Thứ tư, 04/12/2024 19:22

Xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực tài sản số

Ngày 03/12/2024, Hội nghị Tác động công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024 - VTIS 2024) đã khai mạc tại Hà Nội. Với 4 chủ đề chính gồm trí tuệ nhân tạo (AI), fintech, blockchain và game. Hội nghị VTIS 2024 đã chia sẻ về các xu hướng, sức mạnh và tiềm năng công nghệ tương lai.

Việt Nam đang thiếu khung pháp lý cho lĩnh vực tài sản số

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn chia sẻ tại Hội nghị (ảnh: Quang Minh).

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chia sẻ đến sự phát triển vượt bậc của công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản số bao gồm: blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản, và các ứng dụng phi tập trung (DeFi).

Hiện nay, tài sản số không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu. Những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn xây dựng được vị thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, do thiếu khung pháp lý rõ ràng, lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức:

Thứ nhất, rủi ro cho người tham gia do thiếu quy định dẫn đến việc không thể bảo vệ người dùng trước những hoạt động lừa đảo hoặc thiếu minh bạch.

Thứ hai, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan.

Thứ ba, cơ hội đang dần mất đi, những nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng chọn quốc gia khác có môi trường pháp lý thuận lợi hơn.

Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Duy Hưng kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain và công nghệ số thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, tài trợ nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt để vừa bảo vệ người dùng, vừa không mất đi tính sáng tạo cốt lõi của tài sản số; đồng thời hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài sản số, tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để xây dựng khung pháp lý hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Cần xây dựng một khung pháp lý cân bằng

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT chia sẻ: Fintech không chỉ thay đổi cách chúng ta giao dịch mà còn tác động sâu sắc đến cách sống và kinh doanh. Hiện Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương lớn để thúc đẩy số hóa và phát triển lĩnh vực fintech, nhằm tạo nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại và hội nhập toàn cầu. Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là điểm nhấn quan trọng, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số với ba trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong bối cảnh các công nghệ mới nổi như fintech, AI và blockchain đang ngày càng chi phối nền kinh tế toàn cầu, việc xây dựng khung pháp lý cân bằng trở thành yêu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia.

Khung pháp lý không chỉ cần bảo vệ lợi ích của người dùng mà còn phải tạo điều kiện cho đổi mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Việt Nam với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, có thể học hỏi nhiều bài học từ các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này.

Hiện nay, các quốc gia như Singapore, Anh và Mỹ đã áp dụng nhiều cách tiếp cận tiên tiến để xây dựng khung pháp lý cho fintech, AI và blockchain.

Singapore: Quốc gia này nổi bật với cách tiếp cận linh hoạt thông qua cơ chế sandbox pháp lý, nơi các công ty khởi nghiệp công nghệ có thể thử nghiệm giải pháp của họ trong một môi trường được kiểm soát mà không chịu các ràng buộc pháp lý khắt khe. Điều này không chỉ thúc đẩy đổi mới mà còn cho phép cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về rủi ro và cách kiểm soát.

Anh: Hệ thống sandbox của Anh đã giúp hơn 700 startup fintech ra đời, đồng thời thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ các tập đoàn quốc tế nhờ chính sách rõ ràng và minh bạch.

Mỹ: Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và các cơ quan khác đã áp dụng phương pháp "có tính thích nghi", nơi quy định được điều chỉnh dựa trên sự phát triển của công nghệ.

Những bài học này chỉ ra rằng, một khung pháp lý thành công cần linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và an toàn cho người dùng.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững, khung pháp lý cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ và đóng góp vào sự ổn định lâu dài của ngành công nghệ. Một khung pháp lý cân bằng không chỉ bảo vệ người dùng mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững. Việt Nam, với vai trò là một trong những nền kinh tế công nghệ mới nổi, cần tận dụng bài học từ các quốc gia đi đầu, triển khai sandbox pháp lý hiệu quả và đưa ra các chính sách khuyến khích hợp lý. Đây chính là chìa khóa để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho đổi mới công nghệ và đầu tư trong tương lai.

Tại Hội nghị, các diễn giả cùng nhau trao đổi những câu chuyện về công nghệ, đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để mở cánh cổng bước vào thị trường công nghệ mới nổi, từ đó đặt ra những bài toán cần phải giải để hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược đề ra.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng mang đến góc nhìn sâu sắc về các xu hướng công nghệ tương lai, khám phá về sức mạnh và tiềm năng của mỗi lĩnh vực. Hàng loạt các chủ đề được đưa ra thảo luận dựa trên 4 nhóm chủ đề chính như: “AI sáng tạo - tác động kinh doanh và tiềm năng tương lai”, “Ranh giới pháp lý của tài sản số: Lợi ích, thách thức và kinh nghiệm toàn cầu”, “Blockchain và các ứng dụng”, “Tương lai của Fintech trong 5-10 năm tới”, “Quỹ đầu tư trong giai đoạn Web2 và Web3”… hứa hẹn sẽ mang đến rất nhiều thông tin hữu ích và giá trị.

PT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)