Thứ tư, 27/11/2024 10:44

Rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ: Yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay

Nguyễn Nam Hải, Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Lan Anh

Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ

Dịch vụ sự nghiệp công (DVSNC) trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng tiến trình phát triển đất nước. Bài viết trình bày sơ lược về vai trò, thực trạng danh mục DVSNC sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) trong lĩnh vực KH&CN và các yêu cầu đặt ra đối với việc ban hành danh mục này trong bối cảnh hiện nay.

Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực KH&CN hiện nay

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2099/2017/QĐ-TTg về danh mục DVSNC sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực KH&CN của Bộ KH&CN bao gồm 31 DVSNC sử dụng NSNN trên cơ sở phân 6 nhóm lĩnh vực chính: hoạt động KH&CN (7 dịch vụ); phát triển tiềm lực KH&CN (6 dịch vụ); sở hữu trí tuệ (2 dịch vụ); tiêu chuẩn đo lường chất lượng (9 dịch vụ); năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân (3 dịch vụ) và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức, nghiệp vụ trong lĩnh vực KH&CN (4 dịch vụ). Trong đó, NSNN bảo đảm toàn bộ chi phí thực hiện 15 nhóm dịch vụ và phần chi phí thực hiện dịch vụ chưa tính vào giá theo lộ trình tính giá đối với 16 nhóm dịch vụ tại 6 nhóm lĩnh vực.

Quyết định số 2099/2017/QĐ-TTg là tiền đề để Bộ KH&CN và các địa phương có cơ sở xây dựng các dịch vụ chi tiết và cụ thể hóa DVSNC sử dụng NSNN trong lĩnh vực KH&CN. Đến nay, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành 10 Thông tư định mức kinh tế - kỹ thuật cho hơn 40 DVSNC sử dụng NSNN; tại các địa phương, các Sở KH&CN cũng đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành danh mục chi tiết DVSNC sử dụng NSNN trong lĩnh vực KHCN. Đến thời điểm hiện tại đã có 23 địa phương ban hành nghị quyết/quyết định phê duyệt danh mục DVSNC sử dụng NSNN trong lĩnh vực KH&CN tại địa phương, như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, An Giang, Long An… Các dịch vụ này được triển khai bởi các đơn vị sự nghiệp công  lập thuộc Sở KH&CN1. Trên cơ sở danh mục DVSNC sử dụng NSNN của địa phương, hiện có 6 địa phương đã ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật các DVSNC sử dụng NSNN gồm Quảng Ninh, Đồng Nai, Hòa Bình, Long An, Cao Bằng và Kon Tum.

Có thể thấy, đầu tư từ NSNN về cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực KH&CN đã có những bước chuyển biến tích cực. Với các hoạt động DVSNC trải rộng trong 6 lĩnh vực KH&CN thời gian qua tại các tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập đã cơ bản đảm bảo cung ứng và bao phủ dịch vụ trong cả nước. Mức độ xã hội hóa ngày càng cao cũng góp phần đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ công của người dân. Theo đó, đã có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, phương thức đầu tư; thực hiện cơ chế đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công; liên doanh, liên kết...

Hoạt động dịch vụ SNC trong lĩnh vực KH&CN đã góp phần: thúc đẩy thông tin về kết quả KH&CN được công bố rộng rãi, nhanh chóng, hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng kết quả vào cuộc sống; tạo nền tảng cơ sở cho việc tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; cải thiện vị trí quốc gia trên bản đồ công nghệ thế giới thông qua các công bố quốc tế…

Từ đó, Nhà nước thu lợi gián tiếp từ sự gia tăng hàm lượng công nghệ và tài sản trí tuệ trong sản phẩm sản xuất trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. NSNN tăng thu từ thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu nhờ sản xuất trong nước phát triển...), đồng thời giảm bớt gánh nặng về các khoản chi cho phúc lợi xã hội nhờ số lượng lớn công ăn việc làm được tạo ra khi sản xuất phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.

Yêu cầu về việc rà soát danh mục dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN

Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đưa ra yêu cầu xây dựng và hoàn thiện các danh mục DVSNC sử dụng NSNN với nguyên tắc: Nhà nước bảo đảm kinh phí cho dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ kinh phí đối với dịch vụ cơ bản; đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập cùng tham gia; đối với các dịch vụ khác thì đẩy mạnh thực hiện theo cơ chế xã hội hoá, huy động sự tham gia cung ứng của các thành phần kinh tế.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/06/2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 60/2021/NĐ-CP) đã mở rộng lĩnh vực về dịch vụ sự nghiệp, cụ thể trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; KH&CN... Theo tính chất nguồn kinh phí, DVSNC cũng được chia thành 2 loại có sử dụng và không sử dụng NSNN. Tuy nhiên, tại Nghị định này, nguyên tắc về sử dụng NSNN được đưa ra cụ thể hơn, NSNN chỉ bảo đảm tài trợ ở các mức độ khác nhau cho các dịch vụ thiết yếu, cơ bản và các dịch vụ mang tính đặc thù của ngành, lĩnh vực.

Với lĩnh vực KH&CN, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP hiện đang quy định chung DVSNC sử dụng NSNN trong lĩnh vực KH&CN gồm: (i) Các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu: nghiên cứu khoa học cơ bản, dịch vụ KH&CN thuộc các nhóm về hoạt động KH&CN; phát triển tiềm lực KH&CN; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhanh; (ii) Các dịch vụ mang tính đặc thù cần được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện.

Việc rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục DVSNC sử dụng NSNN trong lĩnh vực KH&CN là cần thiết theo yêu cầu mới về công tác quản lý NSNN hiện nay. Trong đó, để đảm bảo phù hợp với lĩnh vực KH&CN, các tác giả xin được đề cập tới một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện việc rà soát, sửa đổi như sau:

Một là, đảm bảo phù hợp, đáp ứng kịp thời với bối cảnh hiện nay, góp phần thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hội nhập kinh tế của nước ta ngày càng sâu, rộng, tạo dựng nền kinh tế phát triển năng động. Việc thực hiện cam kết gia nhập WTO, các hiệp định song phương và đa phương… đã giúp lĩnh vực KH&CN trong nước tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới, thông qua đó nâng cao trình độ nghiên cứu, sử dụng thành tựu KH&CN ở trong nước, rút ngắn khoảng cách công nghệ của Việt Nam so với các quốc gia phát triển, tăng cường tiềm lực KH&CN của Việt Nam thông qua hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ. Các yêu cầu mở cửa sâu, rộng thị trường hàng hóa có tác động trực tiếp đối với lĩnh vực thị trường dịch vụ, đối với DVSNC trong lĩnh vực KH&CN thì các hoạt động dịch vụ về sở hữu trí tuệ, công nhận chất lượng, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, chuyển giao công nghệ chịu sự tác động mạnh mẽ nhất.

Việt Nam có thị trường nội địa hơn 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu nhưng tiến trình này xảy ra nhanh hơn ở các quốc gia đang phát triển như nước ta, đặt ra nhiều yêu cầu đảm bảo DVSNC, đặc biệt đối với các DVSNC cơ bản, thiết yếu có tác động trực tiếp đến an sinh xã hội, cơ cấu và nhu cầu cung ứng DVSNC như: y tế, dân số, giáo dục, dạy nghề, lao động... Các nhu cầu trên đòi hỏi Nhà nước phải có cơ chế thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của KH&CN vào mọi lĩnh vực dịch vụ đời sống xã hội.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với các tiến bộ công nghệ mang tính đột phá vẫn phát triển không ngừng với hai làn sóng đổi mới: làn sóng kỹ thuật số được xây dựng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), siêu máy tính và tự động hóa; làn sóng đổi mới khoa học sâu dựa trên công nghệ sinh học và công nghệ nano. Sự bùng nổ của AI, đặc biệt là AI tạo sinh sau sự ra đời và phát triển của ChatGPT, các công nghệ phục vụ quản lý và sản xuất của doanh nghiệp, công nghệ 5G, thực tế ảo và thực tế tăng cường (VR/AR)… tiếp tục là những điểm nổi bật, đang định hình bức tranh công nghệ của thế giới. Cuộc Cách mạng này đã làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và mọi mặt đời sống xã hội, hình thành và phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số… Những yêu cầu đó đòi hỏi phải phát triển thị trường KH&CN, dịch vụ cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến…

Hai là, cần đảm bảo phù hợp với đặc thù và bản chất của các hoạt động nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu khoa học là loại hình hoạt động có tính đặc thù với thời gian thực hiện thường phải kéo dài trong nhiều năm; kết hợp nghiên cứu và thử nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần nên luôn tiềm ẩn nguy cơ không thành công như dự kiến (tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, sự không thành công cũng là một kết quả của nghiên cứu khoa học, để từ đó đúc rút bài học, kinh nghiệm); sản phẩm hoạt động nghiên cứu khoa học là sự kết tinh của quá trình lao động trí óc, không thể định giá như tài sản thông thường. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học luôn có độ trễ trong việc minh chứng tính ứng dụng, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản, nhiều nghiên cứu cơ bản phải “cất ngăn kéo” hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ mới được làm cơ sở để thực hiện các nghiên cứu ứng dụng2. Đối với hoạt động nghiên cứu cơ bản, được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu cơ bản như Viện Toán học, Viện Vật lý… là hoạt động cần thiết cho việc đào tạo nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao, đồng thời là nền tảng của những tiến bộ công nghệ quan trọng. Xu hướng tại nhiều quốc gia trên thế giới, nghiên cứu cơ bản là hoạt động được Nhà nước bảo đảm nguồn lực ưu tiên đầu tư lớn và lâu dài và xem đây là con đường chiến lược giúp các quốc gia này phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền tảng khoa học giải quyết các vấn đề của tương lai... Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản cũng là đầu tư cho tương lai của nền KH&CN nước nhà; góp phần phát triển nguồn nhân lực trình độ cao ở tuyến đầu của tri thức, đặc biệt là bậc sau đại học; gia cố nền tảng, năng lực nghiên cứu và đội ngũ cán bộ khoa học tài năng trong các trường đại học, viện nghiên cứu; từ đó gia tăng năng lực đón đầu3.

Các hoạt động quản lý, triển khai thực hiện nghiên cứu cơ bản dưới dạng nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN hiện nay đang được thực hiện theo pháp luật KH&CN.

Quy định nghiên cứu cơ bản là hoạt động thiết yếu cần được Nhà nước bảo đảm toàn bộ là định hướng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn tại Việt Nam, tuy nhiên, coi hoạt động nghiên cứu cơ bản là DVSNC thiết yếu với cơ chế quản lý như các DVSNC sử dụng ngân sách khác thì không phù hợp với đặc thù của loại hình hoạt động này.

Ba là, cần thể hiện sự bao quát phù hợp với tính chất các dịch vụ KH&CN tại danh mục. Dịch vụ KH&CN là hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ4, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu KH&CN trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội được thực hiện bởi các tổ chức dịch vụ KH&CN là các trung tâm, văn phòng... Đây là các hoạt động không thể thiếu trong việc quản lý, hỗ trợ và thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về tính chất, các dịch vụ KH&CN có thể phân thành 2 nhóm: (i) Nhóm hoạt động thuần túy phục vụ quản lý nhà nước như hoạt động phục vụ quản lý, hỗ trợ triển khai nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN5, hoạt động về công nhận doanh nghiệp công nghệ cao, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…; (ii) Nhóm hoạt động dịch vụ sự nghiệp như hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (pháp lý, tài chính, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng…); cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến… Theo đó, về tổ chức cung ứng tương ứng sẽ có đơn vị sự nghiệp với chức năng phục vụ quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp để cung cấp dịch vụ sự nghiệp.

Bốn là, khuyến khích từng bước xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong lĩnh vực KH&CN. Hiện nay, quan niệm, nhận thức của xã hội về xã hội hóa đa phần chỉ mới xem xã hội hóa là biện pháp huy động sự đóng góp của tổ chức, đơn vị ngoài công lập để giảm gánh nặng cho NSNN mà thiếu mất sự quan tâm rằng, đẩy mạnh xã hội hóa phải gắn với nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, và song song với đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý nhà nước trong các hoạt động dịch vụ, đảm bảo người dân và doanh nghiệp được trải nghiệm các dịch vụ với chất lượng tốt. Do vậy, việc thực hiện rà soát danh mục dịch vụ có khả năng xã hội hóa không thể thực hiện theo cơ chế đại trà mà cần được thực hiện từng bước, phù hợp với tính chất của dịch vụ. Đối với lĩnh vực KH&CN, phần lớn các dịch vụ mang tính kỹ thuật cần sử dụng nhiều đến nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với máy móc, thiết bị chuyên dùng như thí nghiệm, thử nghiệm, kiểm định…) cao nên giá dịch vụ khi xã hội hóa sẽ rất cao, người dân và doanh nghiệp sẽ phải trả chi phí lớn cho việc sử dụng dịch vụ. Do đó cần tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập cùng tham gia các hoạt động dịch vụ sự nghiệp cần xem xét trên điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng xã hội hóa các dịch vụ mỗi vùng miền, địa phương.

 

1Tùy từng địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở KH&CN được thành lập các trung tâm với các dịch vụ triển khai theo các lĩnh vực là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc thành lập thành một trung tâm thực hiện tổng hợp các dịch vụ.

2Nhiều sản phẩm thông dụng được sử dụng rộng rãi ngày nay, như thuốc kháng sinh, vắc-xin, bóng đèn led, điện thoại thông minh… đều bắt nguồn từ các kết quả nghiên cứu cơ bản trước đây rất nhiều năm.

3Khoa học cơ bản đạt được nhiều thành tựu, thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố quốc tế. Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Riêng trong năm 2020, công bố quốc tế của Việt Nam tăng 45% so với năm 2019.

4Đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, hiện nay vừa được thực hiện bởi chính các tổ chức nghiên cứu nắm giữ công nghệ chuyển giao hoặc được thực hiện bởi đơn vị trung gian là tổ chức dịch vụ KH&CN.

5Gồm các hoạt động tác nghiệp về quản lý hành chính nhà nước để quản lý, xử lý các công việc mang tính chất vừa hành chính vừa quản lý nhà nước trong quá trình triển khai nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ KH&CN như thực hiện quản lý kinh phí nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; theo dõi, quản lý việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN…

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)