Áp dụng chỉ số KRI tại Việt Nam
Khác với chỉ số KPI (Key Performance Indicators) - chỉ số giúp các doanh nghiệp hiểu được đang hoạt động tốt như thế nào so với kế hoạch chiến lược, thì KRI tạo ra sự khác biệt trong việc quản trị rủi ro khi mà nó cho phép định lượng và giám sát những rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là lý do chỉ số KRI đang ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng trong quản trị rủi ro doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, khái niệm KRI còn khá mới mẻ và các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai áp dụng KRI do hạn chế về nguồn dữ liệu tin cậy để xác định các KRI, sự trợ giúp của các phần mềm chuyên dụng và sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Những hạn chế đó khiến cho việc áp dụng chỉ số KRI chưa thực sự phổ biến trong các doanh nghiệp hiện nay.
Do đó, nhóm chuyên gia thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã áp dụng thử nghiệm chỉ số KRI cho một số doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng chỉ số cảnh báo rủi ro chính (Key risk indicator - KRI) vào doanh nghiệp Việt Nam”.
Những kết quả đạt được
Quá trình áp dụng thí điểm chỉ số KRI tại một số doanh nghiệp đã đem lại nhiều kết quả tích cực, nhiều quy trình, phương pháp quản trị rủi ro của doanh nghiệp đã được thực hiện có bài bản và hệ thống, đặc biệt với 2 rủi ro mà doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt, kết quả tích cực so với trước khi áp dụng mà doanh nghiệp thu được là: doanh nghiệp đã xây dựng được cơ chế cảnh báo rủi ro sớm (ngưỡng cảnh báo) thông qua các KRI nhằm chủ động kiểm soát rủi ro và doanh nghiệp có thể ra quyết định ứng phó sớm với các rủi ro một cách nhanh chóng, kịp thời và dựa trên cơ sở dữ liệu đáng tin cậy. Sau quá trình áp dụng thí điểm, quy trình và phương pháp quản trị rủi ro của các doanh nghiệp có nhiều thay đổi theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, cụ thể: i) doanh nghiệp có khả năng nhận diện, phân tích các rủi ro trong sản xuất một cách bài bản, dựa trên một số phương pháp xác định hiệu quả; ii) doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc kiểm soát và phòng ngừa các rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; iii) doanh nghiệp có khả năng đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất tốt hơn so với trước khi áp dụng thí điểm. Đây đều là những kết quả đánh giá khách quan của chính cán bộ phụ trách của doanh nghiệp cũng như lãnh đạo doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, việc áp dụng thí điểm chỉ số KRI tại các doanh nghiệp đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực cho chính các doanh nghiệp.
Kết quả này cũng đã đáp ứng được những mong đợi của lãnh đạo các doanh nghiệp trước khi áp dụng thí điểm, đó là làm thế nào để doanh nghiệp có thể có một công cụ theo dõi các rủi ro một cách có bài bản, hệ thống và giúp doanh nghiệp có thể cảnh báo từ xa, xây dựng kế hoạch hành động sớm, chủ động để ứng phó với các rủi ro. Đặc biệt, thông qua công cụ KRI, doanh nghiệp có thể dự báo các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai và xây dựng được các chiến lược ứng phó rủi ro trung và dài hạn. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng chiến lược quản trị rủi ro trong dài hạn của doanh nghiệp.
Đánh giá chung, việc áp dụng thí điểm chỉ số cảnh báo rủi ro chính KRI đối với 2 rủi ro của một số doanh nghiệp đã đem lại nhiều kết quả tích cực, nhiều điểm mới trong quy trình và phương pháp thực hiện được áp dụng thí điểm đã đem lại hiệu quả tốt so với trước khi áp dụng thí điểm, nhiều quy trình, phương pháp được thực hiện bài bản và có hệ thống hơn so với trước thời điểm áp dụng. Qua đó, sản xuất của các doanh nghiệp được duy trì tốt hơn, đây là cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp.
Thực tiễn cho thấy khả năng áp dụng thành công chỉ số KRI cho các doanh nghiệp là rất khả quan. Chỉ số này cũng cho thấy sự phù hợp áp dụng cho các doanh nghiệp với nhiều lĩnh vực và ở các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, để áp dụng thành công chỉ số này đòi hỏi một số điều kiện:
Thứ nhất, doanh nghiệp phải đang áp dụng thành công một hệ thống quản lý rủi ro. Chỉ số KRI không phải là một công cụ tách rời mà được tích hợp với các hệ thống quản trị rủi ro khác nhằm tăng tính hiệu quả trong việc nhận diện và cảnh báo sớm các rủi ro cũng như có được những kế hoạch hành động kịp thời, nhanh chóng để xử lý từ sớm các rủi ro. Do vậy, việc duy trì áp dụng hệ thống chỉ số này đòi hỏi doanh nghiệp cần có một nền tảng vững chắc về hệ thống quản lý rủi ro trước khí áp dụng.
Thứ hai, quyết tâm thực hiện của lãnh đạo các doanh nghiệp. Cam kết của lãnh đạo là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong việc triển khai áp dụng thành công bất kỳ hệ thống quản lý rủi ro nào. Lãnh đạo doanh nghiệp cần duy trì sự quyết tâm để triển khai áp dụng bộ chỉ số này, sự quyết tâm được thể hiện thông qua việc tham gia tích cực vào việc tổ chức áp dụng và duy trì bộ phận chuyên trách theo dõi và xây dựng các chỉ số này. Lãnh đạo doanh nghiệp cần có những ưu tiên nhất định về nguồn lực để thực hiện và thường xuyên có các chỉ đạo kịp thời.
Thứ ba, trình độ và khả năng thực hiện của cán bộ nhân viên. Để triển khai thành công hệ thống chỉ số này cần sự theo dõi, đánh giá và báo cáo theo các mẫu biểu thường xuyên. Tuy các biểu mẫu không quá phức tạp song cũng cần các cán bộ nhân viên phụ trách phải nắm chắc và biết cách sử dụng các biểu mẫu có liên quan. Vì vậy, doanh nghiệp nên có kế hoạch tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo và nâng cao nhận thức, chuyên môn cho tất cả các cán bộ ở các phòng ban khác nhau để triển khai đồng bộ và có hiệu quả.
Thứ tư, rủi ro có thế xuất hiện ở bất kỳ khâu nào trong quá trình sản xuất, vì vậy để triển khai có hiệu quả hệ thống này cần sự phối kết hợp giữa các phòng/ban với nhau. Các bộ phận liên quan cần hỗ trợ, trao đổi thông tin kịp thời để giúp xác định rủi ro một cách toàn diện và đầy đủ. Trong quá trình thực hiện, cần có sự đánh giá định kỳ về sự phối kết hợp giữa các bộ phận đã thực sự nhuần nhuyễn, ăn khớp hay chưa để có các phương án khắc phục và hoàn thiện.