Thực tiễn thi hành Luật: kết quả và những khó khăn, vướng mắc
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật KH&CN đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Hành lang pháp lý về KH&CN ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng; các quy định về tổ chức KH&CN, trọng dụng, sử dụng cá nhân hoạt động KH&CN, quản lý nhiệm vụ KH&CN được hoàn thiện; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hội nhập quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, Luật KH&CN cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa phù hợp với quy định của các luật có liên quan, dẫn đến chưa có tác dụng thúc đẩy phát triển KH&CN với vai trò là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Một số tồn tại, bất cập của Luật KH&CN có thể kể đến như: quy định về tổ chức KH&CN công lập chưa thể hiện khả năng tự chủ của tổ chức, hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng; quy định các chức danh về KH&CN chưa đầy đủ và phù hợp với thực tiễn để có chính sách phù hợp với đối tượng hoạt động KH&CN gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; quy định về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN chưa đầy đủ; quy định về tổ chức, triển khai nhiệm vụ KH&CN còn phức tạp; một số quy định liên quan đến Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia, quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp khó triển khai do chưa phù hợp với thực tiễn và chưa thống nhất với quy định của pháp luật liên quan; còn thiếu quy định về đạo đức trong nghiên cứu, rủi ro trong nghiên cứu...
Các nhóm chính sách cần sửa đổi, bổ sung
Việc sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN trên cơ sở tiếp tục phát huy các điểm mới, tiến bộ và khắc phục các vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST là hết sức cần thiết. Bộ KH&CN đã đưa ra các nhóm chính sách cụ thể cần sửa đổi, bổ sung trong Luật KH&CN.
Hoàn thiện quy định về thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN, tăng cường quản lý và nâng cao vai trò của tổ chức KH&CN
Trong nhóm chính sách này, dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung tiêu chí phân loại tổ chức KH&CN công lập theo chức năng, nhiệm vụ và mức độ tự chủ về tài chính để phù hợp với thực tiễn. Hoàn thiện quy định về tự chủ của tổ chức KH&CN công lập; quy định về số lượng người làm việc trong tổ chức KH&CN công lập.
Sửa đổi, bổ sung điều kiện thành lập tổ chức KH&CN để nâng cao năng lực của tổ chức KH&CN, đáp ứng được yêu cầu là nơi triển khai hoạt động KH,CN&ĐMST; bảo đảm điều kiện chặt chẽ hơn để đăng ký hoạt động KH&CN; bổ sung quy định về Danh mục các lĩnh vực nghiên cứu KH&CN và Danh mục dịch vụ KH&CN làm cơ sở để tổ chức KH&CN lựa chọn lĩnh vực xin đăng ký và cơ quan cấp giấy chứng nhận xác định lĩnh vực hoạt động KH&CN cấp cho tổ chức.
Bổ sung quyền góp vốn bằng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc sở hữu, bổ sung quy định về ưu đãi đối với tổ chức KH&CN như doanh nghiệp KH&CN căn cứ vào mức độ tự chủ; được miễn trừ trách nhiệm trong một số trường hợp để thực hiện quan điểm về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Bổ sung quy định về tiêu chí và phương pháp đánh giá tổ chức KH&CN công lập để có giải pháp nâng cao hiệu quả của tổ chức KH&CN, xử lý các tổ chức hoạt động kém hiệu quả.
Hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động KH&CN; bổ sung quy định về chức danh công nghệ và các ưu đãi kèm theo để tạo động lực cho đội ngũ cán bộ KH&CN
Dự thảo Luật hướng đến hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động KH&CN; bổ sung quy định về chức danh công nghệ và các ưu đãi kèm theo để tạo động lực cho đội ngũ cán bộ KH&CN.
Với nhóm chính sách này, dự thảo Luật sẽ làm rõ khái niệm “nhà khoa học”, “nhà khoa học đầu ngành” đồng nghĩa với việc nâng cao vị thế của cá nhân người làm khoa học, có tác dụng động viên, khích lệ tinh thần nhà khoa học phát huy sáng tạo và đóng góp trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; bổ sung quy định tiêu chí, tiêu chuẩn nhà khoa học, vị trí, vai trò của nhà khoa học và các danh hiệu tôn vinh nhà khoa học.
Sửa đổi, bổ sung quy định về chức danh khoa học, chức danh công nghệ; bổ sung chính sách ưu đãi nhà khoa học, các quy định liên quan đến đạo đức trong khoa học; quy định về trách nhiệm của cá nhân trong trường hợp nghiên cứu không đi đến kết quả dự kiến, hoặc chưa được ứng dụng ngay trong thực tiễn để phù hợp với đặc thù trong hoạt động KH&CN.
Hoàn thiện quy định về nhiệm vụ KH&CN
Hoàn thiện các quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN, ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN; trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong việc đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương và trách nhiệm tiếp nhận, ứng dụng kết quả KH,CN&ĐMST; quy định về quyền tác giả, phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả hoạt động KH&CN. Để đạt được những mục tiêu trên, dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN, ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN; trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong việc đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển của bộ, ngành, địa phương; trách nhiệm tiếp nhận, ứng dụng kết quả nghiên cứu.
Sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển KH,CN&ĐMST
Sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn quản lý và bảo đảm các điều kiện để KH&CN đóng vai trò là quốc sách hàng đầu, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào tăng trưởng.
Trong nhóm chính sách này, dự thảo Luật sẽ bổ sung mục đích chi ngân sách nhà nước cho hoạt động đổi mới sáng tạo; đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động đổi mới sáng tạo; sửa đổi khái niệm về doanh nghiệp KH&CN; bổ sung quy định về phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện chính sách ưu đãi với 2 loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sửa đổi quy định về phạm vi hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia; quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Mục tiêu của chính sách nhằm thể chế hóa các định hướng của Đảng, chính sách nhà nước về phát triển KH,CN&ĐMST; tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm chính sách mới trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Sửa đổi thuật ngữ “đổi mới sáng tạo”; bổ sung các thuật ngữ liên quan đến “đổi mới sáng tạo” và các điều quy định chung về chính sách phát triển KH,CN&ĐMST. Bổ sung quy định về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các khu dịch vụ tập trung, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Hoàn thiện quy định về hội nhập quốc tế về KH&CN
Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu, xu thế về hợp tác quốc tế đa phương về KH&CN; xu thế phát triển của KH&CN trên thế giới, xu hướng khoa học mở, đổi mới sáng tạo mở và sự liên kết, hợp tác xuyên ngành, xuyên lĩnh vực, xuyên quốc gia; chủ trương về hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN nói riêng được đề cập tại nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước. Dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc hội nhập quốc tế về KH&CN; hoàn thiện quy định về hoạt động KH&CN và biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN.
*Bài viết được tổng hợp, khái quát từ Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN do Bộ KH&CN đưa ra lấy ý kiến tại: https://www.most.gov.vn/vn/Pages/chitietduthao.aspx?iDuThao=937.
VVH