Thứ năm, 12/09/2024 16:00

Góp phần tìm hiểu một số nội dung cơ bản về khát vọng phát triển đất nước trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Quang Bình1, ThS Lê Thế Hùng1, ThS Ngô Văn Thành2

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Học viện Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng

Bài viết tập trung làm rõ khát vọng phát triển đất nước trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khát vọng phát triển đất nước chính là tinh thần xuyên suốt được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong Di chúc với một tư duy sáng tạo và một kế hoạch hành động cụ thể. Đó là khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.

55 năm về trước, ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn đối với đồng bào và chiến sỹ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Trước lúc ra đi, Bác để lại bản Di chúc thiêng liêng, kết tinh trong đó những điều cốt lõi nhất về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Với tổng số 1431 chữ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đơn giản chỉ là “mấy lời để lại”, “tóm tắt vài việc”, nhưng Di chúc đã đề cập một cách cơ bản, toàn diện những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa sống còn nhất của Đảng, của đất nước và của dân tộc ta. Đặc biệt, trong đó, khát vọng phát triển đất nước chính là tinh thần xuyên suốt, được Người đề cập với một tư duy sáng tạo và một kế hoạch hành động cụ thể.

Khát vọng, về nội hàm, trước hết là yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn tâm sức, trí tuệ để đạt được mục tiêu; là nguồn động lực có sức mạnh to lớn để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, nhằm hiện thực hóa ước mơ, không khuất phục trước khó khăn, thử thách. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có “một ham muốn, ham muốn tột bậc, đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”1. Ham muốn đó chính là khát vọng, đồng thời là động lực mạnh mẽ thúc đẩy Người vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và hiểm nguy trong hơn 30 năm tìm đường cứu nước, giữ vững ý chí và mục tiêu phấn đấu cho độc lập, tự do của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Có thể khẳng định, khát vọng Hồ Chí Minh là “Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu”2 luôn mãnh liệt và trở thành định hướng quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trong Di chúc, Người đã đề cập đến khát vọng phát triển đất nước, là mong muốn, khao khát, quyết tâm có nội hàm rộng lớn, có thể khái quát trên ba nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, khát vọng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Di chúc khẳng định ý chí quật cường, khát vọng mãnh liệt của nhân dân ta cả ở hai miền Nam, Bắc, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể còn lan rộng và ngày càng ác liệt hơn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong tương lai, ở vào thời khắc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy cam go, Hồ Chí Minh không chỉ lường trước những khó khăn, thách thức của cách mạng Việt Nam, mà còn dự cảm trước những phức tạp, đầy gian nan của đất nước thời hậu chiến: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”3. Đồng thời, Người cũng hoạch định một kế hoạch - một cương lĩnh hành động để xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai, dù biết rằng “cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”3. Quân và dân miền Nam đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng đã thắng lợi vẻ vang, thực hiện mục tiêu quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”3. Thậm chí, trong Di chúc, người nhắc đến từng số phận, từng con người, từng hoàn cảnh.

Thứ hai, khát vọng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Di chúc khẳng định một chân lý nổi tiếng, một quyết tâm cháy bỏng - xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. “Hoài bão lớn nhất của Hồ Chủ tịch là Tổ quốc được giải phóng, nhân dân được hạnh phúc!”3 - Quyết tâm cao cả ấy có sức lan tỏa rất xa và có sức mạnh tập hợp đoàn kết rất mạnh mẽ, đồng thời, khẳng định một niềm tin to lớn vào ngày mai. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, quyết tâm ấy phải được cụ thể hóa thành hành động: “Còn non, còn nước, còn người/thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”3, bởi “nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”3. Sự “chu đáo”, “chủ động” ở đây, theo Người là phải chuẩn bị “xây dựng” lại lực lượng lãnh đạo cách mạng; phải có chiến lược xây dựng đội ngũ kế cận; phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, để củng cố và nhân nguồn sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân - nhân tố quan trọng, đảm bảo cho cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, theo Hồ Chí Minh, khát vọng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn không tách rời với việc hết lòng góp sức vào việc khôi phục và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và giữa các Đảng anh em; ra sức ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, khát vọng nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Có thể nói, toàn bộ từng câu, từng chữ trong Di chúc của Bác đều thấm đẫm tinh thần vì nhân dân. Cả cuộc đời vì nước, vì dân, vì vậy trong bản Di chúc, đã trực tiếp hay gián tiếp nói đến nhân dân thì tư tưởng, phong cách vì dân vẫn thể hiện rất rõ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”3. Ngắn gọn nhưng súc tích, nội dung này bao hàm một kế hoạch xây dựng đất nước tổng thể, “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp” trên nhiều lĩnh vực, không ngoài mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”3. Di chúc là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về chăm lo chu đáo tới cuộc sống con người, tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước. Ngay cả “về việc riêng”, Người cũng nghĩ đến dân, lo cho dân, nhớ về dân: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”3. Theo Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.

Trải qua gần 25 năm đầu thế kỷ XXI, 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khát vọng phát triển đất nước trong Di chúc của Người vẫn còn nguyên giá trị thời đại, để Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Hiện nay, trên thế giới, tình hình diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn”4. Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; bước đầu vượt lên, kiềm chế đại dịch COVID-19, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì tăng trưởng kinh tế. Kết quả của 35 năm đổi mới, “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử,... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”4. Tuy nhiên, “Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới”5. Trong khi đó, “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn”5. Do đó, đất nước cần có sự phát triển bứt phá hơn nữa, nhằm tiếp tục khẳng định xu thế vận động phát triển của đất nước: “- Đến năm 2025... là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; - Đến năm 2030... là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; - Đến năm 2045... trở thành nước phát triển, thu nhập cao”5.

Thế giới, thời đại đang có những đổi thay mạnh mẽ, song khát vọng phát triển đất nước trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn. Di chúc của Người toả sáng giá trị dân tộc và thời đại, thấm đậm văn hóa và nhân văn Hồ Chí Minh, mãi mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc, đã, đang và sẽ tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng to lớn cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thấm nhuần tư tưởng và mong muốn của Người, đòi hỏi phải có tầm nhìn rộng mở, có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phát huy sức mạnh dân tộc với thời đại, nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Người.

 

1Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tập 4, tr.161-162.

2Bùi Đình Phong (2021), Khát vọng Hồ Chí Minh: Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.1.

3Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tập 15, tr.621-624, 627.

 

4Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.34.

5Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, tập 1, tr.107-108.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)