Thứ năm, 28/11/2024 15:10

Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Hà Minh Hiệp

Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

Bộ Khoa học và Công nghệ

Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) gắn liền và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH). Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, ngành TCĐLCL đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế của đất nước. Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của hoạt động TCĐLCL trước những đòi hỏi ngày càng cao của bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), ngành TCĐLCL đã và đang không ngừng nỗ lực, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng nhu cầu thay đổi và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế vận hành theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia tạo nền tảng cơ sở cho hoạt động đổi mới sáng tạo

Ở nước ta, hạ tầng chất lượng quốc gia đã được hình thành trên nền tảng quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường. Trong những năm qua, Tổng cục TCĐLCL (nay là Ủy ban TCĐLCL Quốc gia - STAMEQ) đã có những nỗ lực nhất định trong việc phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam thông qua việc phát triển, hoàn thiện hệ thống pháp luật về TCĐLCL, phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hệ thống chuẩn đo lường và đánh giá sự phù hợp. Việc tăng cường năng lực hạ tầng chất lượng quốc gia là yêu cầu, giải pháp quan trọng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc CMCN 4.0 và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST).

Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo

Để phù hợp với các cam kết tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, tận dụng các cơ hội của cuộc CMCN 4.0, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, việc rà soát, đánh giá lại hệ thống văn bản chính sách là hoạt động cần thiết trước mắt. Việc rà soát chính sách này giúp hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực TCĐLCL, đồng thời tạo động lực mới, vừa là lực kéo vừa là lực đẩy để doanh nghiệp ĐMST. Hiện nay, dự án  xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội theo đúng tiến độ; dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang được xây dựng để trình Chính phủ.

Ứng dụng tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp hội nhập và phát triển.

Nhiều chính sách mới về thúc đẩy ĐMST, nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã được xây dựng, trình Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Thủ tướng Chính phủ như: Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST (đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021); Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg, ngày 31/08/2020); Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 996/QĐ-TTg ngày 16/01/2019); Đề án về giải pháp tổng thể về KHCN&ĐMST nhằm nâng cao năng suất lao động theo yêu cầu tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/04/2023 tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 03/2023; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/04/2022 của Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 03/2022 về các nhiệm vụ nâng cao đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030…

Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia - yếu tố then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Phát triển hạ tầng chất lượng (QI) của Ủy ban TCĐLCL Quốc gia: Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam đã có hơn 13.500 TCVN, trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, đạt trên 62%. Đây là kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt kết quả vượt bậc trong thập kỷ vừa qua. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cũng đã ban hành gần 800 QCVN, trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước, nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn. Việc xây dựng và thiết lập hệ thống chuẩn đo lường quốc gia với 31 chuẩn quốc gia được phê duyệt, liên kết với chuẩn quốc tế và thực hiện dẫn xuất chuẩn đến các chuẩn thấp hơn đã đảm bảo thống nhất đo lường trên cả nước, đảm bảo định lượng trong giao nhận hàng hóa và quyền lợi người tiêu dùng, là tiền đề vững chắc để cho mọi ngành, nghề trong cả nước phát triển bền vững.

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam đã tiếp tục được hoàn thiện đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn. Trong đó, tập trung, lựa chọn xây dựng các TCVN phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số1, xã hội số, kinh tế tuần hoàn… theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế.

- Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) của các ngành, lĩnh vực: Huy động các bộ/ngành, địa phương cùng tham gia xây dựng, hình thành NQI trong các ngành, lĩnh vực mới; triển khai áp dụng thí điểm các tiêu chuẩn mới, tiên tiến (như TCVN ISO 18091, TCVN ISO 37001, TCVN ISO 56000…) nhằm hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế. Phát triển một cách toàn diện và bền vững NQI của các ngành, lĩnh vực đồng bộ với các hoạt động KH,CN&ĐMST trong nền kinh tế (như các tiêu chuẩn đối với các công nghệ mới nổi: 5G, AI, Big data…).

Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã đào tạo, hướng dẫn áp dụng thí điểm TCVN ISO 18091 tại một số địa phương (Hải Phòng2, Thừa Thiên Huế3...) để làm cơ sở đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng. Bên cạnh đó, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã đào tạo TCVN ISO 18091 cho TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thái Nguyên... Việc áp dụng TCVN ISO 18091 sẽ giúp chính quyền địa phương hiểu và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu của TCVN ISO 9001:2015 đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, đáp ứng nhu cầu, mong đợi của khách hàng/công dân, các bên quan tâm có liên quan khác và hướng tới phát triển KT-XH bền vững. Ngoài ra, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đang triển khai áp dụng thí điểm TCVN ISO 37001 tích hợp với TCVN ISO 9001 ngay tại Ủy ban TCĐLCL Quốc gia .

Phát triển NQI phục vụ doanh nghiệp, người dân: Nghiên cứu triển khai các lĩnh vực mới, có tiềm năng, tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; xác định các sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực để xây dựng các tiêu chuẩn trọng tâm, đánh giá chứng nhận. Xã hội hóa hợp lý hoạt động TCĐLCL có hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo quy định của pháp luật.

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng

Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng do Thủ tướng Chính phủ ban hành, như Chương trình quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, Đề án quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc, Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp, Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST… theo cách tiếp cận mới, linh hoạt hơn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy mạnh mẽ năng suất, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Việt Nam, bảo đảm có tính cạnh tranh dựa trên nền tảng áp dụng KH,CN&ĐMST. Phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng (NSCL) tiên tiến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình năng suất Quốc gia. Hàng chục ngàn tổ chức, doanh nghiệp đã tham gia và nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình. Thông qua thúc đẩy áp dụng ISO 9001, ISO 140001, chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia (GII) của Việt Nam có được sự cải thiện đáng kể trong các năm qua.

Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất.

Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, dư địa tăng năng suất dựa trên lao động và vốn không còn nhiều, để tăng năng suất bền vững bắt buộc phải dựa trên yếu tố KH,CN&ĐMST. Như vậy, mỗi người lao động khi bước vào quá trình làm việc phải luôn ý thức, tư duy về năng suất dựa trên các yếu tố kỹ thuật, KH,CN&ĐMST. Để thực hiện được, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đang nỗ lực triển khai các hoạt động đào tạo về các hệ thống công cụ, giải pháp cải tiến năng suất cho doanh nghiệp, người lao động. Đặc biệt là quan tâm đến lực lượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trường nghề. Các chương trình phổ biến kiến thức, đào tạo NSCL cho giảng viên, sinh viên trên cả nước được triển khai. Nhiều trường đại học, cao đẳng đã đưa học phần NSCL vào các chương trình đào tạo chính thức, thành lập một số câu lạc bộ sinh viên năng suất.

Chuyển đổi số để phục vụ người dân và tốt hơn

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Đề án chuyển đổi số trong ngành TCĐLCL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ KH&CN phê duyệt (Quyết định số 455/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 25/03/2024). Đề án này có 6 nhóm công việc cần triển khai, cụ thể:

 Thứ nhất, thay đổi quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, phương thức chuyển đổi số, quy trình làm việc bằng nền tảng số được chấp nhận bằng quy định của pháp luật.

Thứ hai, đánh giá toàn bộ và xây dựng bản đồ số trong ngành TCĐLCL. Bản đồ số rất quan trọng giúp chủ động quá trình chuyển đổi số, và bản đồ số được xây dựng dựa trên kỹ thuật về quản trị tinh gọn LEAN để tối ưu hóa bản đồ số và quá trình công việc.

Thứ ba, tập trung hoàn thiện dữ liệu số, nền tảng số và giải pháp số. Dữ liệu về tiêu chuẩn, tổ chức đánh giá sự phù hợp, đo lường, mã số mã vạch, dữ liệu về truyền thông… sẽ được tích hợp trên nền tảng số và dựa trên dữ liệu và nền tảng số, giải pháp số phục vụ doanh nghiệp sẽ được xây dựng về thử nghiệm, chứng nhận, đo lường…

Thứ tư, tập trung thực hiện việc đào tạo cán bộ, đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số.

Thứ năm, nền tảng số kết nối với quốc tế để quá trình trao đổi thông tin với quốc tế được thuận lợi.

Thứ sáu, thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt cho các cán bộ làm về TCĐLCL từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm thống nhất và nhất quán trong hoạt động này.

Hợp tác quốc tế nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo

Hiện nay, hoạt động hợp tác quốc tế về ĐMST đang được triển khai mạnh mẽ trên nhiều cấp độ. Nhiều nội dung chuyên môn về ĐMST được bàn thảo, trao đổi, hợp tác giữa các nước thành viên của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO)… với các chủ đề cụ thể như: Năng suất và ĐMST cho nền kinh tế số, các tiêu chuẩn và khung về quản lý ĐMST trong tổ chức, các mô hình kinh doanh đổi mới cho du lịch nông thôn, các công nghệ đổi mới cho nông nghiệp thuộc chuỗi cung ứng sản phẩm tươi sống, mô hình nông nghiệp thông minh đổi mới…

Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã có những hợp tác song phương và đa phương về tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi, thương mại điện tử, thương mại số, sản xuất thông minh và ĐMST. APO đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển năng suất dựa trên ĐMST. Hoạt động hợp tác song phương với đối tác hàng đầu trong lĩnh vực này như Úc, Mỹ trong 2 năm vừa qua về tiêu chuẩn hóa cho các công nghệ mới nổi, in 3D, hợp tác đa phương trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để xây dựng lộ trình và biện pháp triển khai sản xuất thông minh là minh chứng cho hoạt động hợp tác đó.

Tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo trong nội tại Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

Với vai trò là cơ quan quản lý toàn diện và đồng bộ 3 mặt công tác tiêu chuẩn hóa, đo lường, năng suất chất lượng; để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia cần có định hướng đổi mới ngay trong chính nội tại hoạt động của mình để không ngừng nâng cao chất lượng, năng lực phục vụ. Với quyết tâm đổi mới, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã xây dựng và tổ chức thực hiện Tầm nhìn STAMEQ nhằm hiện thực hóa, xây dựng và phát triển giá trị của STAMEQ, hướng tới một STAMEQ hợp tác để phát triển toàn diện. Tầm nhìn STAMEQ lấy con người STAMEQ làm trung tâm, trong đó “hợp tác là phương thức” và “phát triển toàn diện là mục tiêu”. Tầm nhìn STAMEQ tập trung triển khai 05 trụ cột gồm: hun đúc tinh thần STAMEQ; xây dựng con người STAMEQ; phát triển văn hóa STAMEQ; thực hiện hành động STAMEQ; hiện thực hóa sáng kiến STAMEQ. Trong đó, hiện thực hóa sáng kiến STAMEQ là quan điểm xuyên suốt, lâu dài của STAMEQ, là động lực chính cho sự ĐMST nhằm giải quyết các thách thức và tạo ra các cơ hội mới. ĐMST trong hoạt động TCĐLCL được xác định là đổi mới ngay trong chính nội tại của hoạt động và đổi mới trong hoạt động hỗ trợ ĐMST trong doanh nghiệp, nền kinh tế.

Một số hoạt động cụ thể đã triển khai như: sắp xếp, tinh gọn bộ máy đảm bảo hoạt động hiệu quả; nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thông qua việc thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng nghề, kiến thức về năng suất chất lượng, tin học, ngoại ngữ…; đổi mới phương thức làm việc thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, hình thành các nhóm, tổ công tác (Tổ công tác triển khai ISO 18091, Tổ công tác Halal, Tổ công tác khí nhà kính, Tổ công tác GRP, Tổ công tác chuyển đổi số…). Triển khai áp dụng TCVN ISO 9001 tích hợp TCVN ISO 37001 trong khối cơ quan Ủy ban TCĐLCL Quốc gia. Thực hiện phong trào 5S trong toàn Ủy ban TCĐLCL Quốc gia, tiến tới áp dụng tinh gọn theo Lean…

 “Phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc”, thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hoạt động TCĐLCL với con người STAMEQ, tinh thần STAMEQ, văn hóa STAMEQ sẽ không ngừng đổi mới, hành động và hiện thực hóa tầm nhìn STAMEQ góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.

 

 

1Liên quan đến kinh tế số, xã hội số, hiện nay hệ thống tiêu chuẩn có 197 TCVN; trong đó, 31 TCVN về thẻ ngân hàng, thẻ định danh (ứng dụng căn cước công dân, giao thông công cộng, thanh toán không dùng tiền mặt…); 03 TCVN về dữ liệu lớn; 22 TCVN về điện toán đám mây và Internet vạn vật; 39 TCVN về an toàn thông tin, mật  mã (xác thực số, chữ ký số); 32 TCVN về đô thị thông minh, giao thông thông minh; 42 TCVN về mã số mã vạch (mã QR) và truy xuất nguồn gốc (ứng dụng trong nông nghiệp số, tiêu dùng số, thương mại số, y tế số…); 03 TCVN về trí tuệ nhân tạo; 03 TCVN về sinh trắc học; 22 TCVN về sản xuất thông minh, sản xuất bồi đắp, Robotics…

2Hải Phòng: triển khai áp dụng thí điểm TCVN ISO 18091:2020 tại 12 UBND cấp quận, huyện, xã.

3Thừa Thiên Huế: triển khai áp dụng thí điểm TCVN ISO 18091:2020 tại 02 UBND cấp huyện.

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)