Thứ bảy, 21/03/2020 10:18

Ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo để sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Bỗng trên sông theo quy mô hàng hóa tại tỉnh Phú Thọ

Nhằm phát triển cá Bỗng,  Công ty TNHH Quảng Đạt (Phú Thọ) đã được Bộ KH&CN giao chủ trì thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo để sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Bỗng trên sông theo quy mô hàng hoá tại tỉnh Phú Thọ”. Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.

Mục tiêu của dự án là chuyển giao đồng bộ, tiếp thu và làm chủ được các kỹ thuật công nghệ sinh sản nhân tạo để sản xuất giống và quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm; xây dựng được mô hình liên kết ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chuỗi giá trị nuôi cá Bỗng trên sông quy mô hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phát triển bền vững phát huy lợi thế phục vụ Chương trình phát triển thủy sản tại tỉnh Phú Thọ.

Cá Bỗng (Spinibarbus denticulatus - Oshima, 1926) là một loài cá nước ngọt miền núi, đặc sản, có giá trị kinh tế ở nước ta. Cá có nhiều ưu điểm quý như: ăn tạp chủ yếu là thực vật bậc cao, có kích cỡ lớn, thân hình màu sắc đẹp... Trong điều kiện nuôi thâm canh, cá Bỗng ít bị nhiễm bệnh, có khả năng sinh trưởng cao, chất lượng thịt ngon, giá trị gấp 2-3 lần so với một số giống đặc sản hiện nay trên thị trường. Tuy nhiên, nguồn lợi cá Bỗng hiện nay đã giảm sút rất nghiêm trọng, là giống được đánh giá cao về sự phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế nuôi lồng trên sông Đà và sông Lô, về khả năng sinh sản nhân tạo và hiệu quả kinh tế nuôi thương phẩm, khẳng định cần sớm được chuyển giao xây dựng mô hình phát triển quy mô hàng hóa.

Cá Bỗng được nuôi sinh sản nhân tạo tại Công ty TNHH Quảng Đạt (Phú Thọ).

Dự án đã tiếp thu và làm chủ được các kỹ thuật công nghệ trong việc nuôi vỗ, sinh sản nhân tạo, ương nuôi nhằm chủ động sản xuất con giống tại chỗ cho tỉnh Phú Thọ và các địa phương khu vực miền núi phía Bắc có lợi thế phát triển giống cá Bỗng đặc sản này; phát triển công nghệ nuôi thương phẩm trong lồng trên sông, tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn thực phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, dự án cũng đã xây dựng thành công các mô hình công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá bỗng trong lồng trên sông, góp phần vào đa dạng hóa giống loài nuôi mới có chất lượng và giá trị kinh tế cao của tỉnh và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đặc sản có nguy cơ bị cạn kiệt; tạo được mô hình chuỗi liên kết trong phát triển chăn nuôi thủy sản của tỉnh, góp phần khắc phục được hạn chế trong sản xuất kinh doanh thương mại các sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh…

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)