Thứ tư, 25/03/2020 15:47

Bình Định: Hiệu quả từ các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi

Trong thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của Bình Định đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thành công đó, đóng góp của các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi là khá rõ nét. Kết quả thực hiện các dự  án đã góp phần đưa các tiến bộ KH&CN mới vào phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập cho người dân địa phương...

Được sự quan tâm của Bộ KH&CN, từ năm 2004 đến nay, tỉnh Bình Định đã thực hiện hơn 10 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi. Các dự án được thực hiện đã góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu sau:

Dự án “Ứng dụng công nghệ vi sinh đa chủng sản xuất phân hữu cơ vi sinh POLYFA phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ” được thực hiện trong giai đoạn 2 của Chương trình nông thôn miền núi. Dự án đã ứng dụng thành công công nghệ sinh học để xử lý phế thải của công nghiệp chế biến đường, cồn, rượu, dứa... và sản xuất được hơn 1.000 tấn phân vi sinh POLYFA phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng phân vi sinh POLYFA đã giúp tăng năng suất cây trồng 5-10%/vụ, chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng lên đáng kể, đặc biệt là thành phần cơ giới đất nông nghiệp được cải thiện rõ rệt. Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh của dự án đã góp phần tích cực vào phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững ở Bình Định nói riêng, vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung, đồng thời giải quyết được vấn đề xử lý phế thải của các ngành công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường.

Dự án “Xây dựng mô hình nhân nhanh giống mía mới bằng công nghệ nuôi cấy mô tại Bình Định” đã thành công trong việc nhân nhanh giống mía mới (K95-156 và Suphanburi 7) bằng phương pháp nuôi cấy mô; xây dựng thành công quy trình kỹ thuật ươm cây mía nuôi cấy mô ngoài vườn ươm, trồng và chăm sóc vườn mía giống đầu dòng từ cây giống nuôi cấy mô, quy trình kỹ thuật sản xuất và thu hoạch mía giống; quy trình kỹ thuật sản xuất và thu hoạch mía nguyên liệu. Kết quả thực hiện xây dựng mô hình cho thấy, năng suất giống Suphanburi 7 đạt 105-110 tấn/ha, giống K95-156 đạt 103-109 tấn/ha. So sánh với giống mía cũ thì lợi nhuận cao hơn khoảng 22-27 triệu đồng/ha đối với mía giống và khoảng 11-17 triệu đồng/ha đối với mía nguyên liệu. Bên cạnh đó, dự án đã đào tạo được 8 cán bộ kỹ thuật tại cơ sở, tập huấn kỹ thuật cho hàng trăm người dân. Thành công của dự án đã giúp người dân tiếp cận với giống mía mới có năng suất, chất lượng cao để áp dụng vào sản xuất, góp phần ổn định vùng nguyên liệu cho nhà máy đường của tỉnh.

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm nấm ký sinh (Metarhizum sp.) để quản lý rầy nâu hại lúa ở Bình Định” được thực hiện từ tháng 4/2012-12/2015. Sau hơn 3 năm thực hiện, dự án đã sản xuất và ứng dụng thành công chế phẩm nấm ký sinh Metarhizum sp. tại các huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, giúp nông dân chủ động phòng trừ rầy nâu một cách đồng bộ và kịp thời, hạn chế tối đa dịch vàng lùn và lùn xoắn lá, năng suất lúa tăng 1,5-2 tạ/ha (so với ruộng đối chứng). Chế phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu BIMETAR (năm 2014). Việc đẩy mạnh sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học Metarhizum sp.  trong sản xuất lúa tại Bình Định đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực; tạo tập quán canh tác theo hướng sử dụng các chế phẩm sinh học; giảm ô nhiễm môi trường; giảm chi phí đầu tư trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm hàu và chế biến thực phẩm chức năng từ hàu tại Bình Định” được thực hiện nhằm góp phần phát triển nghề nuôi hàu theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường các vùng đầm phá trong tỉnh. Dự án đã xây dựng và hoàn thiện mô hình sản xuất giống nhân tạo và ương giống hàu cấp I, cấp II; mô hình nuôi hàu thương phẩm... Thành công của dự án đã góp phần tạo nguồn cung cấp giống ổn định phục vụ cho nhu cầu nuôi hàu thương phẩm trong và ngoài tỉnh. Từ nguyên liệu hàu thương phẩm, Công ty Cổ phần dược - trang thiết bị y tế Bình Định đã thu mua và sản xuất thành công viên nang thực phẩm chức năng từ hàu. Sản phẩm của Công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Nyster Pro. Hiện nay, sản phẩm đã được bán ra thị trường với số lượng hơn 1,5 triệu viên/năm, vừa mang lại lợi nhuận cho Công ty vừa góp phần phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Công đoạn đông khô sản phẩm từ hàu

CM

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)