Thứ ba, 16/07/2024 11:23

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/07/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương (Nghị quyết 108). Nghị quyết đã nhận định về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm tháng 7, quý III và 6 tháng cuối năm 2024.

Tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh

Nghị quyết 108 khẳng định, tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, tăng 6,93% so với cùng kỳ, tính chung 6 tháng tăng 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (tăng 3,84%), vượt cận trên kịch bản đề ra; trong đó, một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số như: Bắc Giang (14,14%), Khánh Hòa (12,73%), Thanh Hóa (11,5%), Hà Nam (10,35%), Hải Phòng (10,32%)…

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 06 tháng tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6%; an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ trong khi ban hành nhiều giải pháp chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp với quy mô khoảng 160,5 nghìn tỷ đồng; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt trong chỉ tiêu Quốc hội giao.

Giá trị xuất siêu đạt 11,63 tỷ USD 6 tháng đầu năm 2024.

Vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 7,5% so với cùng kỳ, tính chung 06 tháng tăng 6,8%. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 29,39% kế hoạch được giao. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng tăng 15,7%; xuất siêu 11,63 tỷ USD. Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ; công tác quản lý thị trường vàng, xăng dầu, điện... chuyển biến tích cực.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều tăng trưởng tốt. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng tăng 7,54% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 8,67%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 54,7 điểm, cao nhất từ năm 2020 đến nay. Nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 06 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi mạnh; 6 tháng đạt 8,8 triệu lượt khách, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Phát triển doanh nghiệp xu hướng tích cực; tính chung 06 tháng, có gần 120.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết 108 cũng đã chỉ ra những hạn chế, bất cập và tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: áp lực đối với công tác chỉ đạo, điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát còn cao, nhất là do các tác động, ảnh hưởng bất lợi từ bên ngoài; thể chế để giải phóng nguồn lực xã hội còn nhiều vướng mắc; thị trường bất động sản phục hồi chậm; tỷ lệ giải ngân đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương còn thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn...

Thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng mới

Nghị quyết 108 đã nêu ra 10 nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới: 1) Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; 2) Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; 3) Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình, dự án quan trọng quốc gia; 4) Chú trọng thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; 5) Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia; 6) Chú trọng hơn nữa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; 7) Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại; quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; 8) Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội; 9) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ; 10) Về nhiệm vụ cụ thể của các bộ, cơ quan, địa phương: từng bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Nghị quyết 108 nêu rõ, các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao: (1) Rà soát, có giải pháp cụ thể thúc đẩy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…; (2) Tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, các dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa mạnh mẽ, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng xã hội…; (3) Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng…; (4) Phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa; tăng cường quản lý thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số…; (5) Đẩy nhanh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung sử dụng hiệu quả nguồn lực tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất…

Về chuyển đổi số, Nghị quyết 108 nhấn mạnh: Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia; thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng khi cung cấp các dịch vụ trực tuyến. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu, nguồn nhân lực, kinh phí. Khẩn trương trong tháng 8/2024 xây dựng xong đề án chuyển đổi số của bộ, cơ quan, địa phương (tương tự Đề án 06) theo nhiệm vụ Chính phủ giao tại điểm n khoản 1 Mục I Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05/06/2024.

VH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)