Thứ sáu, 15/05/2020 15:18

Ứng dụng tiến bộ KH&CN đa dạng hóa nghề nuôi thủy sản ở An Giang

Nhằm đa dạng hóa và tăng tính bền vững cho nghề nuôi thủy sản ở An Giang, Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt và nuôi lươn thương phẩm không bùn mật độ cao tại An Giang” thuộc Chương trình Nông thôn miền núi (do Bộ KH&CN quản lý) đã được triển khai và mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Tìm hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản

An Giang là tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long. Nghề nuôi trồng thủy sản đóng vai trò rất quan trọng trong kinh tế của địa phương. Các loại thủy sản nuôi có thế mạnh của tỉnh là cá tra, tôm càng xanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do tình hình tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu có nhiều biến động, giá thức ăn ngày càng lên, chi phí đầu tư cao, khiến các đối tượng nuôi này không còn tính bền vững như trước. Từ thực tế này, tỉnh đưa ra chủ trương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao như cá chạch, cá chình, bống tượng, lươn đồng…, đặc biệt là nuôi lươn và cá lóc - vốn là những đối tượng nuôi truyền thống, nhiều tiềm năng song chưa được quan tâm đúng mức.

Tại An Giang, nghề nuôi lươn đã có trong dân từ lâu nhưng chưa phát triển lắm, diện tích nuôi chỉ khoảng 22 ha, hình thức nuôi phổ biến vẫn là kiểu nuôi truyền thống trong bùn đất. Quy mô nuôi nông hộ thường là vài chục m2, sản lượng thu hoạch chỉ vài trăm kg đến vài tấn/hộ nuôi. Hình thức nuôi truyền thống này còn nhiều hạn chế như: tốn thời gian và công lao động trong khâu chuẩn bị đất, thu hoạch và phòng trị bệnh không đạt hiệu quả tối ưu do mầm bệnh tích lũy trong đất theo thời gian từ thức ăn dư thừa, mật độ nuôi thấp từ 50-80 con/m2, năng suất chỉ đạt 6-8 kg/m2. Tương tự như vậy, đối với cá lóc, diện tích nuôi trong toàn tỉnh là 123 ha với tổng số hộ nuôi là 349 hộ. Hình thức nuôi chủ yếu là trong ao, kênh, rạch. Tuy nhiên, do tình trạng biến đổi khí hậu (quá nóng vào mùa hè, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm), đồng thời nguồn nước cấp trực tiếp vào ao nuôi được lấy từ sông có dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật nên ảnh hưởng tới sức khỏe của cá, cá bị nhiễm bệnh với tần suất cao dẫn đến việc người dân lạm dụng kháng sinh trong nuôi cá.

Ứng dụng tiến bộ KH&CN đa dạng hóa nghề nuôi

Được sự hỗ trợ từ Chương trình Xây dựng mô hình ứng dụng chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2017-2019 (gọi tắt là Chương trình Nông thôn miền núi) do Bộ KH&CN quản lý, từ 8/2017 đến tháng 7/2019, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt và nuôi lươn thương phẩm không bùn mật độ cao tại An Giang”. Mục tiêu của Dự án là tiếp nhận được tiến bộ KH&CN (đơn vị chuyển giao công nghệ là Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) để phát triển mô hình nuôi cá lóc trên bể lót bạt và nuôi lươn không bùn mật độ cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn miền núi ở các huyện Thoại Sơn, Châu Thành và An Phú.

Mô hình nuôi lươn không bùn (Ảnh: khoahocphatrien.vn)

Sau 2 năm thực hiện, Dự án đã đào tạo được 20 kỹ thuật viên, tập huấn cho gần 200 lượt nông dân về kỹ thuật nuôi lươn không bùn và nuôi cá lóc bể bạt; xây dựng thành công các mô hình nuôi lươn và cá lóc. Cụ thể, tại huyện Châu Thành và Thoại Sơn, Dự án đã chọn được 26 điểm nuôi lương đồng thương phẩm có tổng quy mô 1.200 m2, sau 22 tháng thực hiện (2 đợt, mỗi đợt 12-14 tháng), có 21/26 điểm thu hoạch đạt yêu cầu kỹ thuật đề ra: trọng lượng bình quân đạt 185-245 g/con, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 0,5-0,6 g/ngày. Hiệu quả lợi nhuận từ mô hình nuôi lươn: giá thành sản xuất lươn thương phẩm từ 113-130.000 đ/kg, giá bán lươn loại 1 dao động 175.000-225.000 đ/kg, loại 2 giá 148.000-200.000 đ/kg, 26/26 điểm xây dựng mô hình đều có hiệu quả kinh tế, đạt tỷ suất lợi nhuận 39-120%, lợi nhuận từ 13.200.000 đến 177.156.000 đ/hộ, tính theo m2 lợi nhuận từ 1.320.000-3.540.000 đ/m2.

Đối với cá lóc, Dự án triển khai trên tổng diện tích 750 m2 tại huyện An Phú. Các hộ tuân thủ mật độ thả nuôi 100 con/m2, nước nuôi cá được thay 2 lần/ngày, dùng thức ăn công nghiệp (28-40% đạm). Sau 5 tháng nuôi, trọng lượng bình quân của cá đạt khoảng 500 g/con, tỷ lệ sống 52-72%, sản lượng 2,5-2,7 tấn/bể (75 m2), năng suất từ 33-36 kg/m2, lợi nhuận từ 15,8-24,3 triệu đồng/75 m2.
Theo chủ nhiệm Dự án Tăng Hoàng Vinh: “Mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt theo hướng an toàn thực phẩm giúp người dân tận dụng và khai thác hiệu quả diện tích đất trống xung quanh nhà. Đây là hệ thống nuôi có chi phí đầu tư thấp nhất trong các hệ thống nuôi thủy sản hiện nay tại An Giang, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho nông hộ”. Kết quả thu hoạch ở các điểm nuôi của Dự án thể hiện được mức độ thành công rất lớn từ việc ứng dụng quy trình công nghệ nuôi cá lóc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Năng suất thu hoạch cá cao hơn 50% so với trước đây, góp phần cải thiện thu nhập của người dân nên bà con rất phấn khởi. Mặt khác, nguồn nước thải từ mô hình nuôi được sử dụng để tưới cho lúa và hoa màu, góp phần giảm bớt chi phí phân bón trong canh tác. Thấy được hiệu quả này, nông dân tỏ ra yên tâm hơn khi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tự học hỏi nhau để nhân rộng các mô hình ngay cả khi Dự án đã kết thúc.

Thu hoạch cá lóc nuôi trong bể bạt (Ảnh: Trung tâm Giống thủy sản An Giang).

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)