chuồng trại, môi trường. Tại các nhà máy, bãi rác, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng được giảm thiểu với chi phí thấp, hiệu quả xử lý môi trường cao (theo kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam).
Sản xuất chế phẩm vi sinh vật chức năng
Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất và chế biến tiêu theo hướng bền vững tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam” có ý nghĩa thiết thực đối với địa phương, phù hợp với chủ trương của tỉnh về bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn gen quý, bản địa, đặc hữu. Dự án đã xây dựng được 3 mô hình (mô hình vườn ươm tiêu giống, quy mô 0,15 ha; mô hình trồng tiêu theo hướng bền vững với diện tích 1,5 ha; mô hình sản xuất, chế biến tiêu đen thành tiêu sọ); đào tạo được 10 kỹ thuật viên; tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật nhân giống và trồng tiêu thương phẩm cho 300 lượt người dân trong huyện. Đồng thời dự án đã tuyển chọn được 170 cây tiêu trội, phục vụ sản xuất giống bền vững cho nhu cầu mở rộng sản xuất sau khi dự án kết thúc. Đặc biệt, dự án đã áp dụng phương thức tác động bằng phân hữu cơ vi sinh chức năng và chế phẩm nấm đối kháng giúp tăng khả năng sinh trưởng, chống chịu sâu bệnh, nhất là xử lý được bệnh tuyến trùng - nguyên nhân chính làm thoái hóa tiêu.
TH