Hoạt động đo lường ngày càng trở nên quan trọng, ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội và góp phần đáng kể vào quá trình chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Tại Việt Nam, trong thời gian qua, Luật Đo lường số 04/2011/QH13, Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; các thông tư hướng dẫn là cơ sở pháp lý cho hoạt động đo lường và tạo ra một hệ thống tổ chức đo lường tương đối hoàn chỉnh. Hệ thống này được thiết lập từ Trung ương đến địa phương. Ủy ban Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng Quốc gia trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan đầu mối giúp Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý đo lường thống nhất trong cả nước. Bên cạnh đó, đã hình thành mạng lưới các cơ quan quản lý, các đơn vị kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực đo lường phục vụ cho các đối tượng chuyên ngành tại các bộ quản lý chuyên ngành: Y tế; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Công Thương; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Lao động, Thương binh và Xã hội; Quốc phòng; Công an; Thông tin và Truyền thông và một số bộ/ngành khác. Các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh/thành phố; các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc các sở chuyên ngành tại các tỉnh/thành phố trên cả nước; các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (gọi chung là tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường)… cũng đã góp phần hình thành một hệ thống ngành dọc về đo lường từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra còn có đội ngũ hàng vạn người tham gia công tác đo lường chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, đóng góp đáng kể vào thành tích trong lĩnh vực đo lường ở nước ta thời gian qua.
Hạ tầng đo lường quốc gia
Hạ tầng đo lường quốc gia bao gồm các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường và hạ tầng kỹ thuật đo lường quốc gia từ cấp quốc gia, đến địa phương và doanh nghiệp (hình 1).
Hình 1. Hạ tầng đo lường quốc gia.
Công tác quản lý nhà nước về đo lường ở Việt Nam hiện nay được thực hiện dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật. Các tổ chức, cá nhân trong hạ tầng đo lường quốc gia đều tham gia vào công tác quản lý nhà nước về đo lường. Trong đó, công tác quản lý hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Hoạt động đo lường của các tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường rất phức tạp, gắn liền với các quy định pháp luật, quyền lợi của doanh nghiệp và an ninh trật tự xã hội.
Để chuẩn hóa hoạt động đo lường của các tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường, các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn đã được ban hành như: Luật Đo lường số 04/2011/QH13, Nghị định số 105/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và TCVN 13187: 2020 Phòng thí nghiệm đo lường - Tiêu chí đánh giá năng lực đo lường của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngoài ra, để tăng cường, đổi mới công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy hoạt động đo lường trong doanh nghiệp. Các nhiệm vụ, đề án, chỉ thị đã được ban hành, điển hình như: Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030”; Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo…
Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia của từng lĩnh vực đo đã được xác lập gồm chuẩn quốc gia (chuẩn đầu hoặc chuẩn thứ) và các chuẩn có độ chính xác thấp hơn như chuẩn chính, chuẩn công tác (hình 2).
Hình 2. Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia.
Theo sơ đồ hình tháp, hệ thống chuẩn đo lường quốc gia các nước trên thế giới và Việt Nam cho thấy, các Viện đo lường quốc gia (NMIs) cũng như Viện Đo lường Việt Nam (VMI) được giao cho việc thực hiện thiết lập và duy trì hệ thống chuẩn đo lường quốc gia các đại lượng vật lý và hóa học với độ chính xác cao nhất trong một quốc gia. Các chuẩn đo lường quốc gia được liên kết chuẩn tới hệ đơn vị quốc tế SI, dẫn xuất chuẩn xuống các chuẩn đo lường có độ chính xác thấp hơn, góp phần làm cơ sở pháp lý và khoa học để thống nhất thực hiện các hoạt động đo lường trong cả nước và giữa các quốc gia/nền kinh tế, nhằm đảm bảo các chuẩn đo lường quốc gia có trình độ tương đương nhau. Trình độ chuẩn đo lường quốc gia trong một quốc gia có thể là chuẩn đầu hoặc chuẩn thứ, tùy thuộc sự phát triển khoa học và công nghệ cũng như nhu cầu kinh tế xã hội của quốc gia đó. Hiện nay, Viện Đo lường Việt Nam có 12 phòng thí nghiệm đo lường quốc gia cho các lĩnh vực đo lường và 32 chuẩn đo lường quốc gia được công nhận.
Bên cạnh đó, vai trò và năng lực của NMI còn được thể hiện thông qua các giá trị độ không đảm bảo đo của các phép đo mà NMI đó công bố. Theo sơ đồ sao truyền chuẩn đo lường trong một quốc gia, giá trị độ không đảm bảo đo sẽ tăng dần, xét từ NMI đến đơn vị sử dụng và doanh nghiệp. Trong hệ thống chuẩn đo lường quốc gia còn có các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường nằm trong các bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ và sản xuất, nghiên cứu khoa học trong cả nước. Hiện nay, trong cả nước có hơn 1.000 phòng thí nghiệm đo lường được công nhận hoạt động đo lường để phục vụ đảm bảo đo lường chính xác cho các bộ/ngành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trình độ chuẩn đo lường được sử dụng trong hơn 1.000 phòng thí nghiệm này thường ở mức chuẩn chính, chuẩn công tác, phương tiện đo có cấp chính xác thấp hơn chuẩn đo lường quốc gia.
Thực tế cho thấy, khi chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam, các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài thường tìm hiểu rất kỹ về năng lực hạ tầng đo lường quốc gia, từ đó đánh giá thuận lợi/khó khăn về hỗ trợ của hệ thống chuẩn đo lường quốc gia của Việt Nam sau đầu tư dự án, tránh các trang thiết bị đo lường sau khi đầu tư phải đưa về bản địa hoặc đưa ra nước khác để đo, hiệu chuẩn định kỳ hằng năm.
Những hạn chế trong công tác quản lý hoạt động đo lường
Một là, việc phân công trách nhiệm và phối hợp giữa các bộ/ngành trong nhiều trường hợp còn bất cập; chưa có cơ chế khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia các hoạt động đo lường; cơ sở vật chất, năng lực kỹ thuật hoạt động đo lường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, không đồng bộ, nhiều trang thiết bị thử nghiệm lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Hai là, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý hoạt động đo lường tại nhiều bộ/ngành, địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp chưa đầy đủ, thậm chí bị coi nhẹ; năng lực quản lý, trình độ nghiệp vụ còn yếu, trang thiết bị, công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, cải tiến.
Ba là, chưa có sự rà soát, đánh giá về địa bàn hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường dẫn đến có nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường chưa thực hiện đúng các quy định hoạt động trên địa bàn.
Bốn là, nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường cho doanh nghiệp chưa nhận thức rõ về trách nhiệm, coi nhẹ pháp lý khi thực hiện mà chưa đủ điều kiện hoạt động theo các quy định pháp luật.
Năm là, nhận thức, năng lực quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương còn hạn chế trong việc đánh giá, quản lý hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường.
Sáu là, nhiều doanh nghiệp hạn chế nhận thức, xem nhẹ đánh giá năng lực, trách nhiệm pháp lý khi sử dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa đủ điều kiện hoạt động theo các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác triển khai đánh giá chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường theo tiêu chuẩn TCVN 13187:2020 của các bộ ngành, địa phương trong thời gian qua còn hạn chế.
Đổi mới, chuẩn hóa các tổ chức cung cấp dịch đo lường
Để tăng cường, đổi mới công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy hoạt động đo lường trong doanh nghiệp, một số giải pháp chính cần thực hiện trong thời gian tới gồm:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác triển khai Đề án 996 "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030” và Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Thứ hai, thống nhất với các bộ/ngành, địa phương về công tác quản lý hoạt động đo lường đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường.
Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ/ngành, địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra đo lường.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số để phục vụ công tác quản lý hoạt động các tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và nghiệp vụ cho các cán bộ của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về các quy định pháp luật đối với tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường.
Thứ sáu, đổi mới quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký cho các tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường.
Hình 3. Hội thảo “Tăng cường hợp tác hạ tầng kỹ thuật đo lường giữa Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh/thành phố phía Bắc”, ngày 16/04/2024 tại Quảng Ninh.
*
* *
Nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động của doanh nghiệp và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, trong thời gian tới, việc chuẩn hóa hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ đo lường cần phải gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp nhằm huy động đa dạng các nguồn lực đóng góp cho sự phát triển hoạt động đo lường minh bạch và bền vững.