Thứ sáu, 28/06/2024 17:18

Tìm kiếm giải pháp phát triển ngành công nghiệp hóa dược

Với mục tiêu triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành công nghiệp hóa dược thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mới đây, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo “Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa dược

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phùng Mạnh Ngọc - Cục trưởng Cục Hóa chất, Phó Trưởng Ban soạn thảo Chương trình phát triển ngành công nghiệp hóa dược cho biết, ngày 09/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định 1165). Tại Quyết định 1165, Thủ tướng đã phê duyệt danh mục các chương trình/dự án ưu tiên thực hiện, trong đó có 01 dự án (Dự án Luật Dược sửa đổi) và 02 chương trình (Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược do Bộ Công Thương chủ trì và Chương trình tổng thể phát triển, phát huy tiềm năng dược liệu do Bộ Y tế chủ trì).

Cục trưởng Cục Hóa chất Phùng Mạnh Ngọc phát biểu khai mạc Hội thảo.

Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết thêm, hiện tại, nguyên liệu sản xuất thuốc và các chế phẩm y tế của Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của thị trường. Để phát triển ngành công nghiệp dược, ngày 17/03/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định 376). Quyết định 376 đặt ra mục tiêu chung: xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong top 3 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý. Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Quyết định 376 đặt mục tiêu: phấn đấu đáp ứng 20% nhu cầu nguyên liệu hóa dược (dược chất, tá dược, chất chiết dược liệu giàu hoạt chất) cho sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm; xây dựng 03 khu công nghiệp tập trung về dược - sinh học, dược phẩm và y - dược ở trong nước; xây dựng 01 trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hóa dược; triển khai xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc giá về nguyên liệu hóa dược.

Bổ sung thêm thông tin về lĩnh vực này, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất Hoàng Quốc Lâm cho rằng, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa dược là ngành kinh tế có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đáp ứng nhu cầu về dược chất và các sản phẩm hỗ trợ bào chế thuốc cho ngành công nghiệp dược cấp độ 4 theo phân loại của WHO (sản xuất được nguyên liệu làm thuốc và thuốc phát minh), đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và thể chất khác.

Thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược

Ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, để phát triển ngành công nghiệp dược, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể, đặc biệt là Quyết định 1165 mới đây. Theo ông Tạ Mạnh Hùng, chiến lược tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá để phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, cụ thể: Về cung ứng thuốc từ “cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc…” thành “cung ứng chủ động, kịp thời thuốc…” và “Bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc …”. Nâng cao vai trò của ngành dược không chỉ dừng lại ở vai trò hậu cần đảm bảo cung cấp sản phẩm dược mà còn tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cả cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp hóa dược, Nhà nước cần hoàn thiện việc xây dựng và ban hành hệ thống cơ chế, chính sách văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt có chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp hoá dược. Cùng với đó, đẩy mạnh quá trình xây dựng ngành công nghiệp hoá dược trên cơ sở hình thành và phát triển bền vững các doanh nghiệp hoá dược thuộc mọi thành phần kinh tế.

Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách cụ thể ưu đãi đặc biệt cho đầu tư sản xuất hoá dược, nhất là dược chất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp hoá dược; đẩy nhanh thủ tục chuyển giao và đổi mới công nghệ, dây chuyền máy móc thiết bị cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh dược và các lĩnh vực hóa dược; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất các sản phẩm hoá dược có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, các bộ/ngành có liên quan cần cây dựng chính sách cụ thể ưu đãi đặc biệt đối với các đơn vị đầu tư nghiên cứu, chuyển giao sản xuất, xuất khẩu nguyên liệu thuốc có áp dụng công nghệ cao, thuốc sinh học, dược liệu. Bên cạnh đó, cần bổ sung các nhóm sản phẩm hoá dược từ nguồn sinh học và dược liệu vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao khuyến khích phát triển trong thời gian tới.

Phong Vũ - Trần Hà

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)