Thứ hai, 20/04/2020 13:30

Thái Bình: Phát triển tiềm năng sản xuất giống và cây dược liệu nhờ ứng dụng của KH&CN

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn nhân lực dồi dào, Thái Bình có nhiều tiềm năng phát triển trồng cây dược liệu. Hiện nay, đã có nhiều loài cây dược liệu được trồng trên địa bàn tỉnh như hoa hòe, nghệ, dây thìa canh… Đặc biệt, đinh lăng và cà gai leo - 2 loài cây được đánh giá thích nghi với điều kiện vùng Đồng bằng sông Hồng, có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Chính vì vậy, Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Thái Hưng đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt dự án “Ứng dụng KH&CN xây dụng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng, cà gai leo tại tỉnh Thái Bình”. Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025. Sự thành công của dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề hỗ trợ người dân vùng nông thôn nâng cao thu nhập từ việc chuyển đổi cây trồng nông nghiệp sang cây trồng dược liệu.

Dự án áp dụng công nghệ tiên tiến hơn so với các phương pháp trồng, thu hoạch, sơ chế và chế biến cây dược liệu tự phát của các nông hộ trên địa bàn tỉnh hiện nay. Quy trình kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch cây dược liệu trong dự án được áp dụng theo hướng GACP (Bộ Y tế ban hành tại Thông tư 14/2009/TT-BYT ngày 3/9/2009) về việc Hướng dẫn triển khai áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”.

Giống cây dược liệu được sử dụng trong dự án là những giống có khả năng nảy mầm cao, không mang mầm bệnh, côn trùng và không lẫn giống tạp. Căn cứ vào nhu cầu thị trường và đặc điểm tự nhiên - xã hội tại địa phương, Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Thái Hưng đã lựa chọn 2 loài cây dược liệu để phát triển trong dự án, là cây đinh lăng và cà gai leo.

Đinh lăng là một loài cây nhỏ, sống nhiều năm, thân nhẵn, không có gai và phân nhánh nhiều (cùng họ với cây nhân sâm Triều Tiên). Lá kép 3 lần xẻ lông chim, dài 20-40 cm. Đinh lăng là loài cây có khả năng tái sinh vô tính khỏe, ưa ẩm, có thể trồng trên nhiều loại đất. Theo nghiên cứu của Học viện Quân sự Việt Nam, cây đinh lăng có tác dụng: tăng biên độ điện não; tăng khả năng tiệp nhận của các tế bào thần kinh vỏ não với các kích thích ánh sáng; tăng nhẹ quá trình hưng phấn khi thực hiện phản xạ trong mê lộ; tăng hoạt động phản xạ dương tính và phản xạ phân biệt. Nhìn chung, dưới tác dụng của trà thảo dược đinh lăng, vỏ não được hoạt hóa nhẹ và có tính đồng bộ, các chức năng của hệ thần kinh về tiếp nhận và tích hợp đều được cải thiện.

Cà gai leo, còn được gọi là cà gai dây, cà vạnh, cà quýnh… là loài thực vật thuộc họ cà, được trồng ở nhiều nơi nhờ vào khả năng giải độc gan của loài cây này. Cây mọc hoang ở nhiều nơi từ vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng ven biển, đặc biệt là các tỉnh Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hóa, Nghệ An. Có thể thu hái rễ và cành lá quanh năm, rửa sạch, thái lát, phơi khô hoặc sấy khô. Có thể dùng dược liệu nấu cao nước, cao mềm hoặc cao khô. Trong rễ và lá cà dây leo có chứa một số thành phần như: cholesterol, β - sitosterol, lanosterol, dihydrolanosterol, 3β - hydroxyl - 5α - pregnan - 16 - on, rễ và lá có solasodinon. Những thành phần này có tác dụng rất tốt cho gan, hỗ trợ tối ưu quá trình điều trị bệnh của người bệnh gan. Sử dụng các bài thuốc từ cà gai leo còn giúp ngăn ngừa và làm chậm sự tiến triển của xơ gan. Đây được xem là giải pháp làm giảm mức độ xơ gan giai đoạn sớm an toàn cho người bệnh. Hoạt chất glycoalkaloid có trong cây cà gai leo có tác dụng ức chế sự sinh tiết tổng hợp sợi collagen trong tế bào gan. Từ đó, giúp ức chế hình thành các tổ chức xơ gan. Ngoài ra, các hoạt chất có trong cây cà dây leo còn có tác dụng thanh lọc cơ thể, giúp bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường. Các hoạt chất này hạn chế các tổn thương không đáng có cho gan và giải độc gan rất nhanh chóng.

Dự án đã đào tạo 10 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn cho 200 nông dân. Sau khi đào tạo và tập huấn, kỹ thuật viên và học viên đã nắm bắt được các quy trình nhân giống, trồng trọt và thu hái hai loài cây theo hướng GACP. Trong quá trình thực hiện, dự án đã xây dựng được 2 mô hình nhân giống cây với quy mô 6 ha đinh lăng và 0,2 ha vườn nhân giống cây cà gai leo. Bên cạnh đó, dự án cũng đã xây dựng thành công mô hình sản xuất thương phẩm 2 giống cây theo hướng GACP với quy mô 20 ha đối với mỗi loài dược liệu.

Sau 36 tháng thực hiện, dự án đã đạt được hiệu quả kinh tế khả quan. Với diện tích 40 ha (20 ha cây đinh lăng và 20 ha cây cà gai leo), dự án đã đạt doanh thu hơn 11 tỷ đồng và lợi nhuận đạt được hơn 5 tỷ đồng. Dự án đã tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần hỗ trợ thiết thực cho chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, việc thực hiện dự án còn góp phần nâng cao dân trí, bảo vệ và phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời thay đổi tập quán canh tác thuần nông thành nền sản xuất hàng hóa có định hướng, có hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo tiền đề cho việc thực hiện nhanh dự án phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh, sớm tạo ra sản phẩm hàng hóa, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

Xuân Bình

        
    

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)