Thực trạng công tác bồi dưỡng công chức của Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2016-2023
Có thể nói, giai đoạn 2016-2023 đã đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách về đào tạo, bồi dưỡng (ĐT, BD) theo hướng hoàn thiện và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cho công tác BDCC. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2023 đã cho thấy một sự thay đổi về tư duy, cách thức tổ chức hoạt động ĐT, BD nói chung và BDCC nói riêng trong điều kiện thực tiễn của việc xuất hiện đại dịch COVID-19, một tình huống chưa có tiền lệ trước đây.
Hằng năm, căn cứ nhu cầu BDCC của các tổ chức hành chính trực thuộc, theo đề nghị của Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định ban hành kế hoạch BDCC của Bộ, trong đó: (i) Đối với các khóa bồi dưỡng theo kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ KH&CN giao cho Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) tổ chức thực hiện theo quy định; (ii) Đối với những nội dung bồi dưỡng cần thiết nhưng Bộ KH&CN không tổ chức khóa học, CC sẽ được cử tham gia bồi dưỡng tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Ngoại giao, Học viện Quốc phòng và các cơ sở bồi dưỡng khác; (iii) Trong quá trình thực hiện, kế hoạch có thể được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Kết quả bồi dưỡng công chức
Bồi dưỡng công chức ở trong nước
Về cử CC tham gia các khóa bồi dưỡng: Trong giai đoạn 2016-2023, Bộ KH&CN đã cử nhiều lượt CC của Bộ tham gia các khóa bồi dưỡng. Cụ thể: Bồi dưỡng về lý luận chính trị: 91 người; bồi dưỡng kiến thức về quốc phòng và an ninh (QP&AN): 391 người; bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước (QLNN) theo tiêu chuẩn ngạch CC: 457 người; bồi dưỡng về kỹ năng lãnh đạo quản lý: 187 người. Về nâng cao năng lực ngoại ngữ: Trong giai đoạn 2016-2023, Bộ KH&CN đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và cử CC tham gia các khóa bồi dưỡng tiếng Anh do Bộ Ngoại giao tổ chức. Số lượng CC tham gia các lớp tiếng Anh là: 117 người. Bồi dưỡng về nghiệp vụ theo vị trí việc làm được thực hiện cho 792 lượt CC.
Về tổ chức các khóa bồi dưỡng cho CC: Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh có 9 lớp. Các năm 2021 và 2022 do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài nên Bộ không thể triển khai được các lớp bồi dưỡng này. Bồi dưỡng kiến thức về QLNN theo tiêu chuẩn ngạch CC: đã tổ chức 4 lớp chuyên viên và 2 lớp chuyên viên chính. Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý: Bộ đã tổ chức 1 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng; phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức 1 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương. Bồi dưỡng về nghiệp vụ theo vị trí việc làm: Bộ đã tổ chức được 36 lớp bồi dưỡng về tiếng Anh, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, năng lực thực thi công vụ...
Bồi dưỡng công chức ở nước ngoài: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và yêu cầu về phát triển KH&CN, BDCC ở nước ngoài là hết sức cần thiết để trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý về KH&CN tiên tiến, hiện đại của những nước phát triển nhằm nâng cao hiệu quả quản lý về KH&CN của Việt Nam, thúc đẩy KH&CN phát triển theo trình độ của thế giới. Bộ KH&CN đã tích cực, chủ động khai thác các nguồn kinh phí để tổ chức các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài cho đội ngũ CC, cụ thể:
Giai đoạn 2016-2020: Về cử CC tham gia các khóa bồi dưỡng: 343 CC đã được Bộ cử tham gia các khóa bồi dưỡng tiếng Anh và chuyên môn, nghiệp vụ ngắn hạn, trung hạn ở nước ngoài theo Đề án 165, Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và khóa học do các đối tác khác tổ chức; về tổ chức khóa bồi dưỡng: theo phân cấp của Đề án 165, năm 2018 Bộ tổ chức 1 đoàn gồm 20 CC, VC (trong đó 12 CC, VC của Bộ và 8 CC, VC địa phương) đi bồi dưỡng tại Nhật Bản; năm 2019, tổ chức 1 đoàn gồm 21 CC, VC (14 CC, VC của Bộ và 7 CC, VC của địa phương) đi bồi dưỡng tại Đức.
Giai đoạn 2021-2023: Từ cuối năm 2021 đến nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và để phù hợp với thực tế, bên cạnh các khóa học trực tiếp, các nhà tài trợ cũng thay đổi, triển khai một số khóa học theo hình thức trực tuyến. Giai đoạn này, Bộ đã cử 63 CC tham gia các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài trong đó chủ yếu là các khóa bồi dưỡng dưới 1 tháng.
Kết quả biên soạn, ban hành và tổ chức giảng dạy các chương trình bồi dưỡng CC theo yêu cầu vị trí việc làm thuộc thẩm quyền quản lý: Bộ KH&CN đã tổ chức biên soạn, quyết định ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình bồi dưỡng kiến thức QLNN về KHCN&ĐMST theo Quyết định số 2964/QĐ-BKHCN ngày 19/11/2021 của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Chương trình nhằm trang bị cho người học các kiến thức cơ bản nhất của QLNN về KHCN&ĐMST. Thời gian bồi dưỡng là 1 tuần (5 ngày làm việc) với tổng thời lượng là 40 tiết.
Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tập huấn năm 2024.
Kết quả tổ chức đánh giá chất lượng bồi dưỡng công chức: Bộ KH&CN đã thực hiện nghiêm việc đánh giá chất lượng BDCC theo các quy định: Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng CB, CC, VC; Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về ĐT, BD CB, CC, VC được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ.
Theo đó, Học viện KHCN&ĐMST đã thực hiện đánh giá chất lượng bồi dưỡng CC, VC đối với các khóa học bảo đảm đúng quy định.
Đánh giá công tác bồi dưỡng công chức trong các tổ chức hành chính thuộc Bộ
Trên cơ sở kết quả hoạt động BDCC của Bộ KH&CN, công tác quản lý hoạt động BDCC thời gian qua có những ưu điểm và tồn tại, hạn chế cần khắc phục như sau:
Về ưu điểm, hoạt động bồi dưỡng CC của Bộ đã được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả, bám sát các định hướng của Đảng, quy định của Nhà nước; CC của Bộ đã được bồi dưỡng theo quy định về tiêu chuẩn ngạch CC, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; lý luận chính trị; quốc phòng và an ninh… Học viện KHCN&ĐMST, Bộ KH&CN luôn chú trọng việc xây dựng, ĐT, BD và sử dụng đội ngũ giảng viên bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ chuyên môn, khả năng sư phạm nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ ĐT, BD đội ngũ CB, CC, VC của Bộ nói riêng và ngành, lĩnh vực KH&CN nói chung.
Bên cạnh những ưu điểm, công tác BDCC của Bộ cũng còn tồn tại một số hạn chế như: nhận thức của một số lãnh đạo và CC trong đơn vị về công tác bồi dưỡng chưa sâu sắc, toàn diện; chưa thực sự coi đây là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thiếu các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu dành cho CC chuyên ngành KH&CN theo từng nhóm vị trí việc làm chuyên ngành; chất lượng một số chương trình bồi dưỡng còn có hạn chế: nặng về lý thuyết, ít thực hành các kỹ năng xử lý tình huống, đôi khi chưa bám sát thực tiễn...
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do lãnh đạo một số đơn vị chưa thật sự quan tâm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch và đề xuất nhu cầu bồi dưỡng của đơn vị; chưa gắn kết chặt chẽ công tác bồi dưỡng với quy hoạch và sử dụng CC; một số đơn vị chưa chủ động chuẩn bị nguồn CC để lựa chọn cử đi bồi dưỡng; thái độ tham gia học tập của một số CC còn chưa nghiêm, chưa xác định đúng mục tiêu bồi dưỡng; một số chương trình bồi dưỡng chưa kịp thời cập nhật, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, định hướng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua; đại dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn trong triển khai công tác BDCC của Bộ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng thực hiện công việc trong giai đoạn 2021-2023.
Giải pháp trong giai đoạn 2024-2030
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác BDCC của Bộ KH&CN, theo quy định hiện hành của pháp luật về BDCC, quan điểm của Bộ KH&CN về công tác BDCC, hệ thống giải pháp toàn diện để nâng cao hiệu quả công tác BDCC của Bộ KH&CN trong giai đoạn tới như sau:
Một là, tiếp tục tăng cường nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác BDCC. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cá nhân CC về vai trò, tầm quan trọng của công tác BDCC; tập trung nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng môi trường và văn hóa học tập tại cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện để CC chủ động chia sẻ, trao đổi kiến thức; tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để CC được tập trung học tập, bảo đảm chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng; khuyến khích CC tự học tập nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức.
Hai là, đổi mới trong đánh giá công tác BDCC. Theo đó, đánh giá không chỉ được thực hiện tại các cơ sở BDCC trong quá trình học và được đánh giá bởi người học, giảng viên hay cán bộ quản lý lớp học mà cần được thực hiện bởi cơ quan sử dụng CC.
Ba là, đổi mới, cập nhật, nâng cao chất lượng nội dung, chương trình, tài liệu, phương pháp BDCC. Theo đó, cần tiến hành rà soát để bổ sung, cập nhật hoặc biên soạn mới các chương trình, tài liệu BDCC theo vị trí việc làm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ KH&CN nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc quản lý nước về KH,CN&ĐMST trong giai đoạn tới. Trên cơ sở vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực, cần tiến hành khảo sát và phân tích nhu cầu bồi dưỡng của CC ở cả 3 cấp độ: tổ chức, nhiệm vụ và cá nhân; đổi mới phương pháp dạy và học trong BDCC theo hướng: giảng viên chỉ nên định hướng nội dung học tập, nêu các vấn đề, tình huống cần giải quyết và hướng dẫn, gợi mở để rèn luyện phương pháp, kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống gắn với thực tiễn công việc của học viên. Đồng thời, khóa học cần kết hợp tổ chức đi khảo sát thực tế, thực tập với thời gian thích hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong BDCC.
Bốn là, tiếp tục xây, dựng chuẩn hoá đội ngũ giảng viên, nhất là trong những lĩnh vực QLNN đặc thù của Bộ như năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ, sở hữu trí tuệ… từ nguồn lực của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Năm là, củng cố, kiện toàn các cơ sở bồi dưỡng; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở bồi dưỡng bằng việc tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị để phục vụ cho quá trình giảng dạy và học tập hiện đại. Đặc biệt, cần chú trọng vào việc cải thiện trang thiết bị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy và học tập...
Sáu là, tăng cường, huy động nguồn lực tài chính để thực hiện công tác BDCC. Theo đó, đề nghị Bộ Nội vụ bố trí tăng kinh phí từ nguồn sự nghiệp đào tạo để Bộ KH&CN triển khai được đầy đủ, hiệu quả hơn các nội dung, hình thức BDCC theo quy định; tìm kiếm các nguồn lực tài chính khác để thực hiện công tác BDCC. Ví dụ: Thông qua thu hút các nguồn tài trợ cho BDCC của Chính phủ các nước (Hoa Kỳ, Úc, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…), các cơ quan hợp tác quốc tế như tổ chức JICA của Nhật Bản, KOICA của Hàn Quốc…
Bảy là, tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm đa dạng hóa các hình thức hợp tác trong lĩnh vực ĐT, BD CC như: du học, du học tại chỗ, kết hợp ĐT, BD với học tập, nghiên cứu ở nước ngoài…; tăng cường hợp tác nghiên cứu, biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng phù hợp thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tăng cường đưa cán bộ quản lý ĐT, BD và giảng viên của cơ sở ĐT, BD của Bộ đi nghiên cứu, ĐT, BD ở nước ngoài.
*
* *
Với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng QLNN lĩnh vực KHCN&ĐMST, việc xây dựng đội ngũ CC chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực trong thực thi công vụ là một trong những mục tiêu vô cùng quan trọng của Bộ KH&CN. Bộ đã và đang từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BDCC để đáp ứng được yêu cầu công việc chuyên môn ngày càng cao