Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật
ĐBSCL gồm 13 tỉnh/thành phố (TP Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long). Đây là một trong những đồng bằng có độ phì nhiêu hàng đầu ở Đông Nam Á và châu Á, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, thủy hải sản và trái cây lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, ĐBSCL nổi tiếng là vùng sông nước mênh mông, với những vườn cây trái bạt ngàn, sản vật trù phú, con người vừa hào sảng, khí khái, vừa chân chất…
Phát biểu khai mạc Hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSCL lần thứ 27, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, để phát triển KT-XH, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt cho ĐBSCL, trong đó đáng chú ý là đầu tư phát triển hạ tầng, khu công nghiệp như: tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ - Mỹ Thuận - Cà Mau; tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Trần Đề (Sóc Trăng); cảng Trần Đề - Sóc Trăng, cảng Cần Thơ; đầu tư dự án khai thác mỏ khí Lô B và Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn tại TP Cần Thơ với kinh phí đầu tư lên tới 12 tỉ USD; Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh..., các công trình/dự án này khi đi vào hoạt động chắc chắn sẽ tạo bước đột phá lớn trong phát triển KT-XH của vùng. Đặc biệt, những năm gần đây nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ đã được ban hành và đi vào thực tiễn; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo dần được hình thành và phát triển nhanh; nhiều giải pháp về KH&CN ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu đã được tổ chức triển khai có hiệu quả ở ĐBSCL… Có thể nói, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã ngày càng gắn với thực tiễn sản xuất, đóng góp cho sự phát triển KT-XH của mỗi địa phương và cả vùng.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 27.
Báo cáo tổng hợp của Vụ Ứng dụng Công nghệ và Tiến bộ Kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho thấy, giai đoạn 2022-2024, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã bám sát chủ trương, chính sách về KH,CN&ĐMST đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển KT-XH. Trong giai đoạn này, Bộ KH&CN đã hỗ trợ các địa phương trong vùng triển khai 39 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia với tổng kinh phí 345,795 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương hỗ trợ 185,612 tỷ đồng, kinh phí địa phương đối ứng (doanh nghiệp, ngân sách địa phương) 160,183 tỷ đồng. Các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung giải quyết những vấn đề KH&CN cấp thiết mới phát sinh trong thực tiễn sản vượt quá khả năng giải quyết ở cấp tỉnh, trong đó chủ yếu giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển một số sản phẩm chủ lực của địa phương như: nghiên cứu chế phẩm vi sinh phân giải độ mặn trên một số loại cây ăn quả chủ lực; xây dựng hệ thống xử lý nước nhiễm mặn có ứng dụng IoT để cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng bị xâm nhập mặn; nghiên cứu chế tạo đầu dò đo độ mặn bằng vật liệu nano và tích hợp thành hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn tự động; nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý nước tuần hoàn và bùn thải trong nuôi tôm siêu thâm canh; nghiên cứu thiết kế và chế tạo tổ hợp thiết bị thu gom, tiền xử lý và trục vớt lục bình trên các kênh, rạch; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đánh giá chất lượng các loại đất... Bên cạnh đó, các tỉnh/thành phố trong vùng đã và đang triển khai 458 đề tài/dự án các cấp khác. Các nhiệm vụ sau khi kết thúc phần lớn đều tạo ra được các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, đáp ứng được mục tiêu đề ra, có khả năng ứng dụng và nhân rộng vào thực tiễn, góp phần thiết thực phát triển KT-XH các địa phương trong vùng.
Đặc biệt, các tỉnh/thành phố trong vùng đã quan tâm chỉ đạo tập trung các nguồn lực để phát triển KH,CN&ĐMST trên các lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; hình thành chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy ĐMST và hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số;, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, năng lượng tái tạo, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL đã tập trung đổi mới cơ chế chính sách quản lý KH&CN. Nhiều văn bản liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, đặc biệt là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, phòng trừ hiệu quả đối với các đối tượng dịch hại trên một số loại cây trồng chủ lực; tìm kiếm các giải pháp phục hồi, cải tạo đất canh tác phục vụ chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ và tuần hoàn… đã được ban hành. Công tác bảo hộ, khai thác, phát triển và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hoạt động tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, ứng dụng, chuyển giao công nghệ được quan tâm triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Liên kết vùng để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, hoạt động KH,CN&ĐMST của các tỉnh/thành phố trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề sau:
Một là, việc triển khai quy định pháp luật về KH&CN còn nhiều khó khăn, vướng mắc (nhất là trong xử lý tài sản hình thành thông qua nhiệm vụ KH&CN).
Hai là, nguồn lực dành cho KH,CN&ĐMST từ ngân sách nhà nước mặc dù đã được quan tâm, song vẫn còn rất thấp so với yêu cầu đặt ra (tỷ lệ chi cho KH,CN&ĐMST chỉ đạt 0,3-0,46% so với tổng chi ngân sách nhà nước ở địa phương), chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng. Trong khi đó, nguồn lực từ xã hội hóa huy động được tuy có tăng lên nhưng vẫn còn thấp.
Ba là, tiềm lực KH&CN của các tổ chức KH&CN ở các tỉnh/thành phố trong vùng còn yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị vừa thiếu vừa lạc hậu; nhân lực còn hạn chế, trình độ chưa cao; chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Bốn là, nguồn nhân lực KH&CN của vùng còn hạn chế, thấp hơn so với nhiều vùng trong cả nước, nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN nói riêng cũng như sự phát triển KT-XH nói chung.
Năm là, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới chỉ tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính bức xúc, trước mắt ở từng địa phương, vẫn còn thiếu các nhiệm vụ KH&CN triển khai ở quy mô lớn. Phần lớn kết quả nghiên cứu KH&CN đã được chuyển giao ứng dụng nhưng tính thương mại hóa chưa cao.
Sáu là, thiếu sự gắn kết trong việc đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN liên quan đến các vấn đề cấp thiết của ngành, lĩnh vực. Sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân còn hạn chế. Sự liên kết trong đề xuất, triển khai nhiệm vụ KH&CN giữa các địa phương trong vùng chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; chưa đề xuất và thực hiện được các nhiệm vụ KH&CN lớn để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng như: tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng chủ lực, phục hồi đất canh tác…
Bảy là, hoạt động nghiên cứu - triển khai trong các doanh nghiệp chưa thực sự được đẩy mạnh. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu, số lượng các doanh nghiệp có sự đầu tư cho KH,CN&ĐMST còn ít.
Tám là, hạ tầng về thông tin, thống kê KH&CN của địa phương vẫn còn thiếu, việc tra cứu thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường KH&CN còn nhiều bất cập, chưa hình thành tổ chức trung gian, môi giới, chuyển giao công nghệ, vì vậy việc kết nối giữa các doanh nghiệp và các tổ chức sở hữu công nghệ chưa hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (trái) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam (phải) phát biểu tại Hội nghị.
Chia sẻ với những khó khăn mà các địa phương vùng ĐBSCL đang gặp phải, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển KT-XH của vùng, có rất nhiều việc phải làm và cần làm quyết liệt, thực chất hơn nữa để khẳng định vai trò và vị thế của KH,CN&ĐMST là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển vùng và cả nước. Để làm được điều đó Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị ngành KH&CN các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL cũng như các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KH,CN&ĐMST. Đặc biệt phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ đóng góp ý kiến và hiến kế cho Bộ KH&CN trong việc sửa đổi Luật KH&CN 2013. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển KH,CN&ĐMST phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển KT-XH của từng địa phương và cả vùng.
Thứ hai, chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh/thành phố bố trí nguồn ngân sách chi cho KH&CN trong kế hoạch phát triển KH&CN hằng năm dần tiệm cận tới mức 2% trong tổng chi ngân sách ở địa phương theo quy định của Luật KH&CN.
Thứ ba, các tỉnh/thành phố trong vùng cần tập trung triển khai, thực hiện Chương trình KH&CN quốc gia "Ứng phó biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030", các chương trình KH&CN liên quan khác, các nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, phục hồi đất canh tác. Đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của mỗi địa phương.
Thứ tư, các địa phương cần tăng cường hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu - chuyển giao, ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực, phát triển các sản phẩm quốc gia; xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển kinh tế biển…
Thứ năm, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, triển khai xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII). Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững KT-XH và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Từ thực tiễn tại địa phương, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre mong muốn được hợp tác với Bộ KH&CN cũng như các tỉnh/thành phố trong vùng về lĩnh vực KH&CN nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra và phát huy lợi thế của ĐBSCL, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của vùng, góp phần phát triển sự nghiệp KH&CN, phát triển KT-XH đất nước. Đối với Bến Tre, tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà khoa học, luôn tạo điều kiện về mọi mặt để ngành KH&CN phát triển một cách tốt nhất, đồng bộ, bền vững và hiện đại.
Phong Vũ