Thứ ba, 05/05/2020 15:12

Cây gấc lai góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ở Đắk Nông

Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ gấc lai bền vững tại tỉnh Đắk Nông” (thuộc Chương trình Nông thôn miền núi do Bộ KH&CN quản lý) đã đi vào giai đoạn kết thúc với kết quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc.

Tại buổi nghiệm thu cấp tỉnh (4/2020), Chủ nhiệm Dự án - KS Nguyễn Huyền Trang (Trung tâm Thông tin, Kỹ thuật và Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Nông) cho biết: sau 30 tháng thực hiện, Dự án đã đạt mục tiêu đề ra là tiếp nhận giống gấc lai năng suất, chất lượng cao, tiếp nhận công nghệ nhân giống, trồng thâm canh để xây dựng thành công cơ sở sản xuất cây giống gấc lai và xây dựng mô hình sản xuất gấc lai thương phẩm trên diện rộng, nhằm tăng thu nhập phát triển sản xuất gấc bền vững tại huyện Cư Jút và huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông. Kết quả cụ thể của dự án gồm: 1) Chuyển giao, tiếp nhận thành công 30 cây gấc lai mẹ, 4 quy trình công nghệ liên quan đến các mô hình của dự án; 2) Xây dựng thành công mô hình sản xuất cây giống gấc lai trong nhà lưới bằng phương pháp giâm hom và ghép chồi non lên gốc ghép có diện tích 1.600 m2; 3) Xây dựng thành công 2 mô hình thâm canh tổng hợp sản xuất cây gấc lai thương phẩm quy mô sản xuất hàng hóa với diện tích 30 ha gấc lai, dựa trên việc ứng dụng đồng bộ một số tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, thu hoạch; mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; năng suất bình quân mỗi năm đạt 19,4 tấn/ha/năm, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, đảm bảo sản phẩm gấc an toàn, sản xuất gấc theo hướng Global GAP; 4) Xây dựng thành công mô hình thu hoạch và chế biến quy mô 600 tấn quả gấc tươi mỗi năm, phù hợp với sản xuất của Hợp tác xã Nam Hà (Cư Jut) góp phần làm tăng sản lượng và thu nhập vườn cây mô hình: nâng cao công nghệ chế biến thông qua việc dự án đầu tư thiết bị hệ thống sấy kín và tuần hoàn khí theo nguyên lý ngưng tụ hơi nước với công suất 6 tấn ruột tươi trên một lần sấy và kho lạnh công nghiệp, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, nâng giá thành sản phẩm màng sấy khô đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; 5) Tổ chức đào tạo được 14 kỹ thuật viên, tập huấn kỹ thuật 250 lượt người; hội thảo đầu bờ 100 lượt người và xây dựng được 01 chuyên mục truyền hình nói về hiệu quả từ dự án. Thông qua công tác đào tạo kỹ thuật viên đã nâng cao trình độ KH&CN cho đội ngũ cán bộ Trung tâm và Hợp tác xã Nam Hà.

Nghiệm thu Dự án cấp tỉnh (Ảnh: Sở KH&CN Đắk Nông).

Qua thực tế xây dựng các mô hình và chế biến sản xuất dầu gấc chất lượng cao (đạt hàm lượng β-caroten ≥200 mg%, lycopen ≥150 mg%, thời gian bảo quản 24 tháng), Ban Chủ nhiệm Dự án đưa ra nhận định về việc triển khai dự án này rất phù hợp với địa phương. Kết quả đạt được của dự án cũng đã khẳng định sự đóng góp của khoa học và công nghệ trong việc tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả sản xuất và sử dụng tài nguyên bền vững/hợp lý, thông qua đó góp phần xoá đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn và miền núi.

Giống gấc lai là giống được lai giữa giống gấc Việt Nam và giống gấc Ấn Độ, có chất lượng tốt, quả tròn, to, trọng lượng quả trung bình đạt 2-3 kg, cá biệt có quả đạt 4-5kg. Quả ít gai, khi chín có màu đỏ, tỷ lệ long cùi cao, ruột đỏ thẫm, cho năng suất cao. Còn giống gấc khác trọng lượng quả trung bình 1-2 kg, vỏ có nhiều gai nhọn, khi chín chuyển sang màu đỏ cam, cùi vỏ trong vàng tươi, lớp long màu đỏ tươi. Giống gấc lai có năng suất cao, chất lượng tốt, cho hàm lượng Carotenoid, Beta Caroten, Alphatocopherol, Lycopen cao hơn rất nhiều so với cùng một quả gấc khi thu hoạch.
     

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)