Thứ tư, 11/09/2024 15:48

Ứng dụng công nghệ là cách hiệu quả nhất để doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Bên cạnh các yếu tố như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực tài chính… thì việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là hành động thiết thực nhất của doanh nghiệp để chuyển đổi xanh cho mục tiêu Net Zero. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo “Doanh nghiệp hành động chuyển đổi xanh cho mục tiêu Net Zero” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 10/09/2024 tại Hà Nội.

Hướng tới mục tiêu Net Zero

Ông Nirukt Sapru - Chủ tịch Jardine Matheson Group Việt Nam cho rằng, giảm phát thải khí nhà kính là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng, chuyển đổi mô hình sản xuất thì việc đầu tư đổi mới công nghệ chính là yếu tố then chốt, quyết định năng suất, chất lượng, sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp. Đây cũng chính là cách để doanh nghiệp chuyển đổi xanh hiệu quả nhất nhằm tiến tới Net Zero vào năm 2050.

Ông Nirukt Sapru - Chủ tịch Jardine Matheson Group Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Vương quốc Anh vào năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu và cam kết đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero) vào năm 2050. Cam kết này khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong mục tiêu sản xuất ít phát thải khí nhà kính cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Triển khai cam kết nêu trên, tháng 12/2021, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết và tham gia cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đã và đang quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh - số và tuần hoàn.

Tiếp đó tại Hội nghị COP28 (ngày 01/12/2023 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi công bằng giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế. Với 12 hành động cụ thể, trong đó có việc xây dựng chiến lược, quy hoạch theo hướng xanh, giảm phát thải; phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo;… có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp

Ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc Điều hành sản xuất, Trưởng Dự án Net Zero Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, là doanh nghiệp sữa đầu tiên của Việt Nam tham gia sáng kiến toàn cầu của ngành sữa về Net Zero, Vinamilk khẳng định, phát triển bền vững là yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với ý thức, bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào cũng sẽ có những tác động nhất định đến môi trường. Do đó, nhiều năm qua, Vinamilk đã luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc Điều hành sản xuất, Trưởng Dự án Net Zero Công ty Cổ phần sữa Việt Nam chia sẻ giải pháp nhằm đạt mục tiêu Net Zero.

Tại Vinamilk, nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero, Công ty đã tiến hành các giải pháp cụ thể như:

Một là, cắt giảm: tại Vinamilk, việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến “không có gì bị loại bỏ” đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ góp phần “cắt giảm” phát thải. Theo Vinamilk, kinh tế tuần hoàn được hiểu là vòng quay để “đầu ra” của quá trình này có thể là “đầu vào” của quá trình khác, giúp giảm khai thác tài nguyên, chi phí xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường. Vinamilk triển khai các phần mềm giám sát năng lượng để phân tích tối ưu hóa nhu cầu tiêu thụ, giảm tổn thất. Từ năm 2013 đến nay, 100% các nhà máy của Vinamilk đã áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001; 100% nhà máy được kiểm kê khí nhà kính theo chuẩn ISO 14064, 100% nhà máy ứng dụng năng lượng xanh…

Hai là, chuyển đổi: việc chuyển đổi quá trình sản xuất sang việc nghiên cứu và ứng dụng nhiều thành tựu của công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo... đã giúp Vinamilk nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh đó, việc phát huy sáng kiến, cải tiến công nghệ - kỹ thuật cũng giúp Vinamilk tiết kiệm được rất nhiều năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Điển hình như sáng kiến lắp đặt hệ thống thu hồi nước rửa ngược lọc để tái sử dụng và giảm tải xử lý nước thải đã giúp tiết kiệm 235.761 kWh điện, 48.180 m3 trong năm 2023 hay sáng kiến lắp đặt thêm cảm biến phát hiện sản phẩm và van tự động đóng mở đường thổi khí nén. Khi cảm biến phát hiện có sản phẩm, van tự động sẽ mở cho đường khí nén thổi khô bề mặt trước khi dán ống hút...

Ba là, hấp thụ: để giảm phát thải, Vinamilk đã tiến hành trồng nhiều cây xanh nhằm bù lại lượng khí thải do quá trình sản xuất thải ra. Đặc biệt, Vinamilk đã chuyển đổi 87% năng lượng xanh thay thế cho năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh... Với những giải pháp nêu trên, Vinamilk cam kết sẽ giảm 15% khí nhà kính phát thải vào 2027, 55% vào năm 2030 và đạt mục tiêu Net Zero vào 2050.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai hoạt động nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Trưởng bộ phận Phát triển bền vững (Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam) cho biết, Net Zero là 1 trong 3 trụ cột trong lộ trình chung tay cùng Chính phủ Việt Nam hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đặc biệt, tại Việt Nam, Heineken đặt tham vọng đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2030 trong lĩnh vực sản xuất. Hiện tại, các nhà máy bia của Heineken tại Việt Nam đang sử dụng năng lượng tái tạo sinh khối từ các phế/phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, mùn cưa, gỗ dăm... để sản xuất.

Bên cạnh đó, để tiến tới mục tiêu không rác thải cần phải chôn lấp, Heineken đã tái sử dụng hoặc tái chế gần như toàn bộ (khoảng 99%) phế thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất. Điển hình như bã hèm và men bia thừa đều được tái sử dụng làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi. Các nguyên/vật liệu khác như thủy tinh, bìa các tông, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế lại phục vụ mục đích khác của Công ty.

Phong Vũ

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)