Phương thức kết hợp khảo sát với kiểm tra đặc thù, đột xuất
Khảo sát kết hợp với kiểm tra đặc thù, đột xuất về đo lường, chất lượng xăng dầu là sự kết hợp giữa 3 hoạt động (khảo sát về đo lường, chất lượng; kiểm tra đặc thù về đo lường; kiểm tra đột xuất về chất lượng) được tiến hành theo nguyên tắc 3 cùng (tại cùng một cơ sở; trong cùng một thời gian; do cùng một lực lượng thực hiện). Sự kết hợp này được thực hiện tuần tự theo 3 bước: i) Hoạt động khảo sát về đo lường, chất lượng phải được thực hiện trước tiên; ii) Nếu qua khảo sát không phát hiện dấu hiệu vi phạm về đo lường, chất lượng thì phải kết thúc khảo sát, không được thực hiện kiểm tra; iii) Nếu qua khảo sát phát hiện dấu hiệu vi phạm về đo lường, chất lượng thì chuyển ngay sang thực hiện kiểm tra đặc thù, đột xuất.
Thực hiện biện pháp mới này, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 30/7/2019 về khảo sát, kiểm tra đặc thù, đột xuất về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng xăng dầu trên địa bàn tỉnh năm 2019 với các nội dung chính như sau:
Về yêu cầu: việc khảo sát phải được thực hiện một cách bí mật, bất ngờ để đảm bảo tính khách quan, chính xác; việc kiểm tra chỉ được thực hiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm qua kết quả khảo sát; các vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối tượng khảo sát, kiểm tra đặc thù, đột xuất gồm: phương tiện đo; xăng dầu tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo tính bí mật, bất ngờ và hiệu quả của khảo sát, kiểm tra đặc thù, đột xuất, Chủ tịch UBND tỉnh giao Lãnh đạo Sở KH&CN quyết định chọn cơ sở, thời điểm khảo sát cụ thể trên cơ sở nắm bắt thông tin từ các cơ quan quản lý về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh (đặc biệt chú ý các cơ sở vi phạm về chất lượng trong các lần kiểm tra trước); thông tin từ quần chúng nhân dân về các dấu hiệu gian lận thương mại… Thực hiện khảo sát khoảng 60 cửa hàng kinh doanh xăng dầu (tương đương với 12% số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong tỉnh).
Nội dung, phương pháp khảo sát, kiểm tra đặc thù, đột xuất: để đảm bảo tính bí mật, bất ngờ, đoàn khảo sát, kiểm tra không được sử dụng xe công có biển số xanh trong suốt quá trình đi khảo sát, kiểm tra. Hoạt động khảo sát, kiểm tra được thực hiện như sau:
Đối với khảo sát, kiểm tra đặc thù về đo lường:
+ Khảo sát: (1) Thực hiện việc mua mẫu xăng dầu vào dụng cụ chứa mẫu như khách hàng bình thường; (2) Đong lại mẫu bằng bình chuẩn; (3) Nếu sai số phép đo nằm trong giới hạn cho phép (đạt yêu cầu về đo lường) thì kết thúc việc khảo sát, không kiểm tra; (4) Nếu sai số phép đo vượt quá giới hạn cho phép (không đạt yêu cầu về đo lường) thì tiến hành kiểm tra đặc thù phương tiện đo.
+ Kiểm tra đặc thù phương tiện đo (chỉ được thực hiện sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm về đo lường qua khảo sát): nội dung, trình tự, thủ tục được thực hiện theo Nghị định 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ và Thông tư 28/2013/TT-BKHCN ngày 17/12/2013 của Bộ KH&CN Quy định kiểm tra nhà nước về đo lường.
Đối với khảo sát, kiểm tra đột xuất về chất lượng:
+ Khảo sát chất lượng xăng dầu: (1) Thực hiện việc mua mẫu xăng dầu như khách hàng thông thường; (2) Đo nhanh chỉ số RON và % ethanol bằng thiết bị kiểm tra nhanh ZELTEX XZ 101; (3) Kiểm tra cảm quan xăng dầu; (4) Nếu không phát hiện dấu hiệu vi phạm về chất lượng thì kết thúc khảo sát, không kiểm tra. (5) Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm về chất lượng xăng dầu thì thực hiện kiểm tra đột xuất về chất lượng.
+ Kiểm tra đột xuất về chất lượng (chỉ được thực hiện sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm về chất lượng xăng dầu qua khảo sát): nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra đột xuất được thực hiện theo Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ KH&CN qui định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường.
Thời gian tiến hành khảo sát, kiểm tra: thời gian khảo sát, kiểm tra được thực hiện từ ngày Kế hoạch được phê duyệt đến hết ngày 31/12/2019. Thời điểm khảo sát, kiểm tra tại cơ sở cụ thể do Trưởng đoàn kiểm tra quyết định để đảm bảo tính bí mật, bất ngờ và hiệu quả khảo sát, kiểm tra; có thể thực hiện ngoài giờ hành chính nếu cần thiết.
Kiểm tra cơ sở kinh doanh xăng dầu tại Thanh Hóa
Hiệu quả đạt được
Căn cứ Kế hoạch 168/KH-UBND, Sở KH&CN Thanh Hóa đã thành lập Đoàn khảo sát, kiểm tra; ban hành quy trình thực hiện khảo sát, kiểm tra đặc thù, đột xuất về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Trong thời gian từ khi Kế hoạch được phê duyệt đến hết tháng 11/2019, Đoàn khảo sát, kiểm tra đã thực hiện khảo sát tại 60 cơ sở trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố (Thanh Hóa, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Cẩm Thủy, Quảng Xương, Hậu Lộc, Nông Cống, Hà Trung, Triệu Sơn, Đông Sơn, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Như Thanh, Thọ Xuân,Nga Sơn, Tĩnh Gia, Quan Sơn, Thường Xuân). Trên cơ sở kết quả khảo sát, đã thực hiện kiểm tra đặc thù, đột xuất tại 6 cơ sở, qua đó đã phát hiện vi phạm và xử lý 3 cơ sở vi phạm quy định về đo lường, chất lượng xăng dầu. Đáng chú ý là đã phát hiện 2 mẫu xăng vi phạm về chất lượng (ở huyện Cẩm Thủy và Triệu Sơn), 1 phương tiện đo vi phạm về đo lường (ở TP Thanh Hóa). Đoàn kiểm tra đã xử phạt 3 cơ sở với số tiền phạt là hơn 119 triệu đồng.
Như vậy, đây là đợt kiểm tra đo lường, chất lượng xăng dầu có kết quả tốt nhất trong vòng 5 năm trở lại đây của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Thanh Hóa (tỷ lệ cơ sở phát hiện vi phạm/số cơ sở được kiểm tra đạt 50%, cao nhất từ trước đến nay; số tiền phạt cao nhất từ trước đến nay).
Với kết quả đạt được, có thể thấy, biện pháp kết hợp khảo sát với kiểm tra đặc thù, đột xuất về đo lường, chất lượng xăng dầu được thực hiện trong năm 2019 vừa qua đã chứng tỏ được hiệu quả, thể hiện ở một số điểm sau:
Một là, việc triển khai thực hiện biện pháp kết hợp khảo sát với kiểm tra đặc thù, đột xuất về đo lường, chất lượng xăng dầu có tính răn đe rất cao đối với các hành vi cố tình vi phạm quy định về đo lường, chất lượng. Trước đây, nếu đã được lực lượng chức năng kiểm tra một lần thì các chủ cơ sở có thể “yên tâm” là thời gian còn lại trong năm sẽ không bị kiểm tra về đo lường, chất lượng. Đồng thời, nếu được kiểm tra thì chủ cơ sở sẽ được thông báo trước về thời gian kiểm tra nên có thể “chủ động chuẩn bị” những hành động đối phó, nếu muốn. Nhưng với việc triển khai biện pháp kết hợp khảo sát với kiểm tra thì cơ sở có thể được khảo sát chất lượng nhiều lần trong năm (việc khảo sát này hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở) và nếu như có dấu hiệu vi phạm thì bất cứ lúc nào cơ sở cũng có thể bị kiểm tra, bị phát hiện vi phạm và bị xử lý. Đây là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm đo lường, chất lượng xăng dầu.
Hai là, việc triển khai thực hiện biện pháp kết hợp khảo sát với kiểm tra đặc thù, đột xuất về đo lường, chất lượng xăng dầu đã nâng cao rõ rệt hiệu quả của công tác kiểm tra; tỷ lệ cơ sở bị phát hiện vi phạm trên tổng số cơ sở được kiểm tra lên tới 50%. Sở dĩ vậy là vì hoạt động kiểm tra được tiến hành thực hiện ngay sau hoạt động khảo sát, trên cơ sở có dấu hiệu vi phạm đã được phát hiện từ kết quả của hoạt động khảo sát. Với biện pháp này, số lượng cơ sở được kiểm tra sẽ giảm nhưng tỷ lệ cơ sở vi phạm được phát hiện qua kiểm tra sẽ tăng.
Ba là, với tính răn đe rất cao đối với các hành vi cố tình vi phạm và với việc nâng cao rõ rệt hiệu quả của công tác kiểm tra, việc triển khai thực hiện biện pháp kết hợp khảo sát với kiểm tra đặc thù, đột xuất về đo lường, chất lượng xăng dầu đã chứng tỏ đây là một biện pháp mới, có hiệu quả cao, góp phần tích cực trong bảo đảm đo lường, chất lượng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2019.
Với hiệu quả đã được chứng minh trên thực tế, biện pháp kết hợp khảo sát với kiểm tra đặc thù, đột xuất về đo lường, chất lượng xăng dầu sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2020 theo Kế hoạch số 258/KH-UBND ngày 25/12/2019 của UBND tỉnh.