Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, chuyển đổi xanh là yêu cầu thực tiễn và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện. Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030. Tuy nhiên, áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hóa nền kinh tế. Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.
Cung - cầu năng lượng trong nước
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 cho rằng, Việt Nam đang khai thác gần như tối đa tiềm năng các nguồn tài nguyên hoá thạch nội địa và sẽ phải nhập khẩu thêm nhiên liệu than, khí. Việt Nam trở thành một quốc gia nhập khẩu năng lượng ròng, với xu hướng giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu năng lượng. Than đá là nguồn đầu vào được sử dụng nhiều nhất (tạo ra 33% sản lượng điện), thủy điện chiếm 29%, năng lượng tái tạo (NLTT) như điện mặt trời, điện gió... chiếm 26%, khí - dầu chiếm 9%...
Hệ thống phân phối và truyền tải điện của Việt Nam được quản lý bởi các tổng công ty điện lực, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các khu vực và ngành khác nhau. Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng truyền tải điện phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và tích hợp các nguồn NLTT vẫn là một thách thức lớn. Việc giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện sẽ không dễ dàng cho Việt Nam khi muốn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Về nguồn cung cho năng lượng trong nước, Báo cáo khuyến nghị: cần đầu tư phát triển các nguồn NLTT, không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch mà còn tận dụng tối đa tiềm năng tự nhiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm là một giải pháp thiết thực, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Về cầu năng lượng trong nước, Báo cáo cho biết, chỉ số tiêu thụ năng lượng trên GDP ở mức 364 kgOE/1.000 USD vào năm 2010, giảm xuống 295,7 kgOE/1.000 USD vào năm 2017, tăng lên 308,9 kgOE/1.000 USD vào năm 2018 và 307,9 kgOE/1000 USD vào năm 2019. Tổng mức tiêu thụ năng lượng tăng trưởng mạnh mẽ (trung bình 5,2%/năm giai đoạn 2010-2020). Dự báo nhu cầu năng lượng của Việt Nam từ năm 2020 đến 2050 sẽ tăng đáng kể trong các ngành kinh tế chủ chốt. Các ngành như nông nghiệp, thương mại, công nghiệp, dân dụng và giao thông vận tải đều có xu hướng tiêu thụ nhiều năng lượng hơn.
Cụ thể, nhu cầu năng lượng đến năm 2050 như sau: trong nông nghiệp dự kiến sẽ tăng lên gần 30 KTOE; ngành thương mại dự kiến sẽ tăng lên 15 KTOE; ngành công nghiệp dự kiến tăng 100 KTOE; trong lĩnh vực dân dụng dự kiến sẽ tăng lên 70 KTOE; giao thông vận tải dự kiến sẽ tăng lên gần 90 KTOE. Với nhu cầu như vậy, Báo cáo khuyến nghị: các dự án NLTT cần được đẩy mạnh với sự hỗ trợ của các chính sách khuyến khích và cơ chế tài chính phù hợp, nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và quốc tế. Việt Nam cần phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng tỷ trọng NLTT trong năng lượng sơ cấp lên 11% vào năm 2050, bao gồm việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; thực hiện các chính sách hỗ trợ để đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và hộ gia đình cần áp dụng các thiết bị tiết kiệm điện, cải tiến công nghệ sản xuất và áp dụng các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng. Phát triển lưới điện thông minh là một yếu tố quan trọng để quản lý hiệu quả NLTT và đảm bảo cung cấp điện ổn định tại Việt Nam. Lưới điện thông minh tích hợp các nguồn NLTT như điện mặt trời và gió vào hệ thống điện quốc gia, giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và giảm thiểu lãng phí.
Cần áp dụng các biện pháp kiểm soát và giảm thiểu phát thải, bao gồm phát triển các dự án NLTT và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích và cơ chế tài chính phù hợp để thúc đẩy các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Cung cấp các khoản vay ưu đãi, giảm thuế cho các dự án năng lượng sạch và khuyến khích đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Tác động của chuyển dịch năng lượng tái tạo
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2021, đóng góp của ngành khai thác mỏ vào GDP đã sụt giảm rõ rệt, từ 9,61 xuống còn 5,12%. Sự sụt giảm này phản ánh tác động tiêu cực của chuyển dịch năng lượng đến ngành khai thác mỏ. Việc thay thế than và khí đốt tự nhiên bằng các công nghệ này sẽ làm tăng chi phí. Tuy nhiên, việc triển khai nhanh chóng NLTT (chủ yếu là năng lượng mặt trời) từ năm 2030 đến năm 2050 trong khu vực, cũng như việc giá điện năng lượng mặt trời giảm đáng kể sẽ làm giảm giá điện vào năm 2050 so với năm 2030.
Báo cáo khuyến nghị: Chính phủ nên có các chính sách hỗ trợ để giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp bền vững khác để bù đắp cho sự suy giảm ngành khai thác mỏ. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm đầu tư vào công nghệ khai thác mới, cải thiện hiệu suất và giảm tác động môi trường, cũng như đào tạo lại lực lượng lao động để chuyển đổi sang các ngành công nghiệp mới và bền vững hơn.
Điện mặt trời là lĩnh vực tạo ra 4,9 triệu việc làm; tiếp đến nhiên liệu sinh học, thủy điện và năng lượng gió với số việc làm tương ứng là 3,6 triệu, 2,5 triệu và 1,4 triệu việc làm… Việc làm có thể được chia thành 3 loại: việc làm trực tiếp, gián tiếp và phát sinh. Việc làm trực tiếp bao gồm việc làm trực tiếp liên kết với một dự án NLTT cụ thể. Thông thường, bao gồm thiết kế nhà máy, chuẩn bị mặt bằng, phê duyệt tài chính, quản lý dự án, cung cấp nhiên liệu (trong trường hợp sinh khối), thi công, xây lắp, vận hành và bảo trì nhà máy điện. Việc làm gián tiếp bao gồm việc làm trong các ngành công nghiệp phụ trợ cung cấp thiết bị cho các dự án NLTT, bao gồm sản xuất thiết bị và vật liệu được sử dụng trong hoạt động trực tiếp của nhà máy điện, bao gồm sản xuất tuabin, máy phát điện, nồi hơi, tấm pin mặt trời và các hệ thống khác trong nhà máy điện. Việc làm phát sinh được tạo ra nhờ sự gia tăng việc làm trực tiếp và gián tiếp khi người lao động có thêm việc làm và thu nhập (từ việc làm trực tiếp và gián tiếp).
Báo cáo đưa ra dự báo đến năm 2030, khoảng 52% việc làm trong ngành than sẽ biến mất; đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng lên ở mức 90-94%. Mỗi việc làm bị giảm trong ngành công nghiệp than đều sẽ dẫn đến việc giảm 1,08 việc làm trong các ngành liên quan.
VH