Đó là 1 trong những chia sẻ tại chương trình Trại sáng tác (Writing Camp 6) với chủ đề “Thúc đẩy thành lập doanh nghiệp KH&CN” thuộc Khóa đào tạo nâng cao năng lực nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN do Câu lạc bộ Nhà Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội - ĐHQGHN (VSL) tổ chức, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ diễn ra trong 2 ngày 23-24/12/2023. Writing Camp 6 đã thu hút được hơn 60 người tham dự là các nhà khoa học đến từ 10 nhóm có tiềm năng thành lập doanh nghiệp spin-off, các cán bộ hành chính liên quan đến công tác hỗ trợ thành lập doanh nghiệp spin-off và với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, các quỹ đầu tư; Ban Điều hành VSL.
TS Nguyễn Thành Nam chia sẻ chuyên đề “Yêu cầu của doanh nghiệp đối với việc kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN tại các trường đại học”.
TS Nguyễn Thành Nam - nhà sáng lập Đại học FUNiX, nguyên Chủ tịch kiêm CEO Công ty FPT Software, Chủ tịch Quỹ Ái Việt đã có một chuyên đề truyền cảm hứng cho các học viên của khóa đào tạo về yêu cầu của doanh nghiệp đối với việc kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN tại các trường đại học. Theo ông, các doanh nghiệp khởi nghiệp, KH&CN cần theo đuổi 3 trụ cột chính: tố chất con người, có công nghệ lõi được bảo hộ (giá trị cốt lõi độc đáo), sản phẩm đúng xu thế. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay chỉ tập trung vào bán sản phẩm mà bỏ qua khâu nghiên cứu, phát triển nâng cấp sản phẩm. Trong khi các nhà khoa học có công nghệ sáng tạo, có tiếp cận khoa học lại thiếu tinh thần doanh nhân. Vì vậy, các nhà khoa học có tinh thần khởi nghiệp, làm kinh doanh sẽ có nhiều thuận lợi và hiếm khi thất bại vì có tư duy và cách làm của một nhà khoa học.
TS Nam cũng đề cập đến vấn đề định giá các sản phẩm khoa học của các nhà khoa học - một vấn đề lớn trong các thỏa thuận giữa nhà khoa học với nhà đầu tư. Ông đưa ra gợi ý việc các nhà khoa học tìm kiếm được nhà đầu tư thiên thần hoặc khách hàng uy tín (Market maker) sẽ là điểm cộng cho các vòng gọi vốn tiếp sau.
Xuất phát từ vai trò là giảng viên, nhà khoa học và sau này là Giám đốc công nghệ (CTO) của Công ty Lưu điện khối lớn BK - công ty theo mô hình spin off đầu tiên tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ông Trịnh Việt Dũng đã chia sẻ về những thách thức và đưa ra giải pháp xuất phát từ kinh nghiệm của chính bản thân ông về thành lập, vận hành doanh nghiệp KH&CN. Ông Dũng nhấn mạnh, sự chuyên nghiệp của các nhà đầu tư trong giai đoạn đầu là vô cùng quan trọng, nó hình thành thói quen làm việc chuyên nghiệp, văn hóa và cơ sở tốt cho vòng gọi vốn tiếp sau. Các vấn đề pháp lý khi thành lập doanh nghiệp cần được ưu tiên để tránh những rủi ro đáng tiếc do không có kinh nghiệm va chạm thương trường.
PGS.TS Phan Quốc Nguyên - giảng viên Trường Đại học Luật nhấn mạnh sự cần thiết của sở hữu trí tuệ, chuyển giao thương mại hóa ở đại học bởi Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo của tổ chức được thể hiện qua: số lượng spin off được thành lập, số bằng sáng chế, lượng tiền thu hút nhờ hoạt động KH&CN, nhờ giá trị doanh thu chuyển giao công nghệ. Vì vậy, sở hữu trí tuệ và chuyển giao, thương mại hóa sản hẩm KH&CN chỉ là quyền lợi và trách nhiệm của các nhà khoa học mà còn là quyền lợi và trách nhiệm của các trường đại học. Ông có những hướng dẫn chi tiết, cách thức làm đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ giúp các nhà khoa học tiết kiệm nguồn lực.
TS Bùi Thị Thanh Hương - giảng viên Khoa Các khoa học Liên ngành - ĐHQGHN chia sẻ chuyên đề “Thách thức và giải pháp về thành lập, vận hành doanh nghiệp KH&CN: Bài học từ kinh nghiệm thực tiễn, góc nhìn từ giảng viên của ĐHQGHN”.
Đối với vấn đề khởi nghiệp sáng tạo vì sự phát triển bền vững, TS Bùi Thị Thanh Hương - Phó Trưởng Ban điều hành VSL, giảng viên Khoa Các khoa học Liên ngành - ĐHQGHN là một giảng viên theo đuổi ước mơ trở thành chuyên gia giáo dục môi trường, điều hướng các bạn trẻ hình thành hành vi thói quen bảo vệ môi trường, truyền lửa cho sinh khởi nghiệp sáng tạo vì phát triển bền vững. TS Hương cũng được biết đến là một doanh nhân kinh doanh các sản phẩm công nghệ xanh, công nghệ hiện đại.
Với cương vị là giảng viên, TS Hương thẳng thắn chia sẻ những thách thức mà giảng viên gặp phải khi khởi nghiệp: như những rào cản của văn hóa tổ chức cho môi trường tự do sáng tạo, cho sự ủng hộ, khuyến khích các giảng viên có tinh thần khởi nghiệp rồi những hạn chế về thời gian, nguồn lực khi giảng viên tập trung cho khởi nghiệp song vẫn đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ khác đã ký hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động.
Từ góc nhìn Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ Phát triển ĐHQGHN, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú đã dành nhiều thời gian chia sẻ về cách thức hoàn thiện hồ sơ gọi vốn thành công. PGS Tú cũng có gợi ý một số phương thức giúp các nhà khoa học có thể toàn tâm, tập trung cho spin off thông qua các hoạt động “biệt phái”, “chuyển viên chức thành hợp đồng lao động” hay chuyển giao thương mại hóa sản phẩm KH&CN. Các nhà đầu tư, đặc biệt các quỹ quan tâm nhiều đến cách xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh của spin off dài hạn vào đâu để dòng tiền đầu tư được tối đa lợi nhuận tiến đến tối đa giá trị cho chủ sở hữu.
*
* *
Có thể nói, những nội dung kiến thức, bài học kinh nghiệm đến từ các diễn giả với các vai trò khác nhau từ cấp lãnh đạo quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế tài chính, chuyên gia luật…, đặc biệt là từ các tấm gương thành công trong việc thành lập và vận hành doanh nghiệp KH&CN đã cung cấp cho các học viên cái nhìn đa chiều, toàn diện về các vấn đề đã, đang và sẽ phải đối mặt cũng như những hỗ trợ về mặt chính sách, chuyên môn, tài chính… từ ĐHQGHN trong quá trình thành lập doanh nghiệp KH&CN.
VVH