Thứ năm, 02/04/2020 15:59

Quảng Bình: Làm chủ công nghệ nhân giống dạng dịch thể trong sản xuất nấm linh chi và nấm sò

Năm 2016, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thuộc Sở KH&CN Quảng Bình đã đề xuất và được Bộ KH&CN chấp thuận thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống dạng dịch thể trong sản xuất nấm linh chi, nấm sò tại Quảng Bình” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025. Kết quả của dự án đã góp phần quan trọng trong việc hình thành hệ thống sản xuất giống nấm và chế biến nấm bằng công nghệ nhân giống dạng dịch thể, chủ động trong việc cung cấp nhu cầu giống và các sản phẩm từ nấm cho địa phương và các vùng lân cận.

Nhân giống nấm dạng dịch thể lần đầu tiên được chuyển giao và áp dụng tại Quảng Bình

Nấm ăn là một thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, trong y học cổ truyền, nấm còn được dùng làm dược liệu phòng, chống các bệnh như: tim mạch, béo phì, giải độc và bảo vệ tế bào gan… Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng có nguồn phế thải từ nông, lâm nghiệp (rơm, rạ, mùn cưa, bã mía, thân ngô, lõi ngô…) rất dồi dào thích hợp để trồng nấm. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên (nhiệt độ, độ ẩm…) cũng khá phù hợp với nghề trồng nấm. Chính vì vậy, những năm gần đây, nấm được người dân Quảng Bình trồng khá phổ biến (đạt khoảng 351.000 m2), chủ yếu tập trung ở các huyện/thành phố: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và Đồng Hới. Tuy nhiên, nghề trồng nấm ở địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên, nhỏ lẻ, tự phát, dựa vào kinh nghiệm. Đặc biệt, người dân thường sử dụng nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc nên năng suất, chất lượng chưa cao, chưa trở thành vùng sản xuất tập trung để xây dựng thương hiệu và tiêu thụ ổn định.

Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế của công nghệ nhân giống kiểu cũ, giảm giá thành mua giống và giữ chất lượng ổn định, thúc đẩy nghề trồng nấm theo quy mô công nghiệp, năm 2016, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN, thuộc Sở KH&CN Quảng Bình đã đề xuất và được Bộ KH&CN chấp thuận thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống dạng dịch thể trong sản xuất nấm linh chi, nấm sò tại Quảng Bình”. Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.

Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống dạng dịch thể trong sản xuất nấm linh chi, nấm sò tại Quảng Bình”.

Mục tiêu của dự án là tiếp nhận và ứng dụng thành công thành tựu KH&CN nhân giống nấm dạng dịch thể trong sản xuất nấm linh chi, nấm sò và quy trình sản xuất thương phẩm nấm sò, nấm linh chi từ Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). Quy mô của dự án gồm: 1 mô hình sản xuất giống nấm sò cấp 1, 2, 3; 1 mô hình sản xuất giống nấm linh chi cấp 1, 2, 3 bằng lên men dịch thể; 1 mô hình trồng nấm sò thương phẩm bằng giống dịch thể quy mô 100 tấn/năm; 25 mô hình hộ dân với quy mô 5 tấn nấm sò/mô hình; 1 mô hình trồng nấm linh chi thương phẩm bằng giống dịch thể quy mô 5 tấn khô/năm; 25 mô hình hộ dân với quy mô 0,3 tấn linh chi/mô hình/năm; 1 mô hình sơ chế và bảo quản các sản phẩm từ nấm linh chi với công suất 7-10 tấn/năm; xây dựng cơ sở sản xuất nấm công suất 30-50 tấn nấm sò/tháng.

Công nghệ lên men lỏng sản xuất giống nấm đã và đang được sử dụng tại nhiều nơi trên thế giới. Với những ưu điểm của công nghệ này (sản xuất khối lượng sinh khối lớn, trong thời gian ngắn, chất lượng tương đối đồng đều…), Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN Quảng Bình đã tiếp nhận công nghệ và cho ra đời sản phẩm giống nấm linh chi, nấm sò dạng dịch thể, đây là loại giống nấm lần đầu tiên được chuyển giao và áp dụng vào sản xuất tại Quảng Bình. Sau khi sản xuất thành công số lượng giống nấm linh chi và nấm sò theo số lượng đặt ra (bao gồm giống dịch thể và giống gốc lưu giữ), dự án tiến hành sản xuất các bịch nấm sò và linh chi theo công nghệ đã được chuyển giao tại các mô hình được lựa chọn.

Hiệu quả sản xuất nấm từ công nghệ nhân giống dạng dịch thể

Qua 3 năm triển khai, dự án đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung theo thuyết minh, cụ thể là: đã xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất (xưởng sản xuất giống nấm, nhà kho, phòng tập huấn kỹ thuật, nhà xưởng chế biến…) đủ điều kiện để tiếp nhận và triển khai thực hiện các công nghệ nhân giống nấm dạng dịch thể; trồng, chăm sóc và chế biến các loại nấm; tiếp nhận, làm chủ và hoàn thiện các quy trình công nghệ sản xuất giống nấm từ giống gốc đến giống cấp 3 dạng dịch thể; nuôi trồng, chế biến 2 loại nấm (nấm sò, nấm linh chi) được chuyển giao từ Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình; xây dựng thành công mô hình sản xuất giống nấm cấp 1, 2, 3, hình thành được một cơ sở sản xuất giống nấm dịch thể có chất lượng cao, có năng lực sản xuất giống nấm khoảng 10.000 l giống/năm với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ khoa học được đào tạo bài bản và trực tiếp sản xuất với quy mô công nghiệp; xây dựng thành công mô hình sản xuất, nuôi trồng, chế biến và bảo quản nấm sò, linh chi theo nhiều hình thức (phân tán trong dân, tập trung tại Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN Quảng Bình); xây dựng thành công mô hình chế biến nấm thành các sản phẩm (nấm sấy khô, nấm đóng túi, nấm đóng hộp, trà túi lọc linh chi…), được đóng gói với bao bì, nhãn mác vệ sinh, an toàn trong bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Trong quá trình thực hiện, dự án cũng đã chọn 25 hộ dân của xã Văn Thủy (nay là Trường Thủy, huyện Lệ Thủy) và 25 hộ của xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) làm mô hình điểm để thử nghiệm trồng nấm bằng giống nấm dịch thể. Hạch toán kinh tế từ việc sản xuất nấm sò và linh chi thương phẩm thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế của các xã cũng như nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia dự án. Đối với mô hình sản xuất nấm sò thương phẩm, lợi nhuận thu về của cả dự án đạt gần 1,2 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ đạt hơn 30 triệu đồng; đối với mô hình sản xuất nấm linh chi thương phẩm, lợi nhuận thu về của cả dự án đạt hơn 750 triệu đồng, trung bình mỗi hộ đạt hơn 22 triệu đồng. Như vậy, nếu tính cho mỗi hộ tham gia, dự án đã mang lại hơn 52 triệu đồng. Dự án cũng đã so sánh hiệu quả sản xuất từ việc sử dụng giống dạng dịch thể với giống rắn, kết quả cho thấy: khi sử dụng giống dịch thể để sản xuất 1.000 bịch phôi nấm sò thì tiết kiệm hơn so với giống rắn một khoản chi phí là 586.000 đồng; tương tự với nấm linh chi thì tiết kiệm được 1.183.000 đồng. Rõ ràng việc sản xuất nấm sò, linh chi từ công nghệ nhân giống dạng dịch thể đã cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với sử dụng giống rắn.

Sản phẩm nấm linh chi của dự án.

Đến nay, mặc dù dự án đã kết thúc, nhưng nhiều hộ dân vẫn đang tiếp tục duy trì mô hình và hiệu quả kinh tế khá cao. Đặc biệt, 25 hộ dân ở xã Trường Thủy vẫn duy trì và phát triển tốt mô hình này; xã Hải Ninh chỉ còn hơn 10 hộ tham gia vì nghề biển thời gian gần đây đã phát triển trở lại, người dân tiếp tục ra khơi, bám biển nên thời gian nhàn rỗi không nhiều.

Nhận xét về việc sản xuất nấm sò, linh chi từ công nghệ nhân giống dạng dịch thể, ông Trần Ngọc Dũng - Chủ nhiệm dự án cho biết: Giống nấm dịch thể dễ dàng kiểm soát chất lượng, hạn chế tỷ lệ tạp nhiễm, đồng thời duy trì được chủng giống trong môi trường vô trùng, giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, giá bán cho hộ dân để sử dụng trồng nấm thương phẩm rẻ hơn rất nhiều so với giống nấm sử dụng cơ chất rắn. Tuy nhiên, quá trình xử lý nguyên liệu và phối trộn các loại phụ gia phải được thực hiện theo đúng tỷ lệ để tránh làm phôi nấm bị chết, năng suất thấp. Môi trường để nấm sinh trưởng và phát triển phải luôn thoáng mát, sạch sẽ, nguồn nước tưới phải đảm bảo vệ sinh, không ô nhiễm. Riêng nấm sò, người trồng cần phải thu hái nấm đúng độ tuổi (chỉ cần thu hoạch chậm sau vài giờ đồng hồ là nấm sẽ bị nở, già, giảm dinh dưỡng và độ thơm, ngon của sản phẩm).

Thành công của dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống dạng dịch thể trong sản xuất nấm linh chi, nấm sò tại Quảng Bình” đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của bà con nông dân trên địa bàn 2 xã triển khai dự án. Bên cạnh đó, dự án đã góp phần nâng cao tiềm lực KH&CN cho Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN Quảng Bình (tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo 10 cán bộ kỹ thuật nắm vững thành thạo quy trình nhân giống và nuôi trồng chế biến nấm sò và nấm linh chi). Đây là tiền đề quan trọng để Trung tâm tiếp nhận các công nghệ tiên tiến nói chung, công nghệ nhân giống, chế biến nấm ở trình độ cao hơn nói riêng trong tương lai.

Vũ Hưng

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)