Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức
Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết 45-NQ/TW). Nghị quyết 45-NQ/TW khẳng định, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đội ngũ trí thức, nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn. Việc thể chế hoá Nghị quyết được quan tâm; cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thu hút, trọng dụng, tôn vinh, đãi ngộ nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tiếp tục được hoàn thiện. Đội ngũ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN, hội nhập quốc tế; được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, tạo môi trường làm việc thuận lợi.
Đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực.
Theo Nghị quyết 45-NQ/TW, đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 cần phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng
Trong thời gian qua, công nghệ sinh học nước ta có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường… Tuy nhiên, công nghệ sinh học phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh KH&CN phát triển mạnh mẽ; một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học lạc hậu so với khu vực và thế giới; công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, bất cập.
Phòng thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia Công nghệ Enzym và Protein, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới xác định: Phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội; lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học. Nghị quyết đưa ra mục tiêu tổng quát là: tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.
Để thực hiện được mục tiêu nêu ra, Nghị quyết 36-NQ/TW đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: 1) Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới; 2) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; 3) Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 4) Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; 5) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học.
Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KH,CN&ĐMST
Ngày 09/01/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022. Đây là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước). Quy hoạch tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm được Đại hội XIII thông qua. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bao trùm và bền vững.
Quy hoạch khẳng định quan điểm phát triển trong thời kỳ 2021-2030 là “Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KH,CN&ĐMST, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn” và tầm nhìn 2050 là “KH,CN&ĐMST là động lực tăng trưởng chủ yếu”. Về giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch đối với lĩnh vực KH&CN, Quy hoạch nêu rõ: Lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành, lĩnh vực then chốt. Nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN trong nước để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung ưu tiên phát triển công nghệ có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hoá, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường.
Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ
Năm 2023, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể là: Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/04/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định 65/2023/NĐ-CP ngày 23/08/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định 79/2023/NĐ-CP ngày 15/11/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với cây trồng. Có thể khẳng định, đây là các văn bản quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022.
Bộ KH&CN thống nhất quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo
Một trong những điểm mới được quy định trong Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02/06/2023 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN là đã nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ KH&CN về đổi mới sáng tạo: Thống nhất quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo; xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển đổi mới sáng tạo, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và huy động các nguồn lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Nghị định số 28/2023/NĐ-CP thì Bộ KH&CN là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, bao gồm: hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực KH&CN; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc bộ quản lý theo quy định của pháp luật. Về đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, Nghị định khẳng định, Bộ KH&CN có trách nhiệm và quyền hạn cụ thể: a) Thống nhất quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo; xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển đổi mới sáng tạo, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và huy động các nguồn lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; b) Quản lý, hướng dẫn và tổ chức triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, khởi nghiệp sáng tạo; tạo lập và thúc đẩy môi trường pháp lý hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; c) Quản lý, phát triển hệ thống tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng, vận hành và phát triển mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; d) Quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện phát triển thị trường KH&CN; xúc tiến thị trường KH&CN quy mô vùng, quốc gia và quốc tế, các trung tâm giao dịch công nghệ, sàn giao dịch công nghệ; đ) Xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển hoạt động ươm tạo, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thành lập doanh nghiệp KH&CN; triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển tổ chức ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp KH&CN; e) Hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức, Nghị định 28/2023/NĐ-CP đã có sự thay đổi so với Nghị định 95/2017/NĐ-CP. Theo đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được tổ chức lại thành Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia; Vụ Phát triển KH&CN địa phương được tổ chức thành Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật; Cục Năng lượng nguyên tử được tổ chức thành Vụ Năng lượng nguyên tử; Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ được tổ chức thành Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển về UBND TP Hà Nội…
Tháo gỡ các rào cản nhằm phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập
Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập khẳng định, đến nay, thị trường KH&CN dần hình thành, phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, về tổng thể, thị trường KH&CN nước ta còn tồn tại một số rào cản, vướng mắc, “điểm nghẽn” cần được sớm tháo gỡ, khắc phục. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, rà soát tổng thể và đề xuất các giải pháp phù hợp, phương án điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thị trường KH&CN, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó: i) Rà soát, đề xuất, ban hành các quy định pháp luật về góp vốn, thoái vốn khi tổ chức, cá nhân góp vốn bằng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN, hoàn thành trong năm 2024; ii) Chủ trì xây dựng, triển khai các chính sách cụ thể để thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia người nước ngoài tham gia vào hoạt động phát triển thị trường KH&CN tại Việt Nam, hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025; iii) Chủ trì xây dựng báo cáo hằng năm về thị trường KH&CN, xây dựng, ban hành các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hoạt động của thị trường KH&CN và hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương áp dụng; iv) Chủ trì nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp lý về sàn giao dịch công nghệ để bảo đảm thị trường KH&CN hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững.
Mức chi cho các nhiệm vụ KH&CN cao hơn so với quy định trước đây
Năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KH&CN (Thông tư 03); Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BKHCN ngày 08/05/2023 hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước (Thông tư 02). Hai Thông tư trên có các quy định mới so với Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT/BTC-BKHCN (Thông tư số 55) nhằm tháo gỡ một số tồn tại, vướng mắc trong các quy định hiện hành về công tác dự toán kinh phí nhiệm vụ KH&CN.
Theo đó, Thông tư số 03 sửa đổi “tiền công” thành “tiền thù lao”; đồng thời mức thù lao cho các chức danh, nhóm chức danh được tính theo tháng, theo mức tiền cụ thể (mức thù lao cao nhất là 40 triệu đồng/tháng đối với chức danh chủ nhiệm; các chức danh khác có mức thù lao theo hệ số lao động khoa học, không quá 0,8 với mức thù lao của chức danh chủ nhiệm). Mức thù lao của các chức danh khoa học theo quy định tại Thông tư số 03 và Thông tư số 02 đã cao hơn so với mức quy định tại Thông tư số 55 từ 1,5 đến 2 lần. Bên cạnh đó, mức chi cho hội nghị, hội thảo khoa học, diễn đàn, tọa đàm khoa học; chi tối đa cho quản lý chung của nhiệm vụ; chi cho các hội đồng… đều cao hơn so với mức chi của Thông tư số 55.
Vũ Hưng (tổng hợp)