Thứ sáu, 31/05/2024 11:23

Khoa học và công nghệ là chìa khóa để ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 30/05/2024, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “KH&CN - Chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” và Lễ trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp KH&CN.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và ứng dụng KH&CN nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Những thành tựu đạt được đã cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào KH&CN, là chìa khóa giải quyết các thách thức. Để đạt được kết quả bền vững và toàn diện hơn, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành và các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái nhấn mạnh về ý nghĩa “khoa học công nghệ trở thành chìa khóa” trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển ngành tài nguyên nước, môi trường nói riêng. Thứ trưởng mong muốn các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, hướng mũi nhọn thực hiện áp dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong khí tượng thủy văn để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, cam kết hỗ trợ tối đa cho ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận và đề xuất các giải pháp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Theo Thứ trưởng, đây là những công cụ rất quan trọng, giúp “đi tắt đón đầu”, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, các nhà khoa học trẻ có nhiều lợi thế ứng dụng và cần tham gia nhiều hơn, trở thành đội ngũ kế cận các thế hệ nhà khoa học lão thành. Sắp tới, Bộ KH&CN sẽ đầu tư nâng cao chất lượng tạp chí khoa học trong nước đạt chuẩn quốc tế nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước công bố thay vì phải tìm cách công bố ra tạp chí quốc tế như hiện nay.

Theo GS.TS Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, việc thiếu hụt thông tin là thách thức với ngành khí tượng thủy văn hiện nay. Có khoảng cách từ thông tin dự báo quốc gia tới người sử dụng do hạn chế về ngôn ngữ chuyển tải, hệ thống thông tin, khoa học. Điều này tạo tâm lý ít tin tưởng vào dự báo khí hậu và năng lực hành động dựa theo thông tin dự báo còn hạn chế. Do đó, cần tạo điều kiện để các nhà dự báo đưa kiến thức khoa học đến với cộng đồng. Các nhà khoa học trẻ hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, những nghiên cứu nhỏ để có thể ghép thành bức tranh lớn hơn. Trong khi đó, các viện nghiên cứu, trường đại học hãy chia việc lớn thành những việc nhỏ để tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ được nghiên cứu, sáng tạo, GS Trần Thục đề xuất.

Để ghi nhận, biểu dương những cống hiến, đóng góp của các nhà khoa học cho ngành KH&CN, nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã quyết định trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp KH&CN đối với GS.TS Trần Thục - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường vì đã có những đóng góp cho hoạt động KH&CN trong suốt sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ cho GS. TS Trần Thục.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đã đóng góp 22 báo cáo, công trình nghiên cứu. Nội dung tập trung đánh giá toàn diện những thách thức mới nổi ở quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. Qua đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo để chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh góp phần phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu bảo đảm phát triển bền vững, an toàn.

Theo các chuyên gia, hiện nay Trái đất đang đứng trước những thách thức to lớn đe dọa sự phát triển bền vững của nhân loại như bùng nổ dân số, suy thoái và cạn kiệt của các nguồn tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, những tác động khốc liệt của thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Ứng dụng những thành tự của KH&CN, đổi mới sáng tạo đang được coi là giải pháp nền tảng, căn cơ và là xu thế tất yếu để các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề thời đại. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Để có thể thúc đẩy được khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bên cạnh chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý, còn có sự đồng hành và công sức của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu từng bước đưa tri thức khoa học, công nghệ mới vào thực tiễn. Những nỗ lực, tâm huyết của các nhà khoa học xuyên suốt nhiều thế hệ đã và đang góp sức nâng tầm ngành KH&CN nước nhà, giải quyết được các thách thức đặt ra, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Phạm Thịnh - Minh Hiếu

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)