Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu dự án.
Dự án do Công ty TNHH Khoa Thành chủ trì thực hiện, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I là đơn vị chuyển giao công nghệ. Trong quá trình triển khai dự án, cơ quan chủ trì đã tiếp nhận 2 quy trình công nghệ (sản xuất giống tôm thẻ chân trắng sạch bệnh và nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ biofloc). Dự án cũng đào tạo cho 10 kỹ thuật viên là cán bộ Công ty TNHH Khoa Thành thành thạo cả lý thuyết và thực hành về 2 quy trình, đồng thời tổ chức 2 lớp tập huấn cho 100 ngư dân là các hộ nuôi tôm trên địa bàn về quy trình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ biofloc. Mô hình sản xuất tôm giống sạch bệnh từ kết quả triển khai Dự án cho tỷ lệ tôm bố mẹ thành thục năm 2018 và 2019 đạt tương ứng 72 và 80%; tỷ lệ đẻ 90 và 92%; tỷ lệ chuyển trứng Nauplius đạt 93 và 95%; tỷ lệ chuyển Nauplius - Zoae đạt 75 và 80%; tỷ lệ chuyển Zoae - Mysis đạt 70 và 76%; tỷ lệ ra Post larvae xuất 65 và 68%.
Với các mô hình nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ biofloc cho tỷ lệ sống đạt 70,14-75,60%; kích thước thu hoạch 50-60 con/kg; năng suất 15,6-16,2 tấn/ha/vụ; hệ số thức ăn trung bình là 0,9-1,1.
Hiện nay, sản phẩm tôm giống của dự án đã có mặt tại hơn 30 trang trại nuôi tôm khu vực Hải Phòng, tôm thương phẩm được tiêu thụ tốt. Các mô hình đã giúp Công ty TNHH Khoa Thành giảm 4% nguyên liệu đầu vào; lợi nhuận tôm giống tăng thêm 80.000 đồng/vạn con; lợi nhuận tôm thương phẩm tăng thêm 15.500 đồng/kg.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá, dự án cơ bản đạt được mục tiêu khoa học đề ra, các mô hình nếu được nhân rộng sẽ góp phần thúc đẩy nghề nuôi tôm của Hải Phòng phát triển bền vững và nhất trí kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả dự án.