Thứ tư, 11/09/2024 16:03

Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin - kiến tạo chuyển đổi

Đây là chủ đề của Diễn đàn doan nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 10/09/2024 tại Hà Nội. Diễn đàn diễn ra trong điều kiện và bối cảnh đặc biệt khi nhiều tỉnh/thành phố ở miền Bắc đã cảm nhận rõ giá trị của phát triển bền vững khi phải hứng chịu cơn bão số 3 (Yagi) - một trong những cơn bão mạnh nhất trong 3 thập kỷ gần đây. Để phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 rất cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó tiên phong là lực lượng các doanh nghiệp.

Biến đổi khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững

Theo Wikipedia, biến đổi khí hậu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu, bao gồm: bầu khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển, băng quyển… ở hiện tại và cả tương lai do các nguyên nhân xuất phát từ tự nhiên hoặc nhân tạo trong một khoảng thời gian nhất định (hàng thập kỷ, thế kỷ, thậm chí hàng triệu năm). Biến đổi khí hậu có thể chỉ giới hạn trong một vùng nhất định hoặc có thể xuất hiện trên toàn cầu. Những năm gần đây, với sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, nhu cầu công nghiệp hóa và tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng đã làm thay đổi bầu khí quyển, dẫn đến hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sở dĩ trái đất ngày càng có nhiều bão và các cơn siêu bão xuất hiện ngày càng dày và bất thường hơn là do sự nóng lên của Trái đất nói chung và sự nóng lên của đại dương nói riêng. Ông António Guterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã từng cảnh báo rằng, nhiệt độ nước biển ở khu vực Thái Bình Dương đang tăng nhanh gấp 3 lần so với mức tăng trung bình của toàn cầu.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho rằng, cơn bão số 3 mà chúng ta đã và đang phải gồng mình gánh chịu là minh chứng cho thấy sự nóng lên của trái đất đã trở thành hiện hữu. Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây ra những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan và khó lường hơn.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết thực hiện và thông qua tại Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc (ngày 25-27/09/2015 tại New York, Mỹ), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tham luận tại Diễn đàn.

Đặc biệt, ngày 25/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững với 17 mục tiêu cụ thể gồm: (i) Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; (ii) Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; (iii) Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; (iv) Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; (v) Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; (vi) Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; (vii) Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người; (viii) Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; (ix) Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; (x) Giảm bất bình đẳng trong xã hội; (xi) Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng; (xii) Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; (xiii) Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; (xiv) Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững; (xv) Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất; (xvi) Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp; (xvii) Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, Diễn đàn doan nghiệp phát triển bền vững Việt Nam là sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2011. Đây là Diễn đàn để cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, đối thoại, chia sẻ giải pháp, sáng kiến và mở ra cơ hội hợp tác nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Tại Diễn đàn, nhiều vấn đề hướng tới sự phát triển bền vững cũng đã được các doanh nghiệp và cùng nhau thảo luận gồm: Xây dựng ngành nông nghiệp phát thải thấp hướng tới mục tiêu Net Zero 2050: Từ chiến lược đến hành động; Kiến tạo chuyển đổi đồng bộ vì một tương lai xanh và bao trùm: Vai trò của doanh nghiệp; Giải quyết điểm nghẽn của quá trình chuyển đổi xanh: Đưa bền vững thành động lực tạo ra giá trị; Đẩy mạnh yếu tố đa dạng, bao trùm và tăng cường sự tham gia của nữ lãnh đạo doanh nghiệp trên hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero 2050…

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, là quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam đã đưa ra cam kết và tích cực chủ động, nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính - tác nhân chính của sự nóng lên toàn cầu. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm hoàn thiện các mục tiêu nêu trên. Đặc biệt, để ứng phó trước những diễn biến bất thường, Việt Nam đã xác định ưu tiên áp dụng mô hình phát triển bền vững dựa trên xây dựng 2 lộ trình đồng thời, gồm: Một là, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng chống chịu; Hai là, giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử carbon trong quá trình tăng trưởng bằng cách cắt giảm theo lộ trình phù hợp lượng phát thải và hướng nền kinh tế theo hướng giảm dần tiêu thụ các nguồn năng lượng thâm dụng carbon, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Đồng tình với quan điểm trên và bổ sung thêm cho sự chung tay của các doanh nghiệp vào sự phát triển bền vững, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho rằng, Net Zero là một mục tiêu rất cấp bách, cần sự chung tay thúc đẩy chuyển đổi đồng bộ của toàn xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ là nhân tố đóng góp vào sự thành công của các mục tiêu phát triển bền vững mà còn là người thụ hưởng thành quả từ chính sự phát triển bền vững do mình tạo dựng. Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, xây dựng và phát triển bền vững thông qua việc tích hợp mô hình bộ tiêu chuẩn đo lường phát triển bền vững, áp dụng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Phong Vũ

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)