Thứ bảy, 30/12/2023 17:27

Khởi nghiệp trong sinh viên: Cần những cú huých từ chính sách hỗ trợ của nhà trường và Nhà nước

Đề án 844 - theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia đến năm 2025” và Đề án 1665 - theo Quyết định 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025") đã tạo đà cho phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, khẳng định vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam. Mặc dù hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên được triển khai rộng khắp và sôi nổi trong cả nước, nhưng dường như để tạo được sự thay đổi về chất vẫn rất cần những giải pháp chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ phía nhà trường và Nhà nước. Để có thể có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, Tạp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (TCKHCNVN) đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

TCKHCNVN: Có lẽ chúng ta nghe nói rất nhiều về vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, trong việc thúc đẩy khởi nghiệp sinh viên, xin PGS chia sẻ quan điểm của mình về vai trò của trường đại học trong việc tạo ra các nhà khởi nghiệp trẻ.

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Trường đại học là nơi tạo ra và truyền bá tri thức khoa học, công nghệ, nơi tập trung nguồn nhân lực quan trọng cho ĐMST. Nhân lực khoa học, công nghệ và ĐMST là lực lượng sản xuất đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh phát triển dựa vào tri thức, khoa học, công nghệ và ĐMST, đó chính là động lực của tăng trưởng. Ngày nay, trường đại học không chỉ đóng vai trò là nơi tạo ra và truyền bá  tri thức khoa học, công nghệ mà còn thực hiện chức năng quan trọng là biến các tri thức đó thành tiền.

Chúng ta đã thấy xu hướng dịch chuyển từ khái niệm “trường đại học hàn lâm” sang khái niệm “trường đại học ĐMST”, “trường đại học sáng nghiệp”. Nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trong vài thập kỷ trở lại đây rất chú trọng phát triển khía cạnh “sáng nghiệp” khi đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) của mình và thúc đẩy khởi nghiệp của sinh viên từ các kết quả R&D của giảng viên và sinh viên nhà trường. Có thể khẳng định, đây là xu hướng tất yếu, khách quan.

TCKHCNVN: PGS.TS đánh giá như thế nào về phong trào khởi nghiệp của sinh viên hiện nay?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Đề án 1665 hỗ trợ khởi nghiệp của học sinh, sinh viên ra đời cho thấy, Chính phủ coi trọng hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. Nhờ sự thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam cùng những hành động tích cực từ phía các trường đại học, khởi nghiệp đã trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp. Thông qua cuộc thi khởi nghiệp học sinh, sinh viên quốc gia cùng các hoạt động hỗ trợ đi kèm, đã tìm ra được nhiều dự án của sinh viên có tiềm năng và triển vọng. Tuy nhiên qua 6 năm, đáng tiếc là “lượng” đổi mà “chất” chưa đổi tương xứng. Nếu mục tiêu chỉ là đưa khởi nghiệp thành phong trào rộng khắp thì mục tiêu này đã được coi là hoàn thành. Nhưng cần phải biến phong trào khởi nghiệp trở thành hoạt động đi vào chiều sâu, trở thành nhu cầu tự thân và thiết yếu của sinh viên và nhà trường.

Hiện nay, các dự án khởi nghiệp của sinh viên đa phần ở dạng ý tưởng và các em tham dự các cuộc thi vẫn chủ yếu chỉ mang tính phong trào. Các dự án chưa được hỗ trợ về nguồn lực để phát triển tiếp ở các chặng sau, để dự án thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra sản phẩm được thị trường chấp nhận và ngày càng tăng trưởng. Theo thống kê không chính thức, mới chỉ có khoảng 7% doanh nghiệp được thành lập bởi sinh viên.

TCKHCNVN: Trước thực trạng nêu trên, theo PGS, làm thế nào để có thể thúc đẩy khởi nghiệp của sinh viên, đưa hoạt động này thực chất hơn?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Chúng ta đã nghe nói nhiều về các giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên. Đầu tiên là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, tạo ra các sân chơi như tổ chức cuộc thi, hình thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp như vườn ươm các dự án khởi nghiệp sinh viên, tạo quỹ đầu tư cho dự án khởi nghiệp…

Tôi nghĩ, trường nào cũng tổ chức không ít thì nhiều hoạt động đó. Các buổi nói chuyện truyền cảm hứng của chuyên gia, doanh nghiệp dưới dạng tọa đàm, talkshow, có khi nhiều đến mức sinh viên đi nghe như “tinh thần thể dục” của Nguyễn Công Hoan ngày trước. Sinh viên phải được tặng điểm Đoàn mới đi dự. Khi tham gia cuộc thi khởi nghiệp ĐMST cấp trường để hưởng ứng cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, sinh viên phải trải qua khoảng 2-3 tháng đào tạo, tập huấn. Có những nhóm đã đoạt giải cấp trường, nhưng đến phần thi cấp Bộ thì từ chối tham gia với lý do em chuẩn bị tốt nghiệp, không tiếp tục theo được. Vậy là dự án bỏ phí. Theo tôi, để cải thiện tình hình, rất cần có một số cú huých từ cả phía nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ.

TCKHCNVN: xin PGS chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Quốc gia khởi nghiệp cần được bắt đầu tư trường đại học sáng nghiệp.

Trước hết, tư duy lãnh đạo và văn hóa của nhà trường là 2 yếu tố quan trọng đầu tiên cần tác động và cần được cải thiện. Nếu lãnh đạo xác định ĐMST là định hướng và là động lực phát triển của nhà trường thì họ sẽ có các chính sách khả thi, thực chất cho ĐMST và khởi nghiệp; xây dựng văn hóa ĐMST cũng là một yếu tố quan trọng. Nếu không tác động và cải thiện 2 yếu tố này, hoạt động khởi nghiệp vẫn chỉ manh mún, tự phát và mang tính phong trào.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thuyết trình dự án khởi nghiệp.

Thứ hai, hiện nay, một số trường đưa môn học về khởi nghiệp vào giảng dạy trong một số chuyên ngành về quản trị, khoa học quản lý… Tuy nhiên, vẫn chưa có giáo trình chuẩn và thống nhất về khởi nghiệp, trang bị cho sinh viên tư duy đúng đắn từ ĐMST đến khởi nghiệp và các kiến thức, kỹ năng mang tính thực hành, ứng dụng cao. Do đó, rất cần thiết phải có bộ giáo trình cơ bản, chuẩn để giảng dạy cho sinh viên tất cả các chuyên ngành vào năm thứ 2 như một môn học cơ sở. Cần lưu ý rằng, không phải sinh viên nào cũng có thể trở thành doanh nhân và có tố chất để khởi nghiệp. Do đó, việc trang bị kiến thức cho sinh viên phải bắt đầu từ tư duy ĐMST rồi mới đến tư duy và kỹ năng khởi nghiệp. Qua hoạt động đào tạo ban đầu này cũng có thể phát hiện ra một số em có thiên hướng và có tố chất phù hợp để khởi nghiệp.

Thứ ba, nên cho phép sinh viên thực hiện dự án khởi nghiệp thay thế cho chuyên đề thực tập tốt nghiệp. Sinh viên thay vì đi thực tập và viết chuyên đề/đồ án/khóa luận tốt nghiệp, có thể tiến hành dự án khởi nghiệp liên quan đến chuyên ngành đào tạo của mình. Dự án khởi nghiệp đòi hỏi sinh viên có hiểu biết sâu về ngành nghề của mình, phát hiện ra những vấn đề, thách thức của thị trường và có kiến thức khá tổng hợp, có khả năng vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức về chuyên ngành của mình và kiến thức về kinh doanh với cách tiếp cận thực tiễn.

Thứ tư, nhà trường cần hỗ trợ tài chính cho hoạt động khởi nghiệp. Hoạt động khởi nghiệp là hoạt động tập sự làm kinh doanh của sinh viên. Những ý tưởng sáng tạo non trẻ rất cần bệ đỡ là trường đại học. Các khoản hỗ trợ tài chính từ phía nhà trường có thể hỗ trợ dưới dạng vốn mồi hay các khoản đầu tư thiên thần cho dự án khởi nghiệp của sinh viên.

Thứ năm, cần tạo cơ chế đặc thù cho các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học để có thể vận hành mô hình kinh doanh trong không gian làm việc chung, cung cấp một số dịch vụ cơ bản, tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên và tạo môi trường cho sinh viên thực hành. Ngoài ra, các trường đại học cũng cần có chính sách hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với doanh nghiệp trong việc vận hành một số mô hình ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên

TCKHCNVN: Với vai trò là người hỗ trợ khởi nghiệp, PGS có kiến nghị gì với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ?

PGS.TS Đỗ Hương Lan: Với Chính phủ, những người làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp mong muốn cần có cơ chế, chính sách cho phép doanh nghiệp dùng quỹ phát triển khoa học, công nghệ hợp tác với trường đại học để thúc đẩy ĐMST, ươm tạo một số dự án khởi nghiệp giải quyết các bài toán của doanh nghiệp, hay cho phép hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp xây dựng vườn ươm trên cơ sở hợp tác công - tư tại trường đại học... Chúng tôi đặc biệt mong muốn Chính phủ xem xét “đơn giản”, “mềm hóa” quy trình, thủ tục cấp phép tổ chức hội thảo, hội nghị với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và ĐMST theo Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Việt Nam hiện đang hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam mặc dù còn non trẻ nhưng đã đứng thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 12 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thứ 54/100 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu và hiện đang thu hút sự chú ý từ các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư cũng như startup quốc tế. Trong lĩnh vực ĐMST và khởi nghiệp, Việt Nam là nước đi sau, gia nhập thị trường muộn, do vậy các kiến thức cũng như nhận thức, kỹ năng về ĐMST và khởi nghiệp ở Việt Nam còn thiếu và yếu. Việc học tập kinh nghiệm quốc tế, sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực tài chính cho hoạt động khởi nghiệp. Sự hỗ trợ, đầu tư tài chính từ bên ngoài, từ các tổ chức quốc tế cho các hoạt động này tạo nền tảng quan trọng để tạo sức bật cho hoạt động này ở Việt Nam. Mặt khác, Chính phủ cũng cần có chủ trương thúc đẩy các startups của Việt Nam gia nhập sân chơi toàn cầu. Sự dịch chuyển các startups trong thế giới phẳng ngày nay cùng với làn sóng các dân “du mục kỹ thuật số” là không thể tránh khỏi, đòi hỏi các quốc gia phải có chính sách quản lý linh hoạt, mềm dẻo vừa đảm bảo thu được lợi ích kinh tế - xã hội cho quốc gia mình, vừa hạn chế hoặc ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực có thể có đối với an ninh quốc gia. Việc kiểm soát quá chặt chẽ với thủ tục hành chính phức tạp và thời gian kéo dài có thể làm mất động lực của các đối tác quốc tế, mất cơ hội cho chính các trường đại học và các bạn trẻ khởi nghiệp của Việt Nam trong việc tiếp cận tri thức và hỗ trợ tài chính từ phía nước ngoài để khởi nghiệp.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi xin có một số kiến nghị cụ thể sau đây:

Một là, cần kiện toàn lại công tác tổ chức cuộc thi, tránh việc tạo ra tình trạng hình thức, không phản ánh đúng chất lượng các dự án khởi nghiệp của sinh viên.

Hai là, cần có các hoạt động hỗ trợ hậu cuộc thi như ươm tạo và tăng tốc cho các dự án có tiềm năng.

Ba là, nên có bộ chỉ số đo lường đánh giá hiệu quả (KPI) cụ thể để xây dựng mục tiêu hỗ trợ khởi nghiệp từng năm ở cấp độ quốc gia.

Bốn là, nên xem xét và khuyến khích các trường đại học hình thành bộ phận chuyên trách thúc đẩy hoạt động ĐMST (bao gồm cả khởi nghiệp), có thể gắn với bộ phận quản lý khoa học. Bộ phận này sẽ đảm nhiệm cả chức năng quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trong trường đại học, tạo điều kiện để thúc đẩy ĐMST. Bài toán thúc đẩy ĐMST trong trường đại học, thương mại hóa kết quả khoa học của giảng viên, sinh viên cũng như khởi nghiệp từ các kết quả nghiên cứu, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp trong trường đại học sẽ khó được giải quyết nếu không có quy định cụ thể về quản lý tài sản trí tuệ trong trường đại học.

TCKHCNVN: Xin trân trọng cảm ơn PGS về những chia sẻ tâm huyết của mình trước thềm năm mới. Chúc PGS sức khỏe, hạnh phúc, thành công; chúc cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của sinh viên đạt được những kết quả thực chất hơn nữa trong năm 2024.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)