Thứ năm, 02/05/2019 19:32

Hiệu quả từ các dự án nông thôn miền núi được thực hiện tại tỉnh Quảng Ngãi

Nguyễn Văn Thành

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ thực hiện một số dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi. Kết quả thực hiện các dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với người dân, góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi được triển khai tại Quảng Ngãi trong thời gian qua đã giúp chuyển giao thành công nhiều tiến bộ KH&CN đến người dân, được chính quyền địa phương quan tâm và người dân hưởng ứng, tham gia nhiệt tình. Kết quả thực hiện các dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho địa phương. Mặc dù số lượng dự án của Chương trình triển khai trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, nhưng đã chuyển giao được nhiều mô hình canh tác, quy trình công nghệ chăn nuôi, giết mổ gia súc phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó, thông qua các dự án thuộc Chương trình đã đào tạo được một số khuyến nông viên cơ sở, tập huấn cho hàng nghìn người dân nắm được các tiến bộ KH&CN do các dự án chuyển giao. Đây là lực lượng lao động cần thiết để duy trì và phát triển nhân rộng các mô hình sau khi dự án kết thúc. Dưới đây là kết quả chính của một số dự án nông thôn miền núi đã được thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và phát triển nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi tại xã Sơn Mùa và Sơn Bua, huyện Sơn Tây” (do Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây chủ trì) đã chuyển giao thành công nhiều mô hình đến người dân, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Cụ thể: i) Mô hình thâm canh lúa nước (quy mô 30 ha) năng suất lúa bình quân 48,8 tạ/ha, đạt mục tiêu dự án đặt ra (45-50 tạ/ha). Nhờ ứng dụng giống mới, xác định khung thời vụ thích hợp và đầu tư thâm canh nên năng suất lúa tăng gần gấp 2 lần so với sản xuất truyền thống của đồng bào địa phương. Bình quân lương thực đầu người của các hộ trực tiếp tham gia mô hình đạt 426,8 kg/người/năm, tăng 147,03% so với trước khi tham gia mô hình, đã góp phần đáng kể trong công tác xoá đói giảm nghèo. Thông qua mô hình bà con nông dân đã có thêm giống lúa mới năng suất cao để sản xuất, thay cho các giống lúa cũ đã bị thoái hóa; ii) Mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái sinh sản đã tạo điều kiện cho đồng bào người Ca Dong tại vùng dự án tiếp cận được các kỹ thuật chăn nuôi mới hiệu quả kinh tế cao hơn, tận dụng lao động nhàn rỗi và các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi, hạn chế được hiện tượng đồng huyết và cải tạo nâng cao tầm vóc của đàn lợn. Việc thực hiện dự án đã giúp người dân địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc học tập và ứng dụng các kỹ thuật chăn nuôi mới vào thực tế sản xuất, đặc biệt là có thêm tư liệu phục vụ sản xuất; iii) Mô hình chăn nuôi cải tạo đàn bò đã giúp người dân địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng giống tốt trong sản xuất, từng bước thay dần giống bò vàng địa phương bằng giống bò lai Zêbu nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Sự thành công của mô hình này đã giúp địa phương thực hiện được chỉ tiêu Sind hóa 60% đàn bò địa phương; iv) Mô hình chăn nuôi cải tạo đàn dê đã tạo điều kiện cho đồng bào người Ca Dong tại vùng dự án tiếp cận được với các kỹ thuật chăn nuôi mới hiệu quả kinh tế cao hơn, khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển chăn nuôi. Qua thực hiện mô hình đã có nhiều hộ dân tự giác làm chuồng trại để chăn nuôi và phát triển nhanh đàn dê, tổng đàn dê của xã Sơn Bua hiện nay là gần 1.000 con, tăng hơn 300 con so với trước khi triển khai dự án. Tỷ lệ dê lai Bách Thảo đạt hơn 20% so với tổng đàn. Hiện nay, các mô hình của dự án vẫn được duy trì và phát triển tốt. 

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi lợn hướng nạc hàng hoá quy mô trang trại gia đình từ chăn nuôi đến giết mổ tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi” do UBND huyện Sơn Tịnh chủ trì. Dự án đã xây dựng thành công 14 mô hình chăn nuôi hỗn hợp lợn nái sinh sản và thịt theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại hộ gia đình (mỗi mô hình/hộ gồm 10 con nái, 160 heo thịt) để sản xuất lợn hàng hóa. Mô hình đạt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật dự án đề ra, đem lại hiệu quả kinh tế bình quân cho các hộ trong thời gian thực hiện dự án là gần 200 triệu đồng, bình quân lãi hơn 130 triệu đồng/hộ/năm. Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng thành công mô hình cơ sở gieo tinh nhân tạo theo quy trình ghép phối trong sản xuất lợn thương phẩm; mô hình cơ sở giết mổ lợn tập trung theo hướng công nghiệp; mô hình cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và đậm đặc từ nguồn nguyên liệu sẵn có đã giúp địa phương chủ động nguồn tinh cho phối giống, thức ăn cho chăn nuôi và cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, mô hình chăn nuôi hỗn hợp lợn nái sinh sản và lợn thịt theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại hộ gia đình của dự án vẫn được duy trì và phát triển nhân rộng thêm hàng trăm hộ dân thuộc địa bàn 4 xã của huyện Sơn Tịnh, giúp người chăn nuôi có thu nhập ổn định.

Dự án “Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi dê lai trên địa bàn vùng núi huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi” do Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ chủ trì. Dự án đã tổ chức tập huấn cho 150 lượt nông dân trực tiếp thực hiện dự án và nông dân trong vùng dự án nắm vững được quy trình kỹ thuật nuôi dê lai thâm canh; đào tạo được 10 kỹ thuật viên cơ sở và chuyển giao thành công 6 quy trình công nghệ nuôi dê lai cho các hộ dân tham gia dự án. Đặc biệt, mô hình nuôi dê lai thâm canh do dự án triển khai tại 25 hộ dân (quy mô 25 con dê đực Bách Thảo, 200 con dê cái địa phương) đã đem lại thu nhập cho hộ dân trong thời gian thực hiện dự án trên 22 triệu đồng, bình quân gần 1 triệu đồng/hộ/tháng. Hiện nay, tổng đàn dê trên địa bàn có hơn 1.000 con, trung bình 1 dê cái sinh sản cho 35 kg dê thịt/năm. Bên cạnh đó, dự án đã phối hợp với cơ quan chuyển giao công nghệ xây dựng thành công các mô hình trồng giống cỏ mới Hoà thảo (Ghinê), cây họ đậu làm thức ăn cho dê. Các giống cỏ được trồng trên đất Ba Tơ sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương. Đây là nguồn thức ăn xanh có hàm lượng dinh dưỡng cao và phù hợp với đặc tính của dê.

 

Mô hình nuôi dê lai.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất tỏi ở huyện Lý Sơn theo hướng bền vững” (do Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn chủ trì) đã chuyển giao thành công các tiến bộ KH&CN đến người dân sản xuất tỏi ở Lý Sơn, giúp đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường tốt hơn so với sản xuất truyền thống. Cụ thể, dự án đã chuyển giao thành công 6 quy trình kỹ thuật canh tác tỏi ở Lý Sơn theo hướng bền vững cho người dân, đào tạo được 10 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho hàng trăm người dân về kỹ thuật canh tác tỏi theo hướng bền vững; xây dựng được hệ thống tưới phun trên diện tích 7 ha chuyên trồng tỏi, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng theo mục tiêu của dự án; xây dựng mô hình canh tác tỏi theo hướng bền vững, với quy mô 7 ha/vụ/năm (trên diện tích đã có hệ thống tưới phun). Kết quả thực hiện mô hình đã giúp đưa năng suất tỏi khô đạt trung bình 7,6 tấn/ha, cao hơn canh tác truyền thống 1,2 tấn/ha (tăng 18%). Mặt khác, kỹ thuật tưới phun mưa đã tiết kiệm gần 50% lượng nước tưới, đồng thời giúp giảm công lao động. Hiệu quả kinh tế của mô hình được thấy rõ khi chi phí đầu tư giảm được 11 triệu đồng/ha, nhưng giá trị thu hoạch đạt hơn 385 triệu đồng (cao hơn so với sản xuất truyền thống 55 triệu đồng), lãi sau thu hoạch của mô hình là hơn 120 triệu đồng/ha. Từ thành công của mô hình, nhiều hộ dân khác đã tự đầu tư kinh phí làm theo mô hình của dự án với tổng diện tích 50 ha. Có thể thấy, dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực, được chính quyền địa phương quan tâm ủng hộ, người dân hưởng ứng tham gia nhiệt tình và mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ để nhân rộng mô hình này trên diện tích trồng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn. Với những thành công của dự án, hiện nay UBND huyện Lý Sơn đang xây dựng dự án triển khai nhân rộng trên toàn huyện với diện tích 300 ha.

 

Mô hình sản xuất tỏi ở Lý Sơn.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển cây ăn quả hàng hóa tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi” do UBND huyện Nghĩa Hành chủ trì. Dự án đã đào tạo được 12 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho 600 lượt người dân về kỹ thuật thâm canh 3 loại cây ăn quả (sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm); chuyển giao 6 quy trình kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp 3 loại cây ăn quả cho các hộ dân tham gia dự án; hoàn thành trồng 45 ha cây ăn quả (15 ha sầu riêng, 15 ha bưởi da xanh và 15 ha chôm chôm Java) trên địa bàn 12 xã của huyện Nghĩa Hành, với trên 300 hộ dân tham gia. Thành công của dự án đã góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào vùng dự án, mở ra một khả năng to lớn trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên khí hậu và đất đai còn dồi dào của huyện Nghĩa Hành, tạo điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện Nghĩa Hành nói riêng.

Với những kết quả đạt được, dự án đã khẳng định sự đóng góp hiệu quả của KH&CN trong việc tăng năng suất, chất lượng cây ăn quả, giảm chi phí sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân trên địa bàn huyện...

 

Mô hình trồng chôm chôm.

Các dự án nông thôn miền núi được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường thiết thực cho địa phương. Đến nay, nhiều dự án sau khi kết thúc thực hiện vẫn được duy trì, tuy nhiên về phát triển nhân rộng còn hạn chế, nguyên nhân do thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm chưa đúng mức của các cấp chính quyền địa phương. Để duy trì và nhân rộng kết quả các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi thiết nghĩ cần nghiên cứu ban hành lại các quy định về quản lý của Chương trình đề phù hợp với thực tế hiện nay, đặc biệt cần có cơ chế hỗ trợ thích hợp để phát triển nhân rộng kết quả sau khi dự án kết thúc thực hiện.

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)