Thứ sáu, 17/01/2020 09:40

Việt Nam 2045: Tầm nhìn khát vọng và sứ mệnh lịch sử

PGS.TS Vũ Minh Khương
 

Đại học Quốc gia Singapore

Khát vọng dân tộc mãnh liệt, bộ máy công quyền ưu tú, và năng lực kiến tạo sức mạnh cộng hưởng là những động lực cơ bản giúp Việt Nam làm nên những kỳ tích phát triển trong ba thập kỷ tới để trở thành một quốc gia hùng cường vào năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập.

Khát vọng vươn lên
Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016), Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng về cả nỗ lực và tầm nhìn. Sự tự tin vào khả năng Việt Nam có thể tạo nên kỳ tích phát triển trong các thập kỷ tới ngày càng được nâng cao trong xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và lớp trẻ. Tầm nhìn Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập không còn bị coi là ước vọng xa vời và được hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ.
Ngày 2/9/1945, trong bản Tuyên ngôn Độc lập của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Những lời hào hùng đầy khí phách dân tộc này đã thôi thúc các thế hệ người Việt Nam không tiếc máu xương trong suốt ba thập kỷ, làm nên những chiến thắng phi thường và đem lại nền độc lập thống nhất vững bền cho đất nước từ năm 1975.
Thấm đẫm tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, thế hệ người Việt Nam hôm nay có thể khẳng định: “Một dân tộc đã chấp nhận muôn vàn hy sinh mất mát để giành lại nền độc lập tự do trong suốt hàng ngàn năm lịch sử của mình, một dân tộc đã quả cảm cải cách để bước lên hàng đầu trong dòng chảy thời đại trong mấy thập kỷ đổi mới vừa qua, dân tộc đó phải được phồn vinh! Dân tộc đó phải được hùng cường!”. Chúng ta cũng sẽ có ba thập kỷ để làm nên những kỳ tích làm kinh ngạc thế giới và đưa Việt Nam đến phồn vinh, hùng cường vào năm 2045. Và năm 2045 cũng chính là năm chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Một dân tộc từ đói nghèo và khó khăn chỉ có thể trỗi dậy như phượng hoàng bay vút lên từ đống tro tàn nhờ đôi cánh “xúc cảm dân tộc” và “trí tuệ khai sáng”. Trên đôi cánh này, ba động lực chủ đạo sẽ giúp Việt Nam làm nên những kỳ tích phát triển, là khát vọng dân tộc mãnh liệt, năng lực kiến tạo sức mạnh cộng hưởng trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 và nỗ lực xây dựng thể chế vững mạnh.
Khát vọng dân tộc mãnh liệt, đặc biệt trong thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức, và cộng đồng doanh nhân - những người đứng mũi chịu sào trong kiến tạo nên của cải cho xã hội có vai trò rất quan trọng. Nó là động lực trung tâm tạo nên sức mạnh vô song của xúc cảm dân tộc. Khát vọng dân tộc, nếu được thấm nhuần tinh thần khai sáng và ý chí học hỏi sẽ trở thành nguồn năng lượng nội sinh tiềm tàng và sống động cho toàn bộ công cuộc phát triển.

Khát vọng dân tộc mãnh liệt, đặc biệt trong thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức, và cộng đồng doanh nhân - những người đứng mũi chịu sào trong kiến tạo nên của cải cho xã hội có vai trò rất quan trọng.

Trí tuệ khai sáng giúp dân tộc hấp thụ thấu đáo tinh hoa thời đại và khai thác tối đa sức mạnh cộng hưởng từ năm nguồn gắn kết - tương tác: Việt Nam -thế giới; Nhà nước - thị trường; Chính phủ tổng lực; quốc gia tổng lực; và đặc thù lịch sử - xu thế tương lai. Một quốc gia không thể làm nên kỳ tích phát triển nếu không có khả năng phát huy và khai thác triệt để sức mạnh cộng hưởng này. Định đề này càng mang một ý nghĩa sống còn khi nhân loại đang tiến những bước như vũ bão vào kỷ nguyên số với những đổi thay bước ngoặt trong ba thập kỷ tới.
Xây dựng một thể chế vững mạnh đòi hỏi sự kết tinh sáng chói của khát vọng dân tộc mãnh liệt và trí tuệ khai sáng với sự thông tuệ của đội ngũ đứng ở hàng đầu của dòng chảy thời đại. Một thể chế vững mạnh thôi thúc tất cả, từ cán bộ nhà nước đến người dân, từ doanh nhân đến người lao động dốc hết sức mình theo đuổi ham muốn mình lựa chọn: ích nước, lợi nhà với niềm tin được tưởng thưởng xứng đáng cả về vật chất và tinh thần. Một thể chế vững mạnh, đặc trưng bởi một bộ máy công quyền ưu tú, cũng giúp vạch ra một tầm nhìn khai sáng trên hành trình đưa dân tộc đi đến phồn vinh và tạo nên sức mạnh phối thuộc - tổng lực trong toàn xã hội. Chính nền tảng thể chế vững mạnh này sẽ giúp loại bỏ rất nhiều những hành vi làm tổn hại công cuộc phát triển, đặc biệt là tham nhũng, gian dối và chụp giật.
Thách đố phát triển
Xây dựng một xã hội phồn vinh, thịnh vượng là một hành trình vẻ vang và thôi thúc, nhưng cũng vô cùng gian khó và thách thức. Nó đòi hỏi không chỉ tài năng và cảm hứng mà cả tầm chiến lược và ý thức sứ mệnh.
Để hình thành một chiến lược mạnh mẽ và có hiệu lực cao, chúng ta không chỉ đưa ra tầm nhìn khát vọng và thôi thúc ý chí dân tộc mà còn phải thấu hiểu những thách thức cốt lõi mà đất nước phải vượt qua. Bảng 1 cho thấy đưa Việt Nam 2045 bắt kịp với Hàn Quốc năm 2015 là một bài toán cực kỳ khó, đòi hỏi sự vươn lên kỳ diệu. Về thu nhập bình quân đầu người, chúng ta phải đạt mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở mức 6,1% hàng năm trong suốt 30 năm trong giai đoạn 2015-2045, nghĩa là tăng trưởng GDP phải đạt mức 7,5% hàng năm. Về điện tiêu thụ bình quân đầu người phải đạt mức 6,6% hàng năm (mức này có khả năng đạt được). Về hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố lớn nhất là TP Hồ Chí Minh, chúng ta phải xây dựng được bình quân trên 20 km mỗi năm (điều này gần như không thể với cách làm hiện nay vì nước ta khởi công dự án này từ 10 năm trước nhưng hiện vẫn chưa có km nào đưa vào hoạt động). Về năng lực sáng tạo, ta phải đưa mức tỷ lệ hồ sơ nộp bản quyền sáng chế trên một triệu dân từ 62,9 năm 2015 lên 32,855 năm 2045, nghĩa là đạt mức tăng trưởng bình quân năm là 23,2% (điều này chỉ có thể đạt được nếu có được sức mạnh kỳ diệu của những nỗ lực đột phá trong thời gian tới).

Bảng 1. Kỳ vọng của Việt Nam 2045 tương đương với Hàn Quốc 2015

Chỉ số

Thực tế 2015

Kỳ vọng 2045

Bước tiến bình quân/năm (2015-2045)

GDP/người (PPP$, mức giá 2010)

5.990 USD

35.761 USD

6,1%

Điện tiêu thụ bình quân/người (kWh)

1.448 kWh

9.849 kWh

6,6%

Chiều dài hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố lớn nhất (km)

0 km

714 km

23,8 km

Năng lực sáng tạo (hồ sơ xin bằng sáng chế/triệu cư dân)

62,9 bộ

32,855 bộ

23,2%

Tỷ lệ dân sống ở đô thị (%)

33,8 %

81,6%

1,6%

Nâng cấp mạnh mẽ và đồng bộ bốn trụ cột của cải cách
Tiến bộ của Việt Nam trong ba năm qua là khá ấn tượng, không chỉ ở chỉ số kinh tế mà cả ở nỗ lực học hỏi, đổi mới ở cấp doanh nghiệp và địa phương. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới, về cơ bản, dường như mới chỉ mạnh thêm trong mô hình cũ chứ chưa tạo ra sự bứt phá để đưa công cuộc phát triển của Việt Nam thực sự cất cánh để đi vào quỹ đạo tăng trưởng cao hơn cả về chất và lượng, chưa tạo được lực đẩy cho doanh nghiệp cùng đi lên. Cản trở lớn nhất cho nỗ lực cải cách cần thiết cho sự bứt phá này nằm ở cả chiến lược cải cách và thiết kế thực thi chiến lược.
Về chiến lược cải cách, Đảng và Chính phủ cần chú trọng nâng tầm chiến lược trong nhận thức trên cả ba trọng tâm lớn khi chúng ta chuyển từ Đổi mới 1 (1986-2015) sang Đổi mới 2 (2016-2045). Về tư duy, Đổi mới 1 chú trọng “thức dậy” để hiểu rõ quy luật và thoát khỏi đói nghèo trong khi Đổi mới 2 đòi hỏi sự “trỗi dậy” để nắm bắt nhạy bén và triệt để các xu thế thời đại nhằm kiến tạo tương lai thịnh vượng. Về cơ chế, Đổi mới 1 thúc đẩy “cởi trói” và “phá rào” trong khi Đổi mới 2 đặt ra yêu cầu xây dựng nền tảng thể chế cho một xã hội hiện đại, phồn vinh. Về hành động, Đổi mới 1 khích lệ “hội nhập” và “thích ứng” trong khi Đổi mới 2 xác lập quyết tâm đưa đất nước lên một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Trong thiết kế thực thi chiến lược, chúng ta cần nhận thức rõ cả bốn trụ cột của công cuộc phát triển gồm: thị trường, con người, thể chế và văn hóa. Đổi mới 1 đã tạo nên những bước tiến rất lớn về thị trường và con người. Tuy nhiên, hai trụ cột “thể chế”, và “văn hóa” còn chưa có bước tiến xứng tầm, thậm chí có mặt sa sút nghiêm trọng, thể hiện ở việc tham nhũng trầm trọng, tệ nạn mua quan, bán chức, và sự suy giảm của những phẩm chất cao quý mà dân tộc Việt ngàn đời tôn thờ: nghĩa khí, hiến dâng, yêu thương đồng bào.
Đổi mới 2 cần tạo sức đột phá lớn trong hai trụ cột trọng yếu này, trong đó xây dựng bộ máy công quyền ưu tú là ưu tiên hàng đầu. Nếu coi nhẹ cải cách trên hai trụ cột trọng yếu này, thì các nỗ lực cải cách về “thị trường” và “con người” có mạnh mẽ đến đâu cũng không thể đưa công cuộc phát triển của Việt Nam đạt được những thành quả xứng tầm.
Không chú ý vào thể chế và văn hoá thì con người có giỏi thêm, thị trường có mở rộng thêm với nhiều hiệp định thương mại tự do cũng không đẩy lên được nữa. Bốn trụ cột phải đồng bộ, phải nâng cấp về văn hoá để tạo nên tình đồng bào, đồng chí, sự gắn bó của hệ sinh thái.
Năm nguyên tắc lớn quyết định tầm vóc của cải cách
Thứ nhất, đó là sự minh bạch. Nó cần được coi là bước đầu tiên, làm nền tảng cho mọi nỗ lực cải cách. Bật đèn sáng lên, cái xấu sẽ giảm đi căn bản, cái tốt sẽ có thể chung sức với Chính phủ loại bỏ cái xấu. Muốn hiệu quả thì phải tạo môi trường sạch sẽ, thu hút và nuôi dưỡng các “tráng sỹ” vì dân; cắt nguồn sống của con quỷ tham nhũng và vụ lợi cá nhân để nó tiêu biến theo thời gian.
Thứ hai, luôn tìm mọi cách khai thác công nghệ thông minh để giải tất cả các bài toán gặp phải, đặc biệt là các bài toán khó. Công nghệ thông tin cần được xem là công cụ đắc lực để minh bạch hoá mọi thông tin, tạo cơ chế giám sát mà người thực thi là toàn xã hội. Cần lưu ý, công nghệ cần được dùng nhiều nhưng ý chí chính trị mới là điều quan trọng vì chừng nào vẫn còn một ánh sáng lờ mờ là chắc chắn chừng đó còn có người vụ lợi.
Thứ ba, mọi trở lực nếu tồn tại dai dẳng chắc chắn có người được lợi rất nhiều từ nó. Loại bỏ trở lực cần tính đến nhóm lợi ích này trên ba phương diện: không thể (cơ chế minh bạch - chặt chẽ), không dám (trừng phạt rất nặng), và không muốn (lợi ích từ nỗ lực chân chính lớn hơn lợi ích từ vụ lợi cá nhân).
Thứ tư, cần dựa vào dân và nguồn lực xã hội trong mọi nỗ lực cải cách, vượt qua khó khăn. Câu chuyện Thánh Gióng của Việt Nam có ba hàm ý chiến lược rất đặc sắc mà cha ông chúng ta đã gửi gắm lại cho các thế hệ sau: một là, đứng trước những thách thức sống còn, phải dựa vào dân; hai là, cần tin vào sức mạnh phi thường phát lộ từ trong dân khi đất nước thực sự cần đến; ba là, để làm nên một kỳ tích, phải có sức mạnh cộng hưởng của toàn dân. Chỉ khi người dân nô nức ủng hộ và kỳ vọng vào sức mạnh phi thường của con em mình, Việt Nam mới có thể làm nên kỳ tích.
Và nguyên tắc cuối cùng, cần tham khảo kinh nghiệm hay nhất của thế giới trong mọi lĩnh vực là cách đi ngắn nhất trong hành trình phát triển. Các nền kinh tế thần kỳ châu Á đều đặc biệt coi trọng nguyên tắc này trong chặng đường đi lên của mình. Theo nguyên tắc này, khi gặp một bài toàn khó hay một thách thức lớn trong công cuộc phát triển, từ cải cách giáo dục đến xây tàu điện ngầm, từ chống tham nhũng đến xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, lãnh đạo đất nước cần đặt ra ba câu hỏi căn bản trước khi đi đến quyết định hành động: (i) Kinh nghiệm hay nhất của thế giới trong giải bài toán này là gì? (ii) Công nghệ thông tin có thể giúp gì trong vượt qua thách đố này; và (iii) Thế giới đang và sẽ xuất hiện những xu thế và cơ hội nào để giúp giải bài toán này dễ dàng và căn bản hơn các cách tiếp cận truyền thống.
Việt Nam đang đứng trước những vận hội vô giá cho công cuộc phát triển. Hành trình đi đến phồn vinh đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có. Tuy nhiên, để đi tới một tầm nhìn khát vọng, vấn đề đầu tiên và có tính nền tảng không phải là nắm bắt cơ hội mà là nhận diện rõ các thách thức cốt tử và có được quyết tâm và phương cách chiến lược để vượt qua. Nặng về cơ hội, coi nhẹ thách thức sẽ dễ sa vào lạc quan thái quá và có thể gặp khó khăn không thể vượt qua trong chặng đường dài đầy chông gai phía trước. Thấu hiểu sâu sắc bốn trụ cột và năm nguyên tắc sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện và cụ thể cho các thiết kế chiến lược mà Việt Nam cần chú trọng trong hành trình đi đến phồn vinh rất vẻ vang phía trước của mình.
 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)