Từ kết quả của dự án cấp thành phố
Hiện nay, ngành trồng hoa phong lan được xem là hướng đi đúng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích sản xuất phù hợp với tình hình đô thị hóa của thành phố, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất cho ngành hoa kiểng nói chung. Để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường hoa lan đòi hỏi nguồn cây giống vô tính lớn, đồng nhất và chất lượng. Tuy nhiên, các đơn vị có năng lực sản xuất giống bằng các phương pháp hiện đại như nuôi cấy mô trên địa bàn còn ít, thiếu các phương tiện hiện đại phục vụ sản xuất giống. Trước thực trạng đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã được UBND TP Cần Thơ phê duyệt thực hiện Dự án "Hoàn thiện hệ thống sản xuất giống hoa phong lan bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, thủy canh, khí canh". Dự án đã tiếp nhận và hoàn thiện quy trình nhân giống các loại hoa: Cattleya, Dendrobium, Vanda và Mokara, lan Kim Tuyến bằng kỹ thuật nuôi cấy mô; xây dựng và hoàn thiện hệ thống ươm cây lan giống trên hệ thống khí canh và mô hình nhà lưới trồng hoa lan cắt cành…, giúp hình thành khu vực chuyên sản xuất giống hoa phong lan ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhu cầu phát triển nghề trồng lan, nhằm tạo tiền đề cho việc phát triển công nghệ sinh học thực vật, phục vụ công tác giống cây trồng và thúc đẩy phát triển du lịch.
Đến sản xuất hoa chất lượng cao
Tiếp nối các kết quả đạt được, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã đề xuất và được Bộ KH&CN giao thực hiện dự án: "Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao tại TP Cần Thơ" thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 (Chương trình nông thôn miền núi).
Nhiều giống hoa chất lượng cao đang được trồng thử nghiệm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, dự án đã tiếp nhận được các quy trình công nghệ nhân giống invitro (nhân giống trong phòng thí nghiệm), invivo (nhân giống vô tính ở ngoài phòng thí nghiệm) và sản xuất hoa thương phẩm trên 3 đối tượng: hoa hồng, hoa đồng tiền, hoa cúc; đã xây dựng thành công các mô hình ứng dụng, gồm: 2 mô hình nhân giống invitro với 10.000 cây đồng tiền và 200.000 cây cúc; 3 mô hình sản xuất hoa thương phẩm: hoa đồng tiền quy mô 2.000 m2, số lượng 10.000 cây; hoa cúc quy mô 5.000 m2, số lượng 200.000 cây; hoa hồng chịu nhiệt quy mô 1.500 m2, số lượng 10.000 cây. Đồng thời, đào tạo được 10 cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về công nghệ nhân giống invitro, invivo sản xuất hoa chậu theo quy mô công nghiệp; tổ chức 3 lớp tập huấn cho 180 lượt nông dân nắm vững kỹ thuật về sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao.
Dự án được nghiệm thu với kết quả đạt.
Phong Vũ