Thứ sáu, 06/12/2024 11:14

“Chặng đường 65 năm và những bước phát triển của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam”

Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày mùng 4 tháng 3 năm 1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chỉ 3 tháng sau đó (tháng 6 năm 1959), tờ Tin tức Hoạt động Khoa học, tiền thân của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã xuất bản số đầu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu phổ biến tin tức cho các độc giả quan tâm đến công tác khoa học và kỹ thuật của nước nhà.

Tờ báo thường xuyên đăng tải các bài viết của những nhà khoa học, nhà quản lý mà tên tuổi đã đi vào lịch sử dân tộc như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm...

Từ số tháng 1 năm 1971, tờ Tin tức Hoạt động Khoa học đã chính thức trở thành Tạp chí Hoạt động Khoa học, với chức năng là cơ quan ngôn luận, lý luận của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Nhiều bài viết mang tính lý luận về các vấn đề khoa học và kỹ thuật của nước nhà đã được đăng tải trong giai đoạn này.

Từ tháng 1 năm 1975 đến tháng 2 năm 1987, Kỹ sư Lê Tâm - lúc đó là Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Hoạt động Khoa học. Ông là người đã sáng chế ra vũ khí bắn đạn lõm, xuyên thủng vỏ xe tăng, xe bọc thép, tàu thủy nhưng chỉ nhẹ khoảng 5 đến 10 kg, có thể vác trên vai.

Từ tháng 2 năm 1988 đến tháng 9 năm 1988, Tạp chí do ông Hoàng Đình Phu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước làm Tổng biên tập. Ông được coi là “tổng công trình sư” của các công trình nghiên cứu, cải tiến vũ khí vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Giai đoạn từ tháng 6 năm 1990 đến hết năm 1995, Tạp chí do ông Lê Quý An - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước, sau này là Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Tổng biên tập.

Tiếp đó là các ông Ngô Văn Lộ, Ngô Đặng Nhân (Tổng biên tập), Nghiêm Phú Ninh (Phó Tổng biên tập Phụ trách).

Năm 2004, dưới sự lãnh đạo của Tổng biên tập Ngô Đặng Nhân, Tạp chí đã có nhiều chuyển biến lớn về cả nội dung và hình thức, theo hướng hiện đại và gần gũi hơn với bạn đọc đại chúng.

Năm 2013, Tạp chí Hoạt động Khoa học đổi tên thành Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, do ông Đặng Ngọc Bảo làm Tổng biên tập.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, trở thành Tạp chí khoa học uy tín của đất nước, Tạp chí đã tăng tần suất xuất bản từ 1 số 1 tháng lên 2 số 1 tháng. Đặc biệt, Tạp chí đã xây dựng Hội đồng biên tập và Hội đồng tư vấn, bao quát các lĩnh vực khoa học và công nghệ chính. Chủ tịch Hội đồng biên tập là Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu.

Đây là bước đệm quan trọng chuẩn bị cho những bước đi lâu dài và đột phá sau này của Tạp chí.

Từ năm 2015: Tạp chí tách thành các bản khác nhau:

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam bản A (mỗi tháng 1 số): Đăng tải các bài báo phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam bản B (mỗi tháng 1 số): Đăng tải các bài báo khoa học theo chuẩn Scopus, có phản biện kín và có hàm lượng khoa học cao.

Tạp chí bản B được phân chia theo 5 lĩnh vực: Khoa học tự nhiên; Khoa học kỹ thuật và công nghệ; Khoa học y - dược; Khoa học nông nghiệp; Khoa học xã hội và nhân văn.

Trong thời gian này, Tạp chí tiếp tục kiện toàn Hội đồng biên tập với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đầu ngành như các Giáo sư: Phạm Gia Khánh, Vũ Minh Giang, Bùi Chí Bửu, Hà Huy Khoái, Phạm Thanh Kỳ,…

Hiện nay, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam bản B đã được 25 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành tính điểm công trình khoa học, trong đó có 19 Hội đồng được tính điểm cao từ 0,75 đến 1 điểm.

Một phiên họp Hội đồng Biên tập do GS Nguyễn Văn Hiệu chủ trì.

Năm 2017, với sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, sự hỗ trợ đầy nhiệt huyết của Chủ tịch Hội đồng biên tập - Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu, sự quyết tâm của toàn thể Lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên…, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam bản C (Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering) đã ra đời, đăng tải các bài báo khoa học bằng tiếng Anh trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kỹ thuật.

Tạp chí bản C tham gia cơ sở dữ liệu khu vực Đông Nam Á (ACI) từ tháng 11 năm 2018, tham gia cơ sở dữ liệu quốc tế CABI (Centre for Agriculture and Biosciences International) năm 2018, OAJI (Open Academic Journals Index) tháng 4 năm 2021.

Hiện nay, Tạp chí bản C đã được 16 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành tính điểm công trình khoa học, trong đó có 14 Hội đồng tính từ 1 đến 1,25 điểm.

Đầu năm 2022, kế tục trọng trách Chủ tịch Hội đồng biên tập của Tạp chí là một trong những học trò xuất sắc của cố Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu - Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tháng 7 năm 2022, Tạp chí có nữ Tổng biên tập đầu tiên và cũng là Tổng biên tập  thứ 7 của Tạp chí -  Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thị Hương Giang.

Đây cũng là giai đoạn Tạp chí chuẩn bị cho những bước tiến sâu hơn vào quá trình hội nhập quốc tế, với sự tham gia của Tạp chí bản C vào cơ sở dữ liệu quốc tế DOAJ (Directory of Open Access Journals) từ tháng 1 năm 2023.

Bên cạnh đó là sự ra đời của ấn phẩm VMOST Journal of Social Sciences and Humanities (Tạp chí bản D), do Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh - nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng biên tập.

Tạp chí bản D đăng tải các bài báo khoa  học bằng tiếng Anh trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tuy chỉ mới xuất bản số đầu tiên vào tháng 4 năm 2022, song với cách làm bài bản, chuyên nghiệp, Tạp chí bản D đã được cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế ghi nhận. Hiện nay, Tạp chí bản D đã được 7 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tính điểm công trình khoa học. Đặc biệt, từ tháng 7 năm 2024, Tạp chí bản D đã có mặt trong cơ sở dữ liệu khu vực Đông Nam Á (ACI).

Được sự ủng hộ và quan tâm của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2023, Tạp chí bản C và Tạp chí bản D đã thực hiện quy trình xuất bản trực tuyến bằng hệ thống ScholarOne Manuscripts. Đây là hệ thống xuất bản quốc tế chuyên nghiệp nhất, được nhiều tạp chí khoa học hàng đầu trên thế giới sử dụng. Mỗi bài báo khoa học đều được đánh giá bởi ít nhất 2 phản biện kín của Web of Science, được kiểm tra độ trùng lặp bằng phần mềm iThenticate, gắn DOI khi xuất bản và đăng tải toàn văn các bài báo được xuất bản dưới dạng full-text PDF.

Bên cạnh các ấn phẩm tạp chí in, còn có Tạp chí điện tử Khoa học và Công nghệ Việt Nam (vjst.vn) và các chuyên trang, với lượt truy cập lớn mỗi ngày.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, công bố khoa học, đặc biệt là các công bố bằng tiếng Anh không chỉ giúp chia sẻ tri thức, hội nhập quốc tế, mà còn nâng cao uy tín của nền khoa học nước nhà; giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam chú trọng triển khai nhiều hội thảo khoa học tại 3 miền: Bắc - Trung - Nam. Các hoạt động này mở ra cơ hội hợp tác mới, chia sẻ thông tin khoa học và công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công bố khoa học và đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng khoa học, nhà quản lý.

Một số Hội thảo tiêu biểu có thể kể đến như sau:

- Hội thảo:  “Thúc đẩy hợp tác thông tin và công bố khoa học giữa Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam với các viện nghiên cứu, trường đại học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, phối hợp với Đại học Cần Thơ tổ chức vào tháng 4 năm 2024 tại Cần Thơ.

- Hội thảo: “Giới thiệu một số kết quả công bố bài báo khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và đóng góp ý kiến cho sự phát triển của Tạp chí VMOST JOSSH”, tháng 5 năm 2024 tại Hà Nội.

- Hội thảo “Những vấn đề nổi bật trong công bố quốc tế lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn” phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức tháng 7 năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo “Những vấn đề nổi bật trong công bố quốc tế lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, 19/7/2024.

- Hội thảo tạo nguồn bài cho Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam bản C: “Công nghệ xanh trong kiểm soát ô nhiễm và quản lý tài nguyên môi trường”, phối hợp với Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức tháng 11 năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Và đặc biệt là chuỗi hội thảo với chủ đề: “Nâng cao năng lực, kỹ năng viết và công bố bài báo khoa học cho các nhà khoa học và cộng tác viên” tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Chuỗi hội thảo đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ cộng đồng khoa học trong nước, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ.

Hội thảo “Nâng cao năng lực, kỹ năng viết và công bố bài báo khoa học cho các nhà khoa học và cộng tác viên” tổ chức tại Đà Nẵng (22/5/2024)

Bên cạnh đó, Tạp chí tăng cường kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, mời các nhà khoa học quốc tế có uy tín tham gia Hội đồng biên tập các bản tạp chí tiếng Anh. Thông qua sự kết nối của Giáo sư Phan Mạnh Hưởng - Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ), ngày 8 tháng 8 năm 2024, Giáo sư Sang-Wook Cheong - Tổng biên tập Tạp chí npj Quantum Materials - Nature (Hoa Kỳ) đã đến thăm và làm việc với Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam. npj Quantum Materials là một tạp chí danh tiếng của Nature, đăng tải các bài báo chất lượng cao trong lĩnh vực vật liệu lượng tử.

TS Nguyễn Thị Hương Giang - Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam  trao quà lưu niệm cho GS Sang-Wook Cheong cùng phu nhân (2 người đứng giữa)  và GS Phan Mạnh Hưởng (ngoài cùng, bên trái).

Tại buổi làm việc, Giáo sư Sang-Wook Cheong nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tài trợ cho hoạt động của Tạp chí bản C - Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering. Đây là cơ sở để Tạp chí thực hiện việc truy cập mở, miễn phí cho tác giả và bạn đọc. Theo Giáo sư Sang-Wook Cheong, truy cập mở đang là xu hướng mà cộng đồng khoa học quốc tế hướng tới. Với việc thực hiện truy cập mở hoàn toàn như hiện nay và quy trình xuất bản hiện đại, bài bản, Tạp chí bản C đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền khoa học không chỉ của Việt Nam mà còn của toàn thế giới.

Cùng với việc ngày càng nâng cao chất lượng các bài báo khoa học, mục tiêu của Tạp chí là sớm có mặt trong các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín như Web of Science, Scopus…, góp phần nâng cao tiềm lực và vị thế của khoa học và công nghệ Việt Nam trên bản đồ khoa học và công nghệ thế giới.

Với những cống hiến trong hơn 6 thập kỷ qua, Tạp chí đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì; Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nhân dịp Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tròn 65 tuổi, chúng ta hãy cùng chúc mừng những thành quả đã đạt được của Tạp chí trong chặng đường qua và chúc cho những mục tiêu của Tạp chí sớm trở thành hiện thực!

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)