Thứ tư, 23/07/2025 15:29

Tim được hồi sinh ngoài cơ thể - Kỹ thuật mới mở ra nguồn hiến tạng tiềm năng

Các phương pháp hiện nay để hồi phục tim phục vụ cấy ghép thường tốn kém hoặc gây tranh cãi về mặt đạo đức. Mới đây, các bác sỹ phẫu thuật đã phát triển hai kỹ thuật chi phí thấp nhằm hồi sinh trái tim của những người hiến tạng sau khi qua đời. Dù mới chỉ được thử nghiệm trên một số ít trường hợp, các phương pháp này tránh được những vấn đề đạo đức vốn tồn tại trong các kỹ thuật ghép tạng hiện nay.

Các phương pháp mới để hồi sinh và bảo quản tim hiến tặng có thể giúp tăng số lượng nội tạng sẵn có cho cấy ghép (nguồn: Lennart Nilsson, TT/Science Photo Library).

Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 500 trẻ em được ghép tim, nhưng nhiều em nhỏ khác không may qua đời trong khi vẫn còn chờ đợi nguồn tạng phù hợp. Trong một ca điển hình mới đây, các bác sỹ đã lấy tim từ một em nhỏ đã được xác nhận tử vong, khởi động lại trái tim này bên ngoài cơ thể và sau đó cấy ghép cho một bệnh nhi khác. Kỹ thuật này được công bố ngày 17/07/2025 trên Tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM), có thể làm tăng số lượng tim sẵn có cho việc hiến tạng, đặc biệt là ở trẻ em.

Trong kỹ thuật thứ hai, được công bố cùng ngày trên Tạp chí NEJM, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc bảo quản lạnh tim của người trưởng thành ngay bên trong cơ thể người hiến, sau đó tiến hành cấy ghép thành công. Các bác sỹ phẫu thuật tham gia nghiên cứu cho biết quy trình này cũng có thể áp dụng cho trẻ em.

Những thách thức hiện tại

Phần lớn tim hiến tặng hiện nay đến từ những người đã được xác nhận chết não nhưng tim vẫn còn đập. Tuy nhiên, số lượng trường hợp như vậy không đủ để đáp ứng nhu cầu cấy ghép tim ngày càng tăng. Trong một số trường hợp, tim có thể được lấy từ người hiến đã được xác định là tử vong sau khi tim ngừng đập ít nhất 5 phút - chẳng hạn khi gia đình quyết định ngừng hỗ trợ sự sống cho người thân.

Để những quả tim này có thể sử dụng cho cấy ghép, các bác sỹ phẫu thuật thường phải lựa chọn giữa hai phương án: hoặc lấy tim ra khỏi cơ thể rồi khởi động lại bằng máy móc, hoặc kích hoạt tim đập trở lại ngay trong cơ thể người hiến. Tuy nhiên, phương án đầu tiên rất tốn kém và không thể áp dụng với người hiến có trọng lượng dưới 40 kg - loại trừ trẻ sơ sinh và hầu hết trẻ em. Phương án thứ hai lại ít được sử dụng do vấp phải các vấn đề đạo đức.

Một trong những lo ngại lớn về mặt đạo đức là việc khiến tim đập trở lại khi vẫn còn trong cơ thể có thể đòi hỏi phải thay đổi nguyên nhân tử vong được ghi nhận, từ “chết tuần hoàn” sang “chết não”. Ngoài ra, lý thuyết cho thấy quy trình này có thể khôi phục lưu lượng máu lên não, dù trên thực tế, các bác sỹ sử dụng kẹp mạch để ngăn điều đó xảy ra.

Hồi sinh những trái tim bé nhỏ

Nhằm tránh các vấn đề đạo đức tiềm ẩn, bác sỹ Joseph Turek - chuyên gia phẫu thuật tim nhi tại Đại học Duke (Durham, Hoa Kỳ) - cùng các cộng sự đã phát triển một hệ thống hồi sinh tim trẻ em ngoài cơ thể. Phương pháp này bơm máu giàu ôxy vào tim thông qua một ống nối với động mạch chủ, sau đó máu được dẫn ra khỏi tim qua một van ở tâm thất trái, thu vào túi để tái ôxy hóa rồi tiếp tục bơm trở lại tim.

Trước khi thử nghiệm trên người, nhóm nghiên cứu đã tiến hành quy trình này trên lợn con 12 tuần tuổi. Trong ca lâm sàng đầu tiên hồi đầu năm 2025, các bác sỹ lấy tim từ một bé sơ sinh một tháng tuổi đã tử vong, hồi sinh trái tim này ngoài cơ thể rồi ghép thành công cho một bé ba tháng tuổi. Ba tháng sau, theo báo cáo đăng trên NEJM, trái tim được ghép vẫn hoạt động bình thường, không có dấu hiệu bị thải ghép. Bác sỹ Joseph Turek cho biết, quy trình này có thể giúp tăng thêm khoảng 100 ca ghép tim nhi mỗi năm tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, đây còn là phương án tiết kiệm hơn so với các kỹ thuật hồi sinh tim người lớn ngoài cơ thể, vốn cần thiết bị trị giá hàng chục nghìn USD.

Trạng thái “nghỉ ngơi” của tim

Bác sỹ Trahanas là thành viên nhóm nghiên cứu đã phát triển kỹ thuật thứ hai. Quy trình này bắt đầu bằng cách kẹp động mạch chủ của người hiến đã qua đời, sau đó bơm vào tim một dung dịch mát, giàu ôxy nhằm giữ cho tim ở trạng thái “nghỉ ngơi”, không bị hồi sinh. Dung dịch này gồm hỗn hợp tế bào hồng cầu, dung dịch bảo vệ, chất điện giải và vitamin tổng hợp. Sau đó, tim được phẫu thuật lấy ra và tiến hành cấy ghép.

Quy trình đã thành công trên 3 người trưởng thành đầu tiên được cấy ghép. Những bệnh nhân này (độ tuổi 40-60) vẫn duy trì chức năng tim bình thường và không có dấu hiệu thải ghép trong suốt 6 tháng sau phẫu thuật. Bác sỹ Trahanas cho biết, đến nay nhóm nghiên cứu đã thực hiện kỹ thuật này trên 20 người, tất cả đều cho kết quả khả quan.

BL (theo Nature)

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)