Cơ hội chiếm lĩnh thị trường 1/4 dân số thế giới
Halal có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập, có nghĩa là “hợp pháp” và các sản phẩm Halal chính là sản phẩm phù hợp quy định của pháp luật Hồi giáo. Đối với người Hồi giáo, sản phẩm Halal không chỉ là lựa chọn ưu tiên mà còn là quy định bắt buộc của tôn giáo (người Hồi giáo chỉ tiêu dùng các sản phẩm Halal).
Người Hồi giáo hiện chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới, với hơn 1,9 tỷ người. Khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương là nơi tập trung người Hồi giáo lớn nhất, với 860 triệu người (chiếm khoảng 43,5%). Đây cũng là nơi tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), người Hồi giáo đã chi 2.000 tỷ USD cho việc mua sắm thực phẩm, quần áo, du lịch, dược phẩm và phong cách sống trong năm 2023. Dự kiến vào năm 2025, chi tiêu của người Hồi giáo sẽ đạt 2.800 tỷ USD, riêng thị trường thực phẩm Halal Đông Nam Á ước đạt 230 tỷ USD.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal do vị trí địa lý thuận lợi, có thế mạnh trong phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, đặc biệt là đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… Có thể khẳng định, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu là rất lớn.
Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp được cấp chứng nhận Halal và cung cấp sản phẩm sang các nước hồi giáo. Đặc biệt, đã có 10 tỉnh/thành phố có nhiều doanh nghiệp đạt chứng nhận Halal là: Cần Thơ, Hà Nội, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Phú Thọ, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Kiên Giang. Các lĩnh vực có doanh nghiệp đạt chứng nhận Halal nhiều nhất là: thủy - hải sản, thực phẩm, đồ uống, rau củ quả (tươi/sấy)… Tuy nhiên, việc xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế.
Sự cần thiết của tổ chức chứng nhận Halal cấp quốc gia
Do đặc thù tôn giáo, địa chính trị, nên hiện nay các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, dịch vụ Halal không có sự thống nhất trong khu vực cũng như quốc tế. Thực tế cho thấy, mỗi quốc gia lại có yêu cầu riêng về tiêu chuẩn Halal đối với hàng nhập khẩu. Vì vậy, năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Halal trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn Halal của tổ chức quốc tế hàng đầu và các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như Ả Rập Xê Út, Malaysia, Indonesia, Phillipines… Bộ TCVN về Halal của Việt Nam gồm: TCVN 12944:2020 Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung; TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi Halal; TCVN 13710:2023 Thực phẩm Halal - Yêu cầu đối với giết mổ động vật; TCVN 13888:2023 Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ Halal. Bộ TCVN này là công cụ kỹ thuật quan trọng, giúp các doanh nghiệp trong nước hiểu, áp dụng đúng đắn vào sản xuất kinh doanh của mình để việc chứng nhận sản phẩm Halal được thuận lợi.
Đối với hoạt động chứng nhận, hiện nay tại Việt Nam chỉ có 1 tổ chức chứng nhận Halal đã thực hiện đăng ký hoạt động chứng nhận Halal theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Tuy nhiên, tổ chức này là doanh nghiệp nên kết quả chứng nhận chỉ được một số nước Hồi giáo thừa nhận trong khi nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm hàng hóa Halal sang thị trường các nước Hồi giáo ngày càng tăng. Một số doanh nghiệp trong nước phải thực hiện chứng nhận tại các tổ chức chứng nhận Halal ở nước ngoài, thậm chí cùng một sản phẩm phải thực hiện chứng nhận ở nhiều quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, một số tổ chức/doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đánh giá, chứng nhận Halal, nhưng chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Việt Nam và theo đúng yêu cầu đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp sản phẩm, dịch vụ Halal của quốc tế, gây ảnh hưởng tới uy tín của chứng nhận Halal tại Việt Nam.
Mỗi quốc gia, khu vực hồi giáo có những yêu cầu khác nhau về sản phẩm, dịch vụ Halal, do đó việc nắm bắt các yêu cầu của từng nước nhập khẩu về tiêu chuẩn Halal của sản phẩm, dịch vụ là vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm, để xác định chính xác ngay từ đầu, giúp thuận tiện cho quá trình áp dụng và có được chứng nhận Halal. Hiện nay tại Việt Nam, thông tin về vấn đề này còn ít, dẫn đến tâm lý e ngại từ cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đề án thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia đã được Bộ Khoa học và Công nghệ dự thảo năm 2023 và tổ chức lấy ý kiến của các bộ/ngành liên quan để tổng hợp và báo cáo Chính Phủ. Được sự ủy quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (nay là Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TĐC ngày 29/03/2024 thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia. Đến thời điểm hiện nay, Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia đang xây dựng và hoàn thiện năng lực theo yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN 13888:2023 Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ Halal. Theo đó, hoạt động đánh giá chứng nhận sản phẩm, dịch vụ Halal dựa trên nguyên tắc đánh giá theo yêu cầu tiêu chuẩn ISO 17065 - Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ; tiêu chuẩn ISO 17021 - Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý. Tuy nhiên, việc chứng nhận phải đáp ứng thêm những yêu cầu đặc thù của Halal theo Luật Hồi giáo và các yêu cầu liên quan khác (toàn bộ quá trình đánh giá và cấp giấy chứng nhận được thực hiện bởi người theo đạo ISLAM và phải được đào tạo về Luật Hồi giáo).
Lễ Khai trương Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia.
Có thể khẳng định, việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia hoạt động theo đúng quy định của Việt Nam và quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi (thời gian, chi phí) cho các tổ chức/doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa vào thị trường các nước Hồi giáo. Đặc biệt, việc thành lập Trung tâm sẽ góp phần phát triển hoạt động chứng nhận sản phẩm, dịch vụ Halal tại thị trường Việt Nam; xây dựng các chương trình chứng nhận đáp ứng yêu cầu của các thị trường mục tiêu như Trung Đông, vùng Vịnh (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ…) và các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, sự ra đời của Trung tâm sẽ thúc đẩy, nâng cao kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm Halal. Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh việc được chứng nhận sản phẩm, dịch vụ Halal thì còn có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng nhiều giải pháp tổng thể liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, tư vấn, đào tạo, hỗ trợ hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại và hợp tác quốc tế đối với các hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ Halal do các đơn vị thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thực hiện.