Thứ năm, 28/11/2024 15:09

Giáo dục khởi nghiệp trong trường đại học: Cần thay đổi từ phong trào sang chiến lược kiến tạo giá trị

Khởi nghiệp không đơn thuần là lập doanh nghiệp mà chính là khả năng nhìn thấy vấn đề, hành động để tạo ra giá trị mới. Chính vì vậy, giáo dục khởi nghiệp trong trường đại học có vai trò rất quan trọng. Để hiểu thấu đáo hơn về vấn đề này, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về vấn đề này.

 

 

PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Khởi nghiệp trong trường đại học vẫn thiên về phong trào và hoạt động ngoại khóa

Thưa PGS.TS Đỗ Hương Lan, được biết, gần đây bà và nhóm chuyên gia tư vấn chính sách của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có kiến nghị về đổi mới giáo dục khởi nghiệp trong trường đại học. Bà có thể chia sẻ vì sao vấn đề này trở nên cấp thiết?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mà tư duy khởi nghiệp, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng trở thành “năng lực cốt lõi” của nguồn nhân lực. Khởi nghiệp không đơn thuần là lập doanh nghiệp mà chính là khả năng nhìn thấy vấn đề, hành động để tạo ra giá trị mới. Trường đại học không chỉ truyền thụ tri thức mà còn phải khơi gợi tư duy đổi mới sáng tạo và kiến tạo. Điều đó đòi hỏi một cuộc đổi mới thật sự trong chương trình đào tạo.

Vậy hiện nay, việc dạy và học khởi nghiệp trong các trường đại học ở Việt Nam được triển khai như thế nào, thưa bà?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (Đề án 1665), tỷ lệ các trường đưa khởi nghiệp vào giảng dạy đã tăng từ 30% năm 2020 lên khoảng 48% năm 2023. Tuy nhiên, cách làm vẫn còn rất phân tán. Một số trường có môn học chính quy, có trung tâm hỗ trợ, nhưng phần lớn vẫn lúng túng, thiếu định hướng chung.

Nhìn chung, khởi nghiệp trong trường đại học hiện nay vẫn thiên về phong trào và hoạt động ngoại khóa, chưa được tích hợp một cách chính quy và chiến lược vào chương trình đào tạo chính khóa. Điều này làm cho sinh viên có thể tham gia, nhưng chưa chắc có thể phát triển năng lực thực sự để khởi nghiệp hoặc sáng tạo trong nghề nghiệp tương lai.

Bên cạnh đó, nguồn lực cho giáo dục khởi nghiệp, cả về giảng viên, cơ sở vật chất lẫn kết nối hệ sinh thái vẫn còn khá hạn chế. Nhiều giảng viên chưa có kinh nghiệm thực tiễn, chưa có phương pháp sư phạm đặc thù cho môn học này. Sinh viên thiếu môi trường thử nghiệm, thiếu người tư vấn, thiếu tài chính. Đặc biệt, chúng ta chưa có bộ giáo trình khởi nghiệp chuẩn dùng chung, dẫn tới tình trạng “mỗi nơi dạy một kiểu”, thiếu chuẩn hóa, thiếu thực hành...

Vậy theo bà, điểm khác biệt lớn nhất giữa “dạy khởi nghiệp” và “giáo dục tư duy đổi mới sáng tạo và kiến tạo” là gì?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Đây là hai khái niệm rất khác nhau về chiều sâu và mục tiêu đào tạo. Dạy khởi nghiệp thường tập trung vào kỹ năng: lập kế hoạch kinh doanh, gọi vốn, mô hình tài chính, xây dựng thương hiệu... Nó thiên về công cụ, hướng tới việc giúp sinh viên tạo lập một doanh nghiệp hay khởi sự kinh doanh. Còn giáo dục tư duy đổi mới sáng tạo và kiến tạo đi xa hơn rất nhiều. Nó không chỉ nhằm giúp sinh viên “làm startup”, mà là giúp họ trở thành người kiến tạo giá trị mới ở bất kỳ lĩnh vực nào. Tư duy đổi mới sáng tạo và kiến tạo giúp nghĩ khác đi, làm khác đi để tạo ra điều mới, ra giá trị, lợi ích về kinh tế - xã hội

Tôi tin rằng, giáo dục đại học hiện đại không thể dừng ở kỹ năng, mà phải bắt đầu từ cách nghĩ, cách nhìn, cách tạo ra giá trị mới, dù trong doanh nghiệp, tổ chức hay chính trong từng cá nhân.

Kinh nghiệm giáo dục khởi nghiệp trong trường đại học trên thế giới

Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm triển khai giáo dục khởi nghiệp trong trường đại học của một số quốc gia trên thế giới.

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Liên minh châu Âu (EU) là khu vực tiên phong trong việc chuẩn hóa giáo dục khởi nghiệp thông qua khung năng lực EntreComp - một công cụ rất hệ thống và toàn diện. Khung này xác định 15 năng lực cốt lõi, được chia thành 3 nhóm chính: ý tưởng và cơ hội; nguồn lực; hành động, đồng thời được phát triển theo 8 cấp độ tiến triển, từ cơ bản đến nâng cao. Đây là một cấu trúc rất rõ ràng, giúp các trường đại học dễ dàng tích hợp vào chương trình giảng dạy ở nhiều cấp độ và khối ngành khác nhau.

Về triển khai thực tế, Pháp đã đưa EntreComp vào thiết kế các học phần khởi nghiệp trong cả các chương trình kỹ thuật và quản trị. Đức sử dụng khung này trong các trường đại học ứng dụng, kết hợp với đào tạo nghề và học qua dự án, giúp sinh viên phát triển kỹ năng khởi nghiệp gắn liền với thị trường. Tây Ban Nha thì tích cực sử dụng EntreComp trong việc hoàn thiện các chương trình đào tạo khởi nghiệp tại đại học, đặc biệt thông qua hợp tác giữa các trường và các phòng thương mại.

Điều đáng chú ý là khung EntreComp không áp đặt một chương trình cố định, mà cung cấp một “bản đồ năng lực” để các quốc gia, cơ sở giáo dục và thậm chí từng giảng viên có thể thiết kế chương trình phù hợp với đối tượng người học. Đây chính là điểm đáng để Việt Nam tham khảo khi xây dựng khung năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp quốc gia - vừa có định hướng chung, vừa cho phép linh hoạt vận dụng theo bối cảnh.

Cơ quan Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của Vương Quốc Anh (QAA) đã ban hành hướng dẫn về giáo dục khởi nghiệp, chia thành ba tầng phát triển năng lực:​ 1) Nhận thức về khởi nghiệp: Giúp sinh viên hiểu được khái niệm và tầm quan trọng của tư duy khởi nghiệp; 2) Năng lực khởi nghiệp: Phát triển kỹ năng và thái độ cần thiết để khởi nghiệp, như sáng tạo, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm.; 3) Hiệu quả khởi nghiệp: Ứng dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế để tạo ra giá trị kinh tế - xã hội. Khung này không giới hạn trong ngành kinh doanh mà được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như kỹ thuật, giáo dục, nghệ thuật và y tế. Nhiều trường đại học đã tích hợp khung này vào chương trình giảng dạy, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, nhằm phát triển tư duy khởi nghiệp cho sinh viên trong mọi ngành học.​

Tại Úc, cách tiếp cận linh hoạt hơn. Thay vì một khung cứng nhắc, các trường đại học tập trung vào việc cung cấp micro-credentials - các tín chỉ kỹ năng ngắn hạn giúp sinh viên nhanh chóng nâng cao kỹ năng khởi nghiệp cụ thể. Ví dụ, Đại học Tây Úc (UWA) cung cấp khóa học "Introduction to Entrepreneurship", nơi sinh viên học cách nhận diện cơ hội thị trường và thiết kế giải pháp sáng tạo cho các tình huống thực tế. ​Ngoài ra, chính phủ Úc đã triển khai chương trình Startup Year - hỗ trợ sinh viên tham gia các khóa học khởi nghiệp tại các trường đại học thông qua các khoản vay ưu đãi. Chương trình này nhằm thúc đẩy đổi mới và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp của Úc, bao gồm cả đổi mới xã hội và khởi nghiệp cộng đồng.

Ở châu Á, Hàn Quốc là một trong những quốc gia triển khai giáo dục khởi nghiệp khá bài bản, có hệ sinh thái đồng bộ từ trung ương đến địa phương và đặc biệt là rất linh hoạt trong tổ chức đào tạo. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi các mô hình của Hàn Quốc như: Tích hợp khởi nghiệp vào chương trình chính khóa; ghi nhận khởi nghiệp như một năng lực được đánh giá và chứng nhận; thiết kế lộ trình phát triển tư duy - năng lực - hành động qua các năm học. Và quan trọng nhất là tạo ra không gian để sinh viên được làm thật, sai thật, học thật.

Israel là một trong những quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp gắn rất chặt với giáo dục đại học. Nhưng điểm đặc biệt ở đây là khởi nghiệp không tách rời khỏi khoa học và công nghệ, mà ngược lại, chính nghiên cứu khoa học là nền tảng tạo ra đổi mới và startup.

Định hướng đổi mới giáo giục khởi nghiệp trong trường đại học ở Việt Nam

 

Khởi nghiệp không phải đặc quyền của ngành kinh tế hay công nghệ.

Theo bà, làm sao để tích hợp khởi nghiệp vào các ngành học ngoài kinh tế và công nghệ như xã hội học, văn hóa, giáo dục...?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Khởi nghiệp không phải đặc quyền của ngành kinh tế hay công nghệ. Khởi nghiệp không nằm ở ngành, mà nằm ở cách tiếp cận. Một sinh viên văn hóa có thể làm du lịch trải nghiệm. Một sinh viên giáo dục có thể khởi nghiệp với mô hình học liệu số. Một sinh viên xã hội học có thể xây dựng nền tảng kết nối cộng đồng… Điều quan trọng là tạo ra một khung tư duy mở, có phương pháp sáng tạo và một môi trường để sinh viên được thử, được sai, được học. Nếu chương trình đào tạo khơi đúng cảm hứng và có không gian thử nghiệm, mọi ngành đều có thể là mảnh đất cho sáng tạo và đổi mới.

Theo bà, yếu tố quyết định để một trường đại học chuyển mình mạnh mẽ trong giáo dục khởi nghiệp là gì?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Đó là sự thống nhất từ cấp lãnh đạo về tư duy, nguồn lực và cơ chế. Khi lãnh đạo trường coi giáo dục về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là một trụ cột chiến lược, mọi khoa, phòng sẽ chuyển động theo. Cần có “ngọn cờ”, có người dẫn đường và có chính sách rõ ràng để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình đổi mới.

Vậy Việt Nam cần đổi mới giáo dục khởi nghiệp theo hướng nào trong giai đoạn hiện nay?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Tôi cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần tái định vị giáo dục khởi nghiệp trong trường đại học không chỉ là một hoạt động hỗ trợ sinh viên lập doanh nghiệp, mà là một chiến lược phát triển năng lực kiến tạo - đổi mới - chuyển giao giá trị từ tri thức thành ứng dụng thực tiễn.

Muốn đạt được điều đó, chúng ta cần đổi mới theo 3 trụ cột: tư duy - thiết kế - thể chế.

Về tư duy: Khởi nghiệp không tách rời khỏi nghiên cứu và sứ mệnh học thuật. Khởi nghiệp trong môi trường đại học không nên bị hiểu đơn giản là “mở công ty sớm”, mà là khả năng biến tri thức, đặc biệt là từ nghiên cứu khoa học thành giải pháp cho xã hội. Mỗi giảng viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người kết nối nghiên cứu với đời sống. Mỗi sinh viên cần được tạo điều kiện để trải nghiệm tư duy kiến tạo, sáng tạo, làm chủ quá trình từ phát hiện vấn đề đến đề xuất giải pháp và đưa ra sản phẩm có giá trị. Khởi nghiệp ở đây không phải “hào quang gọi vốn”, mà là năng lực tạo ra giá trị mới, bền vững và gắn với chuyên môn học thuật.

Về thiết kế: Cần khung năng lực, lộ trình học tập và ghi nhận kết quả rõ ràng. Chúng ta cần sớm ban hành Khung năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp quốc gia, tương tự như khung EntreComp của EU hoặc hướng dẫn QAA của Vương quốc Anh. Trên cơ sở đó, các trường mới có thể: Thiết kế học phần khởi nghiệp chính quy cho mọi ngành; xây dựng lộ trình phát triển tư duy - kỹ năng - hành động khởi nghiệp theo năm học; công nhận khởi nghiệp và thương mại hóa tri thức như một phần tương đương khóa luận tốt nghiệp. Ví dụ, một sinh viên ngành kỹ thuật không nhất thiết làm đồ án máy móc truyền thống, mà có thể phát triển sản phẩm ứng dụng từ nghiên cứu và đưa vào ươm tạo thực tế. Đó mới là giá trị thật sự của “học để làm - nghiên cứu để triển khai và ứng dụng”.

Về thể chế: Tạo hệ sinh thái thực học - thực hành - thực nghiệm trong nhà trường. Giáo dục khởi nghiệp không thể hiệu quả nếu chỉ dựa vào một trung tâm khởi nghiệp lẻ loi. Chúng ta cần: Hạ tầng học thuật hỗ trợ đổi mới sáng tạo (vườn ươm, phòng lab liên ngành…); cơ chế học thuật linh hoạt (tín chỉ thay thế, học kỳ bảo lưu để thử nghiệm startup); liên kết ba nhà (nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước/địa phương) để sinh viên vừa học, vừa tạo ra tác động xã hội thật sự.

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên cũng cần được bồi dưỡng về tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cũng như kỹ năng đồng hành cùng sinh viên và được ghi nhận khi hỗ trợ dự án khởi nghiệp như một phần công tác nghiên cứu - giảng dạy - phục vụ cộng đồng.

Nếu chúng ta chỉ dạy khởi nghiệp như một môn học kỹ năng mềm, nó sẽ dừng lại ở sự hứng khởi ngắn hạn và khởi nghiệp trong trường đại học ở Việt Nam sẽ rơi vào vòng lặp “nhiệt huyết ban đầu - phong trào giữa chừng - nguội lạnh sau đó”. Ngược lại, nếu làm đúng, khởi nghiệp có thể trở thành một trong những nền tảng quan trọng nhất để phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, thích ứng và có trách nhiệm xã hội. Việt Nam cần một hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học không chỉ sinh ra doanh nghiệp mà sinh ra những con người biết kiến tạo giá trị mới cho quốc gia trong kỷ nguyên mới.

 

TAGS :

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)