Cần, kiệm, liêm, chính trong công bố khoa học
“Cần”, ở đây có nghĩa là “siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai”. Điều này là phẩm chất không thể thiếu khi tham gia vào hành trình công bố trên một tạp chí quốc tế uy tín, ở đó không có bất kỳ sự ưu tiên xã hội nào. Trong môi trường học thuật quốc tế, phản biện, phê bình, từ chối và việc yêu cầu chỉnh sửa gắt gao xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt chức vụ, tuổi tác, có nhiều kinh nghiệm hay chưa, thuộc giới tính nào. Tức là sự xét duyệt bài báo hoàn toàn dựa trên bản thân sản phẩm khoa học.
Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo đại học trong cả nước đang thực hiện chính sách khuyến khích các bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế. Giá trị phần thưởng có nơi lên đến 200 triệu đồng/bài, trung bình dao động từ 20-30 triệu đồng/bài. Đây là khoản tiền lớn trong tương quan thu nhập ở Việt Nam. Chính vì vậy, nếu không giữ vững lời dạy của Bác Hồ về “cần, kiệm, liêm, chính” nhà khoa học rất dễ rơi vào vòng xoáy của việc kiếm tiền không đúng quy định trong hoạt động công bố quốc tế. Báo chí thời gian qua đã nêu lên nhiều trường hợp bài báo quốc tế bị hủy đăng sau khi phát hiện những vi phạm về học thuật hoặc đạo đức học thuật của tác giả/nhóm tác giả.
Bên cạnh đó, còn hiện tượng không ít nhà khoa học có trình độ, có chuyên môn “bán” bài báo của mình cho các cơ sở đào tạo để nhận tiền thưởng. Trong cuộc đua thành tích và tuyển sinh của các trường đại học, dưới sức ép của cơ chế thị trường và áp lực về thu nhập, lời dạy của Bác về vấn đề “kiệm” và “liêm, chính” cần phải được nêu cao hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, hiện tượng một số nhà khoa học đăng bài trên các tạp chí kém chất lượng, đúng hơn là các tạp chí giả mạo, các tạp chí “săn mồi” cần phải bị lên án. Dấu hiệu của các tạp chí “săn mồi” đã được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra. Nhìn chung, các tạp chí này thường có thời gian xuất bản ngắn, quá trình bình duyệt sơ sài, ban biên tập không có lý lịch khoa học rõ ràng… Nhiều nhà khoa học chọn đăng ở các tạp chí này có lẽ một phần nguyên nhân là do họ không phải thực hành hay rèn luyện chữ “cần” - tức là không cần phải cần cù, nhẫn nại, sửa bài nhiều lượt. Một điều đáng tiếc là không ít cơ sở đào tạo, quỹ khoa học đã tài trợ chi phí cho việc đăng bài trên những tạp chí này. Nếu nhớ đến lời dạy của Hồ Chủ tịch về “kiệm” tức “tiết kiệm” thì không được lãng phí tiền thuế của nhân dân cho các “đầu nậu” đăng bài, các tạp chí thiếu uy tín mà không có sự tìm hiểu kỹ lưỡng. Mỗi đồng tiền thuế của nhân dân cần phải được chi một cách cẩn trọng và chính đáng.
Lời dạy “chính” của Bác Hồ nhấn mạnh vấn đề “chính danh”. Chính danh có thể hiểu là tên gọi của sự vật thế nào thì bản chất của sự vật như thế ấy. Trong đời sống khoa học ở Việt Nam hiện nay tồn tại sự mập mờ hay là sự “cho qua” trong việc đứng tên, ghi tên các sự kiện và sản phẩm học thuật. Hiện nay, việc đứng tên trong đề tài hay một phần đề tài khoa học, nhưng không phải là người thực hiện công việc đó vẫn phổ biến; ngược lại, người thực sự thực hiện đề tài lại không có tên trong đó.
Nguồn: Images.com/Corbis
Cần, kiệm, liêm, chính trong quản lý công bố khoa học
Với những vấn đề nêu trên, việc quản lý công bố khoa học cũng cần phải được xây dựng để đảm bảo kim chỉ nam “cần, kiệm, liêm, chính”.
Thứ nhất, cần có cơ chế tài chính đặc biệt đối với những nhà khoa học để họ chuyên tâm vào nghiên cứu. Làm khoa học là một công việc chuyên tâm, đòi hỏi sự tập trung trí tuệ, sức lực, tâm trí chứ không phải là một nghề tay trái hay một thứ “trang sức” cho bất cứ công việc nào khác. Lãnh đạo các cơ quan khoa học nên là người hỗ trợ và bảo trợ về mặt hành chính, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các ý tưởng khoa học được triển khai thuận lợi và đảm bảo sự định danh của nhà khoa học đó đối với hoạt động khoa học mà họ đề xuất.
Đề án lương theo vị trí việc làm được kỳ vọng là một cơ hội đảm bảo về mặt tài chính và cơ chế hành chính để nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu. Đặc biệt, đề án này cũng là tín hiệu ban đầu cho thấy tính khả thi của sự độc lập tương đối giữa tiêu chuẩn đánh giá một cá nhân ở vị trí quản lý một cơ quan học thuật và một cá nhân ở vị trí là nhà khoa học. Nhà khoa học không nhất thiết phải trở thành nhà quản lý và nhà quản lý không nhất thiết là một nhà khoa học xuất sắc; ai ở vị trí việc làm nào thì cố gắng “cần” cù, chăm chỉ, bền chí hoàn thành cho trọn vẹn vị trí của mình; không nhòm ngó, tiếm quyền sang công việc của vị trí khác để rơi vào bất “liêm”. Đó cũng là để thực hành “chính” trong lời dạy của Bác Hồ vậy.
Thứ hai, các cơ sở học thuật cần xây dựng và công bố chính thức bộ quy tắc về liêm chính khoa học. Nếu không, các cơ sở này có thể áp dụng quy định về liêm chính học thuật do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) ban hành. Các thành viên của các hội đồng khoa học và cán bộ quản lý khoa học bắt buộc phải nắm được các quy định về vấn đề liêm chính học thuật, phân biệt được tạp chí quốc tế uy tín với tạp chí kém chất lượng, tạp chí “săn mồi”. Bản thân thành viên hội đồng phải thực hiện nghiêm túc và không dung túng cho các hành vi vi phạm liêm chính học thuật.
Thứ ba, thành viên hội đồng phải là những người có khả năng đánh giá được bài nghiên cứu đăng quốc tế bằng tiếng nước ngoài để xem chất lượng (ít nhất là về mặt tiếng Anh học thuật) của bài viết đó. Khả năng đọc và đánh giá bài quốc tế này là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh ngày càng có nhiều tạp chí dùng thủ đoạn tinh vi để lọt vào các cơ sở dữ liệu uy tín. Bên cạnh những tạp chí lừa đảo, giả còn có những tạp chí chính danh có các dấu hiệu của tạp chí săn mồi và/hay có chất lượng khoa học thấp (đăng bài chất lượng thấp, số lượng bài đăng khổng lồ và mỗi bài yêu cầu nộp phí từ vài trăm đến vài nghìn USD). Những tạp chí đáng nghi về mặt chất lượng khoa học và liêm chính khoa học này có thể được xuất bản bởi một nhà xuất bản nổi tiếng và có quy trình phản biện, biên tập giống như các tạp chí chất lượng. Tuy nhiên, các quy trình đó dường như chỉ mang tính thủ tục, lấy lệ. Điều này có thể thấy ở việc các bài báo khoa học được xuất bản trên các tạp chí này có nhiều lỗi biên tập, nhầm lẫn kiến thức chuyên ngành; đó là chưa kể đến các vấn đề về phương pháp nghiên cứu và về cách lập luận. Như vậy, ngay cả trong các cơ sở dữ liệu uy tín cũng có thể tồn tại các tạp chí có dấu hiệu săn mồi hay/và kém chất lượng. Việc thanh lọc các tạp chí kém chất lượng và/hoặc có dấu hiệu săn mồi thường mất nhiều thời gian và việc cập nhật kết quả thanh lọc khá chậm. Nếu các hội đồng khoa học chỉ dựa một cách cơ học vào việc tra chỉ số ảnh hưởng thì dễ cho qua những hồ sơ xét duyệt đề tài hay học hàm, học vị, xét thưởng, vinh danh mà sau đó một thời gian mới phát hiện ra là tạp chí không chất lượng và đã cho qua các ứng cử viên chưa đủ tiêu chuẩn.
Khi vấn đề liêm chính khoa học được nâng cao trong cộng đồng thì không chỉ khiến cho thực hành và tư duy về hoạt động khoa học ở Việt Nam đi vào quỹ đạo chuẩn của thế giới mà còn giúp cho việc đánh giá một nhà khoa học được minh bạch và công bằng hơn.