Thứ hai, 19/08/2024 17:07

Lo âu và trầm cảm có thể dẫn đến tình trạng cục máu đông

Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra mối liên hệ giữa tình trạng lo âu, trầm cảm và nguy cơ cao mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Đây là kết quả của một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Huyết học Hoa Kỳ (American Journal of Hematology).

Chứng lo âu và trầm cảm là 2 rối loạn tâm lý phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của con người.

Những người bị mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm có thể đối mặt với nguy cơ cao hơn về việc hình thành các cục máu đông nguy hiểm (được gọi là DVT). DVT xảy ra khi cục máu đông hình thành trong một tĩnh mạch sâu, thường ở chân. Cục máu đông này có thể gây hại bằng cách làm hạn chế dòng máu đến khu vực bị ảnh hưởng và tăng áp lực trong tĩnh mạch. Nguy hiểm hơn là khi cục máu đông này vỡ ra, di chuyển đến phổi, có thể gây tắc nghẽn dòng máu, dẫn đến khó thở, đau ngực và thậm chí tử vong.

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã khám phá ra mối liên hệ giữa sức khỏe tâm lý và nguy cơ mắc DVT. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu vẫn còn mâu thuẫn và các yếu tố khác như việc sử dụng thuốc và tiền sử cao huyết áp của người tham gia đã gây khó khăn trong việc xác định chính xác mối liên hệ này. Mới đây, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Huyết học Hoa Kỳ vào ngày 04/07/2024 không chỉ xem xét mức độ mà chứng lo âu hay trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ mắc DVT, mà còn tìm hiểu lý do tại sao lại dẫn đến tình trạng này.

Nhóm nghiên cứu đã tìm ra mối liên kết giữa chứng lo âu, trầm cảm với tình trạng hình thành cục máu đông.

Bác sỹ Rachel Rosovsky - Giám đốc Nghiên cứu về huyết khối tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Hoa Kỳ) và là tác giả chính của nghiên cứu  cho biết, xuất phát điểm của nghiên cứu là từ chính bệnh nhân mà vị bác sỹ này gặp phải. Khi nhận thấy mối liên hệ giữa lo âu, trầm cảm kéo dài và tình trạng cục máu đông, bà bắt đầu nghĩ về việc liệu những tình trạng này có ảnh hưởng đến nguy cơ hình thành cục máu đông hay không?

Để tìm hiểu sâu hơn, nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của gần 119.000 người. Dữ liệu này bao gồm các đo lường về hoạt động não liên quan đến căng thẳng được thực hiện qua phương pháp chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) - giúp tiết lộ mức độ hoạt động và tiêu thụ năng lượng của các phần khác nhau trong não. Các nhà nghiên cứu đã so sánh hoạt động của amygdala - một khu vực trong não có nhiệm vụ xử lý và phản ứng với các mối đe dọa tiềm tàng với hoạt động của vỏ não trước trán ventromedial (phần giúp điều chỉnh amygdala và kiểm soát phản ứng cảm xúc). Nhờ đó, họ đã có cái nhìn tổng quan về hoạt động thần kinh liên quan đến căng thẳng (SNA). Dữ liệu cũng bao gồm các chỉ số về protein phản ứng C có độ nhạy cao (một dấu hiệu của viêm) và độ biến thiên nhịp tim (HRV - một chỉ số về khả năng thích ứng của cơ thể). Độ biến thiên nhịp tim càng cao, cơ thể càng có khả năng đối phó tốt hơn với căng thẳng.

Trong nghiên cứu, khoảng 106.450 người được chẩn đoán mắc chứng lo âu và 108.790 người bị trầm cảm; nhiều người trong số này mắc cả hai tình trạng. Sau thời gian theo dõi trung bình 3,6 năm, khoảng 1.780 người trong số những người tham gia đã mắc DVT. Những người có tiền sử mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm lần lượt có nguy cơ mắc DVT cao hơn (53 và 48%) so với những người không có tiền sử bệnh này. Xu hướng tương tự cũng được quan sát ở những người mắc cả hai tình trạng.

Ngoài ra, trong số 1.520 người được chụp PET, những người mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm có mức SNA cao hơn so với những người không mắc các tình trạng này. Những người có mức SNA cao có nguy cơ mắc DVT cao hơn 30% so với những người bình thường. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chứng lo âu và trầm cảm có liên quan chặt chẽ đến việc tăng SNA.

Khi nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học phát hiện ra SNA tăng cao có liên quan đến việc tăng hoạt động bạch cầu, tức là sản sinh tế bào bạch cầu - một yếu tố thúc đẩy quá trình viêm nhiễm. Quá trình viêm nhiễm này đã được chứng minh là có thể “thúc đẩy hình thành cục máu đông qua nhiều cơ chế khác nhau”. Ba cơ chế chính liên kết chứng lo âu và trầm cảm với DVT là SNA cao, viêm nhiễm tăng cao và giảm độ biến thiên nhịp tim. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng căng thẳng càng cao, nguy cơ mắc DVT càng lớn.

Giáo sư Kamran Mirza - nhà huyết học bệnh lý tại Đại học Michigan (Hoa Kỳ) cho biết, nghiên cứu này rất thú vị và cho thấy cách SNA ảnh hưởng đến việc sản sinh máu trong cơ thể. Nó cũng tiết lộ một mối liên kết tiềm năng giữa sức khỏe tâm lý và nguy cơ tăng cục máu đông, điều này cần được nghiên cứu thêm.

Nhóm nghiên cứu đã có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu xem liệu việc điều trị lo âu hoặc trầm cảm có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc DVT hay không, và liệu giảm SNA có thể làm giảm nguy cơ hay không.

Bác sỹ Rachel Rosovsky kết luận, nếu bạn bị mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm, hãy lưu ý rằng đó có thể là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn cho cục máu đông được hình thành, nhưng cũng hãy cân nhắc xem bạn có các yếu tố nguy cơ khác và cần tìm hiểu cách để giảm thiểu chúng.

Xuân Bình (lược dịch theo Live Science)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)