Cua xanh là loài ít bị dịch bệnh, dễ nuôi, chóng lớn; có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao; thịt thơm, ngon; quá trình nuôi có thể tận dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên như tôm, tép, cá tạp. Cua xanh thuộc lớp giáp xác, là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều nước. Về tiềm năng ương nuôi cua xanh, tại Hà Tĩnh có trên 2.500 ha vùng cửa lạch có các điều kiện môi trường phù hợp cho sự phát triển của cua thương phẩm nói chung và cua xanh nói riêng. Tuy nhiên, công tác quy hoạch ở vùng này đang còn nhiều bất cập, các hộ nuôi còn manh mún, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Có thể nói, việc phát triển nghề nuôi cua xanh tại Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn, bất cập như: cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn thiếu và yếu; chưa chủ động được nguồn giống (trên 90% giống phải nhập từ nơi khác, giá thành cao, không quản lý, giám sát được chất lượng); áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất còn hạn chế; bà con nông dân chưa có đủ nguồn lực để tiếp cận với các đối tượng, cách thức, công nghệ nuôi mới có thể thay thế đối tượng, cách thức nuôi truyền thống trước đây…
Năm 2016, do sự cố môi trường nên các tàu cá nhỏ gần bờ gần như không hoạt động. Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 34 xã với dân số gần 269.000 người với khoảng 80.000 lao động gắn với hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Chính vì vậy, việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ven biển, đặc biệt là vùng bãi ngang, vùng cửa lạch (lâu nay chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt gần bờ và các nghề phụ trợ cho khai thác biển) là việc làm cấp thiết và dài lâu.
Để góp phần giải quyết các khó khăn, tồn tại nêu trên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh đã đề xuất và được Bộ KH&CN giao thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình ương nuôi cua xanh tại Hà Tĩnh”. Mục tiêu của dự án là: 1) Tiếp nhận và làm chủ được 3 quy trình nuôi cua bố mẹ, ương nuôi cua bột/cua giống, cua thương phẩm năng suất cao; 2) Xây dựng mô hình sản xuất giống cua (diện tích 1 ha, sản lượng 4 triệu con/2 năm, cỡ giống 2-3 cm); 3) Xây dựng mô hình sản xuất cua thịt thương phẩm trong ao đất (diện tích 5 ha, năng suất đạt 2,4-3 tấn/ha, kích cỡ thu hoạch bình quân 300 g/con, sản lượng đạt 12 tấn/vụ nuôi); 4) Đào tạo 10 kỹ thuật viên làm chủ được công nghệ chuyển giao, tập huấn kỹ thuật cho 100 hộ dân trên địa bàn nắm vững được các quy trình kỹ thuật nuôi cua thương phẩm.
Để triển khai dự án, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh đã tiếp nhận từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, đồng thời tiến hành đào tạo cho 10 cán bộ kỹ thuật và 100 hộ nuôi trồng thủy sản. Sau khi tập huấn, cán bộ kỹ thuật và các hộ dân sẽ làm chủ được quy trình nuôi cua bố mẹ sản xuất cua bột, quy trình ương nuôi cua bột/cua giống và quy trình nuôi cua thương phẩm. Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng thành công 1 mô hình nuôi cua bố mẹ sản xuất cua bột, 1 mô hình ương nuôi cua bột lên cua giống, 1 mô hình nuôi cua thương phẩm với diện tích là 2 ha tại đơn vị chủ trì dự án, 1 mô hình nuôi thương phẩm 3 ha tại 6 hộ dân (0,5 ha/hộ).
Cua mẹ ôm trứng sau khi đẻ 8-9 ngày.
Với mô hình nuôi cua bố mẹ sản xuất cua bột, dự án đã sản xuất được 4 triệu con giống phục vụ sản xuất thương phẩm. Tỷ lệ cua mẹ nuôi vỗ thành thục đạt 76%, tỷ lệ đẻ đạt 86,84%, tỷ lệ nở đạt 78,91%, tỷ lệ sống từ ấu trùng lên cua bột đạt 7,81%, tỷ lệ sống từ cua bột lên cua giống đạt 67,97%. Với thời gian ương 25-30 ngày, cua giống đạt kích cỡ 2,2 cm.
Kết quả mô hình nuôi thương phẩm tại đơn vị chủ trì: tổng sản lượng thu hoạch của thương phẩm trong thời gian thực hiện dự án đạt 9,8 tấn; trọng lượng khi thu hoạch đạt 255-295 g/con với thời gian nuôi 120-125 ngày. Tại các mô hình nuôi thương phẩm của hộ dân, tổng sản lượng thu hoạch được trong thời gian thực hiện dự án là 14,7 tấn, trọng lượng khi thu hoạch đạt 261-296 g/con với thời gian nuôi 120-125 ngày.
Mô hình nuôi cua thương phẩm tại hộ dân.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế của dự án cho thấy, với mô hình sản xuất giống đạt lợi nhuận bình quân 51,176 triệu đồng/năm. Với mô hình nuôi cua thương phẩm/ha/năm đạt 101 triệu đồng. Nhận định về hiệu quả của dự án, đại diện đơn vị chủ trì dự án cho biết: mặc dù nghề nuôi cua không phải là nghề cho thu nhập cao, nhưng xét về góc độ kỹ thuật qua quá trình xây dựng các mô hình cho thấy, so với nuôi tôm và các loại nuôi trồng thủy sản khác thì nuôi cua ít bị dịch bệnh hơn, đầu tư nuôi cua không cao, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Bên cạnh đó, vào mùa đông (khi nhiệt độ xuống thấp và kéo dài) cua vẫn sống tốt nhờ khả năng chui rúc và vùi mình dưới lớp bùn đáy. Nhờ những đặc tính này, cua xanh hiện đang trở thành đối tượng nuôi quan trọng trong vụ Thu - Đông, ngay sau khi kết thúc vụ nuôi tôm sú của bà con ngư dân (Hè - Thu). Vào vụ Xuân - Hè, có thể nuôi xen ghép cua và tôm nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ dân.
Vũ Hưng