Thứ hai, 08/07/2024 16:01

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định sự quan tâm đối với các ngành khoa học cơ bản

Phát biểu khai mạc Hội nghị khoa học quốc tế "PASCOS - hạt, dây và vũ trụ học" lần thứ 29 diễn ra từ ngày 08-13/07/2024 tại Trung tâm Quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành (Quy Nhơn, Bình Định), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm phát triển các ngành khoa học cơ bản.

Hội nghị nằm trong khuôn khổ Chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 20 do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tổ chức với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học trong lĩnh vực vật lý hạt và vũ trụ học đến từ 27 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, các Chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản trong nhiều lĩnh vực đã được triển khai từ nhiều năm nay. Từ năm 2009, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) luôn ưu tiên dành phần lớn kinh phí tài trợ các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, đồng hành hỗ trợ các nhà khoa học thực hiện và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học cơ bản. Các chương trình phát triển khoa học cơ bản cấp quốc gia, trong đó có Chương trình phát triển vật lý đã được thực hiện liên tục từ năm 2016 với các hướng ưu tiên nghiên cứu cơ bản về vật lý trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: vật lý lý thuyết và tính toán, vật lý các chất đậm đặc, quang lượng tử, vật lý hạt nhân… Ngoài ra, các nhiệm vụ ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật vật lý thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong thời gian qua đã gia tăng và đạt nhiều kết quả tốt, có thể kể tới như ứng dụng hạt nhân trong công nghiệp, ứng dụng vật lý - kỹ thuật hạt nhân trong môi trường, ứng dụng đồng vị phóng xạ trong ngành thủy văn, trong xác định tuổi mẫu vật, ứng dụng vật lý trong y khoa…

Theo xếp hạng của Tổ chức Scimago, dựa trên số lượng bài báo quốc tế trong lĩnh vực vật lý và thiên văn học của các quốc gia, Việt Nam đã vươn lên từ vị trí thứ 60 năm 2013 lên vị trí thứ 46 vào năm 2023. Việt Nam cũng đã có 01 Trung tâm Vật lý quốc tế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận và bảo trợ từ năm 2018. Để có được những thành tựu nêu trên, bên cạnh những chính sách phát triển khoa học cơ bản, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, những đóng góp vô cùng quan trọng của các nhà khoa học trong và ngoài nước, mà tiêu biểu là GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc.

Các đại biểu trong và ngoài nước tham gia Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Để tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam hướng đến các kết quả nghiên cứu xuất sắc, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững đất nước cũng như đóng góp chung vào kho tàng tri thức của nhân loại, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì bên cạnh việc đẩy mạnh nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học cơ bản, cần từng bước tăng cường đầu tư cho hạ tầng nghiên cứu khoa học và công nghệ, tăng cường tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ. Một trong số những giải pháp quan trọng mà Chính phủ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn quan tâm, ưu tiên là tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế thông qua trao đổi khoa học, tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu chung giữa nhà khoa học Việt Nam và quốc tế; tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn, thu hút các nhà khoa học xuất sắc đến thực hiện nghiên cứu và trình bày các báo cáo khoa học tại Việt Nam ở tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có khoa học vật lý.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn quan tâm, đánh giá cao hoạt động của Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành, trân trọng, tôn vinh tâm huyết của GS Trần Thanh Vân và Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Trung tâm Quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành đã và đang thực hiện rất tốt sứ mệnh của mình, đó là “nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao”. Bộ trưởng tin tưởng rằng, các nhà khoa học trẻ tham dự Hội nghị sẽ được các giáo sư, nhà khoa học uy tín trực tiếp chia sẻ, cập nhật những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực, cũng như những kinh nghiệm trong cuộc đời làm khoa học. Qua đó, các nhà khoa học trẻ sẽ càng thêm yêu khoa học, dám dấn thân vào con đường khoa học và tự tin khám phá những chân trời mới.

VVH

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)