Thứ sáu, 17/01/2020 09:15

Một số gợi ý về chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam

TS Trần Đức Trung
 

Học viện Tài chính

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (KNST) là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế. Hiện nay ở nước ta, với sự phát triển mạnh mẽ của loại hình doanh nghiệp này thì rào cản về vốn vẫn còn là một trong những vấn đề lớn cần được quan tâm tháo gỡ. Bài viết đề xuất một số nội dung liên quan tới chính sách tài chính nói chung, vốn nói riêng trong hỗ trợ doanh nghiệp KNST.

KNST và thực tế ở Việt Nam
Hiện nay, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Trong xu thế gia tăng nhanh chóng của khu vực doanh nghiệp tư nhân, có một làn sóng đang vươn lên mạnh mẽ, đó chính là sự ra đời của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KNST. Doanh nghiệp KNST (hay còn gọi là startup) được định hình như những doanh nghiệp đặc biệt, với mục đích biến ý tưởng thành giá trị có ích cho hoạt động và đời sống xã hội, gắn với khoa học - công nghệ. Đây là một cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt, vì ở đó chứa đựng những sản phẩm, dịch vụ mới, cách tiếp cận thị trường mới, thậm chí là “chưa từng có, xuyên biên giới, đa quốc gia”. Vì đặc điểm riêng biệt này nên các doanh nghiệp KNST thường dễ dàng thu hút được đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nhanh. Theo số liệu thống kê, đến nay số doanh nghiệp KNST đã tăng lên tới con số 25.000. Đây là một con số khả quan. Xu hướng khởi nghiệp có sự tập trung rõ nét, với khoảng 50% ở lĩnh vực công nghệ hoặc có ứng dụng công nghệ, 20% khởi nghiệp ở lĩnh vực thương mại hay dịch vụ, tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp khoảng 16%, còn lại là giáo dục, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực khác. Có thể thấy, làn sóng khởi nghiệp công nghệ vẫn đang tiếp tục chiếm ưu thế, nổi bật nhất là xu hướng IOT, ứng dụng công nghệ vào kinh doanh truyền thống, vào ngành bán lẻ, dịch vụ và nông nghiệp sạch…, hay xu hướng mới như fintech (công nghệ ngành tài chính)... Bên cạnh đó, sự xuất hiện của hàng loạt mô hình chuỗi cà phê, nhà hàng, cửa hàng… khá thành công nằm trong số  20% doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại dịch vụ ...
Ngoài sự thành công của một số doanh nghiệp điển hình thuộc thế hệ thứ nhất (hình thành từ đầu những năm 2000) như Vinagames, VC Corporation và các doanh nghiệp KNST thuộc thế hệ thứ hai (hình thành từ khoảng những năm 2010) thì thế hệ doanh nghiệp thứ 3 xuất hiện nổi bật trong khoảng 2, 3 năm gần đây trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục, nông nghiệp, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giải trí, truyền thông…
Từ năm 2017, chúng ta đã có những bước chuyển biến đáng kể trong hoạt động liên quan đến xây dựng cơ chế chính sách, thông tin - truyền thông cho hệ sinh thái khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động rất tích cực hỗ trợ phát triển năng lực cho KNST với khoảng 20 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập.
Song trên thực tế, sự phát triển lớn mạnh của hệ sinh thái KNST, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp thời gian qua vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Không chỉ hạn chế trong kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, việc thiếu năng lực và văn hóa khởi nghiệp cũng khiến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước chưa phát huy được tiềm năng cũng như thế mạnh.  Vậy có những rào cản cụ thể nào về vốn cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp KNST, hay vấn đề vốn có ý nghĩa như thế nào với các doanh nghiệp này?
Những rào cản về vốn đối với các doanh nghiệp KNST
KNST có cần nhiều vốn không?    
    Vốn luôn là yêu cầu đầu tiên quyết định sự ra đời, tồn tại và phát triển mạnh hay yếu của doanh nghiệp. Đối với các tổ chức, cá nhân có ý tưởng KNST, việc phát sinh nhu cầu vốn và tìm kiếm hay gọi vốn là tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay có ít nhất 3 luồng ý kiến cho rằng: (i) KNST cần có nhiều vốn, (ii) KNST cần ít vốn và (iii) KNST thậm chí không cần vốn, có thể bắt đầu bằng 0 đồng. Điều này cho thấy sự  khác biệt rõ nét giữa khởi sự kinh doanh thông thường và KNST. Tuy nhiên, KNST không có vốn sẽ không phù hợp với các nguyên tắc tài chính cơ bản và tính tất yếu trong kinh doanh, có thể ảnh hưởng đến việc phân chia lợi ích giữa các đối tác sau khi KNST có kết quả về mặt tài chính. Trên thực tế, việc tìm kiếm nguồn tài trợ, gọi vốn cho các ý tưởng KNST không dễ dàng. Ban đầu, cá nhân hay tổ chức KNST thường tìm vốn từ những mối quan hệ sẵn có, đủ tin cậy và có sự ủng hộ cao. Tuy nhiên, các nguồn vốn này thường không có tính ổn định, đặc biệt áp lực về trả nợ có thể không cao, chính vì vậy có thể dẫn đến thiếu động lực trong việc sử dụng vốn, nhất là khi ý tưởng kinh doanh rơi vào tình trạng khó tiếp cận thị trường so với ban đầu. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp KNST trong các lĩnh vực tư vấn hay dịch vụ thương mại điện tử có sử dụng công nghệ, mạng xã hội thì không cần quá nhiều vốn; nhưng những ý tưởng hay dự án về xây dựng, vận tải, du lịch có xu hướng cần nhiều vốn hơn. Hiện nay, chúng ta có tới 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, và theo dự báo mỗi năm Việt Nam sẽ bổ sung 600.000 doanh nghiệp mới được thành lập, trong số đó có một số lượng nhất định là KNST.  
Để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải huy động và quản lý nguồn vốn hiệu quả ngay từ ban đầu. Theo Topica Founder Institute1, năm 2016, tổng vốn đầu tư mà các startup Việt Nam nhận được là 205 triệu USD, tăng 46% so với năm 2015 (137 triệu USD), chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài. Về các startup mục tiêu, 70% các gói đầu tư là đầu tư dạng Seed, Series A và B (đầu tư giai đoạn sơ khởi và sau sơ khởi). Về lĩnh vực, startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) kêu gọi được số vốn đầu tư lớn nhất, 129 triệu USD; tiếp theo là thương mại điện tử (e-commerce) 34,7 triệu USD; công nghệ giáo dục (edech) 20,2 triệu USD. Số lượng quỹ đầu tư cho KNST đang có xu hướng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, như các quỹ nước ngoài CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Venture… và các quỹ thuộc ngân hàng, công ty quản lý quỹ như VCBF... Trong đó đến nay, quỹ 500 startup là một trong 4 nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam xét theo tiêu chí số lượng phi vụ rót vốn là 11 lần.
Những rào cản chủ yếu trong tiếp cận vốn và nguyên nhân
Tiếp cận vốn luôn là khó khăn hiện hữu đối với các doanh nghiệp KNST. Thiếu vốn không chỉ khiến doanh nghiệp có tiềm năng bỏ lỡ thời cơ để phát triển, mà còn là rào cản khiến nhiều ý tưởng kinh doanh chỉ nằm ở trên bàn giấy. Trong thực tế, doanh nghiệp KNST thường gặp phải những rào cản về tiếp cận vốn do: doanh nghiệp mới thành lập, quy mô nhỏ, ý tưởng kinh doanh tuy nhiều tiềm năng nhưng sản phẩm chưa được kiểm chứng và trải nghiệm, va đập trên thị trường. Thông tin về doanh nghiệp, lịch sử tín dụng chưa nhiều, khó kiểm soát dòng tiền... nên các đơn vị cung ứng vốn chưa nắm rõ và có niềm tin để cấp tín dụng. Cùng với đó là tâm lý lo sợ tiềm ẩn rủi ro nợ xấu, không có tài sản đảm bảo, hoặc tài sản đảm bảo không đủ giá trị theo yêu cầu của tổ chức tín dụng, năng lực quản lý tài chính, quản trị kinh doanh còn thiếu và yếu do phần lớn các doanh nghiệp KNST được thành lập bởi những người làm trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ… Chưa kể, về phía các doanh nghiệp KNST do thủ tục vay vốn còn rườm rà, phức tạp dẫn đến tâm lý ngại tiếp cận vốn từ ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác… Trong khi đó, các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát hay các vấn đề về nợ công khiến cho nguồn vốn hỗ trợ có xu hướng giảm, hoặc chậm giải ngân so với sự gia tăng nhanh chóng của khu vực doanh nghiệp này. Mặt khác, sự biến động liên tục của thị trường, tiến bộ nhanh chóng của khoa học, công nghệ trên thế giới… có thể làm cho ý tưởng kinh doanh sớm bị lỗi thời, hoặc bão hòa trong cạnh tranh.
Một vài gợi ý cho chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp KNST
Để nhận diện, tháo gỡ khó khăn và khơi thông các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp KNST ở Việt Nam, thời gian qua Quốc hội đã ban hành các văn bản pháp quy như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó dành các nội dung quan trọng trong mục 2 để quy định về hỗ trợ, đầu tư cho doanh nghiệp KNST. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa KNST... Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ mang tính “dẫn đường” cho các hoạt động KNST ở Việt Nam. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho KNST, sắp tới có 3 vấn đề cần được tập trung giải quyết là:
Thứ nhất, về hỗ trợ vốn đối với doanh nghiệp KNST. Nội hàm của chính sách này là giúp các doanh nghiệp KNST có thể tiếp cận vốn nhanh chóng, kịp thời hơn từ các nguồn hỗ trợ tín dụng hay các quỹ của nhà nước (vốn mồi)… Việc bảo lãnh tín dụng cũng cần được thực hiện đúng theo quy định. Tuy nhiên, những chính sách này chỉ giúp tháo gỡ được một phần khó khăn về vốn cho số ít doanh nghiệp KNST. Trong khi đó, loại hình tín dụng thuê mua (cho thuê tài chính) hay việc đi thuê tài chính từ phía doanh nghiệp là một hình thức huy động vốn rất phù hợp với doanh nghiệp KNST, do có những ưu điểm nhất định, nhưng vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Chính vì vậy, cần tiếp tục kiên trì phát triển kênh dẫn vốn này cho doanh nghiệp KNST trong thời gian tới.
Thứ hai, về đầu tư vốn cho doanh nghiệp KNST. Vốn từ các quỹ đầu tư hoặc các nhà đầu tư tư nhân, đầu tư thiên thần thời gian qua đã bắt đầu đi vào dòng chảy đến với các doanh nghiệp KNST. Nhiều nhà đầu tư trong nước như các công ty lớn, các nhà đầu tư tư nhân cũng đã thể hiện sự quan tâm và nhu cầu muốn đầu tư cho KNST. Trong thời gian tới, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư cho KNST, cụ thể là sớm đưa Nghị định 38 vào thực tiễn. Khuyến khích thành lập các công ty đầu tư, các quỹ đầu tư cho KNST. Thiết lập mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, hướng tới nhiều thương vụ gọi vốn thành công hơn. Đối với các quỹ đầu tư có vốn nhà nước (có thể gọi là vốn mồi) cần thực hiện đúng theo quy định về vốn nhà nước, do đây là hoạt động kinh doanh mới mẻ, trong khi KNST tuy nhiều tiềm năng song cũng luôn tiềm ẩn không ít rủi ro.
Thứ ba, nghiên cứu thiết lập thị trường vốn dành riêng cho các doanh nghiệp KNST. Đây là một trong những vấn đề được đề cập trên nhiều diễn đàn trong thời gian qua. Việc thiết lập thị trường này sẽ tập trung được các nhà đầu tư vốn cho KNST, tuy nhiên cần có những quy định cụ thể nhằm hạn chế rủi ro của thị trường do đặc thù các doanh nghiệp KNST.
Những ý tưởng về KNST luôn có xu hướng gia tăng theo sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, cũng như nhu cầu của thị trường và xã hội. Để những ý tưởng này sớm được đưa vào thực tế, việc gọi vốn, tiếp vốn cho các doanh nghiệp KNST cần được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới. Trong đó, chính sách tài chính và hành lang pháp lý cần đi trước một bước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14.
2.    Chính phủ (2016), Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
3.    Chính phủ (2018), Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa KNST.
4.    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2017), Báo cáo nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp KNST.











 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)