Thứ sáu, 31/01/2020 14:37

Giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Phạm Ngọc Hòa
 

Học viện Chính trị khu vực IV

Ngay từ cuối năm 2019 và những ngày đầu của năm 2020, tình hình hạn, mặn đã xảy ra trên diện rộng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện đã có 10/13 tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập. Do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), mùa khô năm 2019-2020, xâm nhập mặn được dự báo sẽ ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng. Để thích ứng với BĐKH và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, cần có các giải pháp mang tính đồng bộ về cơ chế chính sách, quy hoạch, ứng dụng khoa học và công nghệ.

Xâm nhập mặn xuất hiện sớm và ngày càng gia tăng
Xâm nhập mặn ở ĐBSCL mùa khô 2019-2020 đã xuất hiện sớm hơn so với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Hiện tại, xâm nhập mặn đã tác động đến 10/13 tỉnh, thành phố của ĐBSCL là Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang. Cụ thể trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 4‰ đã lấn sâu vào đất liền 50 km, trên sông Tiền đã vào 3 nhánh sông chính của tỉnh Bến Tre gần 60 km, trên sông Hậu cũng xâm nhập khoảng 50 km, trên sông Cái Lớn đã lấn sâu vào đất liền 70 km... Dự báo tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm 2019-2020 sẽ diễn ra với mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất sẽ tập trung vào tháng 1 và 2/2020. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài, kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực (sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập của Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016. Thống kê cho thấy từ giữa tháng 12/2019, xâm nhập mặn đã vào sâu trong đất liền 40-50 km, cao hơn năm 2016 khoảng 3-5 km. Dự báo tháng 1, 2 và đến giữa tháng 3/2020, ranh mặn 4 g/l sẽ xâm nhập sâu vào đất liền 55-110 km, cao hơn từ 3-7 km so với năm hạn mặn lịch sử 2016.
Về sản xuất nông nghiệp, hiện tại các tỉnh vùng ĐBSCL đang canh tác vụ mùa, thu đông 2019 và đông xuân 2019-2020. Cụ thể ở vụ mùa, tổng diện tích đã xuống giống là 160.580 ha, đã thu hoạch 24.800 ha, còn lại đang trong giai đoạn đòng, trổ và chín. Vụ thu đông đã xuống giống 719.100 ha, đã thu hoạch đạt 91%, hiện còn 65.100 ha đang trong giai đoạn trổ và chín. Phần lớn diện tích đang canh tác trong vùng đê bao bảo vệ và sẽ kết thúc thu hoạch sớm nên ít có diện tích bị ảnh hưởng mặn. Đối với vụ đông xuân 2019-2020, vùng ĐBSCL đã xuống giống 1.505.000 ha, đạt 95% kế hoạch. Trong số đó, diện tích cần tăng cường mạnh các giải pháp thủy lợi để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới trong trường hợp xâm nhập mặn kéo dài là khoảng 332.000 ha, tập trung ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang. Riêng đối với 100.000 ha thuộc vùng sản xuất lúa đông xuân hàng năm, nhưng có nguy cơ cao ảnh hưởng của xâm nhập mặn năm 2019-2020 đã bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho khoảng 50.000 ha và chuyển dịch lùi thời vụ cho 50.000 ha còn lại. Ngoài ra, vùng ĐBSCL còn có khoảng 136.000 ha cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn (chiếm 39,1% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng).
Đối với nước sinh hoạt, vùng ĐBSCL có khoảng hơn 20 triệu dân thì hiện tại có khoảng 82 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt. Dự báo trong thời gian tiếp theo của mùa khô, có khoảng 158 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt. BĐKH và xâm nhập mặn đã và đang đặt ra những vấn đề cơ bản về sinh kế, an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước cho vùng. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 45% diện tích toàn vùng ĐBSCL có thể bị nhiễm mặn nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển. Những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đối với sản xuất và sinh kế người dân là thách thức rất lớn đối với Chính phủ, chính quyền địa phương và hơn 20 triệu dân sinh sống tại vùng này.
Giải pháp thích ứng
Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, các bộ ngành cùng các địa phương trong khu vực đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và thiết thực, đặc biệt là hình thành, phát triển các mô hình thích ứng, có tính thực tiễn cao. Điển hình như phát triển các mô hình nuôi tôm bền vững; chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao chất lượng cây/con giống, thích ứng với BĐKH. Trong thời gian tới, để ứng phó với diễn biến bất thường của tình trạng xâm nhập mặn, một số giải pháp mà ĐBSCL cần phải triển khai bao gồm:
Một là, các địa phương cần quán triệt, vận dụng một cách sáng tạo quan điểm phát triển bền vững. Đảm bảo sự kết hợp hài hoà giữa mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường. Từ đó chủ động trong các chương trình, kế hoạch hành động, sáng tạo, quyết tâm trong nhận thức và hành động nhằm hướng tới một vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Cần tập trung khai thác tốt các lợi thế và tiềm năng sẵn có của vùng để đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững. Trên cơ sở đó tạo ra những sản phẩm mũi nhọn có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước, cũng như trên thế giới. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền về BĐKH đến người dân, phân tích các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trước những tác động của xâm nhập mặn để có những giải pháp ứng phó phù hợp; đưa nội dung ứng phó xâm nhập mặn lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Tổ chức quán triệt, phổ biến trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm đạt được sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhận thức và hành động về ứng phó với xâm nhập mặn và BĐKH.
Hai là, chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo đảm ứng phó với những thay đổi khí hậu, đặc biệt là ứng phó với hiện tượng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt đang diễn ra ngày càng khắc nghiệt. Đồng thời, các địa phương trong vùng cần xây dựng hệ thống đê kiên cố, hệ thống kênh mương tưới tiêu cho đồng ruộng và hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy có khả năng vận chuyển kịp thời các mặt hàng nông sản ra thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần tập trung vào hoạt động nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm công nghệ phù hợp với những lợi thế của vùng; sử dụng những công nghệ hiện đại như công nghệ nhà kính, công nghệ nhân giống, công nghệ bảo quản, sản xuất và chế biến tiên tiến đối với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản… để tăng năng suất và chất lượng hàng hóa.
Ba là, thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao trình độ và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới cho thấy, các mô hình sản xuất nông nghiệp đã hỗ trợ rất hiệu quả cho phát triển nông nghiệp nói chung và các hoạt động công nghệ phục vụ nông nghiệp nói riêng. Ở vùng ĐBSCL đã xây dựng được mô hình liên kết “bốn nhà” nhưng hiệu quả còn hạn chế. Vì vậy, để sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hạn mặn, vùng ĐBSCL cần hoàn thiện mối liên kết giữa các nhà trong sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện của vùng. Trước mắt, cần nâng cao nhận thức về mọi mặt cho người nông dân, nhất là kiến thức về khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, áp dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ vào công tác dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường nghiên cứu những vấn đề quy mô lớn, quy mô toàn cầu có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến thời tiết và khí hậu Việt Nam; nghiên cứu xây dựng hệ thống phân tích, dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng; ứng dụng sản phẩm viễn thám giám sát hạn mặn cũng như giám sát hoạt động của các hồ chứa xuyên biên giới; phối hợp với các địa phương điều tra, khảo sát, đo đạc và tập hợp thống nhất cơ sở dữ liệu về rủi ro hạn hán, xâm nhập mặn để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo.
Bốn là, thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu một cách hợp lý. Trước ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở nhiều nơi trong vùng, đòi hỏi các cấp quản lý, các cơ quan quy hoạch, các nhà khoa học cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng để điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất, đặc biệt đối với việc sản xuất lúa. Theo đó, tại vùng mặn hẳn thì nên trồng rừng. Tại vùng nước ngọt thì phát triển mô hình tôm - lúa. Tại các vùng đất phù sa ven sông hoặc ven kênh lớn thì phát triển trồng lúa… Các địa phương cần tăng cường các giải pháp về khoa học và công nghệ để thích ứng với BĐKH, chẳng hạn như nghiên cứu các giống vật nuôi, cây trồng có thể thích nghi được với điều kiện hạn, mặn. Đồng thời, cần nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “4 đúng” để tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả cây trồng và bảo vệ môi trường.
Năm là, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và cộng đồng quốc tế để ứng phó với xâm nhập mặn và BĐKH. Một mặt, cần tăng cường hợp tác trao đổi với các quốc gia trong Ủy hội sông Mê Kông và Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin, khai thác nguồn nước của sông Mê Kông. Mặt khác, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm trong việc ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán như Hà Lan, Israel, Australia nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc ứng phó với BĐKH. Việc tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề thích ứng với BĐKH trong nông nghiệp, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
BĐKH và xâm nhập mặn đã tác động ngày càng rõ rệt và to lớn đối với nông nghiệp vùng ĐBSCL. Trước tác động của BĐKH và xâm nhập mặn, vùng ĐBSCL không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân như bao đời. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển, không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)