Thứ sáu, 29/12/2023 17:08

Khoa học và công nghệ cần “đi tắt đón đầu”

Tuy gặp nhiều khó khăn do tác động khách quan và nguyên nhân chủ quan, nhưng năm 2023, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ KH&CN ngày 28/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành KH&CN đã đạt được trong năm 2023. Phó Thủ tướng yêu cầu KH&CN cần có tinh thần “đi tắt đón đầu” với 8 từ cơ bản: Thể chế - Thúc đẩy - Phối hợp - Tử tế.

Tích cực hoàn thiện môi trường pháp lý cho KH,CN&ĐMST

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhận định, trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chung tay ủng hộ và chia sẻ, hợp tác của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ KH&CN, ngành KH&CN đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 với nhiều kết quả tích cực, góp phần thiết thực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng của đất nước trong năm 2023.

Trong công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, Báo cáo của Bộ KH&CN tại Hội nghị cho biết, năm 2023, Bộ KH&CN đã chủ trì xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 32 đề án/văn bản (gồm 02 đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 10 đề án/văn bản trình Chính phủ, 20 đề án/văn bản trình Thủ tướng Chính phủ). Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 13/32 đề án/văn bản thuộc lĩnh vực KH&CN. Tập trung xây dựng, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về KH&CN, cụ thể: đã trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoàn thiện gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN để đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025; tổng kết tình hình thực hiện Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm tiến độ trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) trước ngày 01/8/2024...

Năm 2023, Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 49 Thông tư (trong đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành 23 Thông tư); lãnh đạo các tỉnh/thành phố đã ban hành 384 văn bản về KH,CN&ĐMST để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Đáng chú ý của các văn bản này là tập trung nghiên cứu, sửa đổi các Thông tư quản lý chương trình/nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Chương trình, nhiệm vụ KH&CN ở tất cả các cấp; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 02 Thông tư sửa đổi, thay thế Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tham luận tại Hội nghị cũng đã nêu lên một số tồn tại cần được khắc phục như: Luật KH&CN 2013 chưa tháo gỡ được các vướng mắc về cơ chế tài chính cho KH&CN, chưa thể hiện rõ được quan điểm chấp nhận rủi ro và thất bại trong nghiên cứu khoa học; trong giai đoạn mới dù đã đề cập đến khái niệm đổi mới sáng tạo, nhưng vẫn chưa có các quy định điều chỉnh hoạt động ĐMST, bao gồm cả hoạt động khởi nghiệp ĐMST; vấn đề nhân lực cho KH&CN tuy đã được đề cập trong Luật KH&CN nhưng vẫn thiếu quy định gắn kết giữa đào tạo giáo dục đại học với hoạt động nghiên cứu KH&CN; quy định về phân cấp nhiệm vụ KH&CN chưa có tiêu chí rõ ràng, phù hợp với cấp quản lý dẫn đến việc phân loại nhiệm vụ mang tính hình thức, chưa thống nhất; còn thiếu quy định về triển khai nhiệm vụ KH&CN trong tình thế cấp thiết, đột xuất, khẩn cấp…

Dấu ấn KH,CN&ĐMST trong các bộ, ngành, địa phương

Các tham luận được gửi đến hoặc phát biểu trực tiếp tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ KH&CN đã khẳng định được vai trò của KH,CN&ĐMST đối với sự phát triển của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định Việt Nam đảm bảo được an ninh lương thực với 43,5 triệu tấn lương thực được sản xuất trong năm 2023 (đảm bảo cho tiêu dùng, dự phòng và xuất khẩu); gỗ rừng trồng đạt 30,5 triệu m3, thu từ dịch vụ môi trường trồng rừng là 3.200 tỷ đồng; năm đầu tiên xuất khẩu trong nông nghiệp đạt trên 53 tỷ USD, đặc biệt là thặng dư thương mại đạt 12,06 tỷ USD… Những kết quả đó thể hiện vai trò của KH,CN&ĐMST trong nông nghiệp, nó là động lực thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đối với ngành y tế, tham luận được gửi đến Hội nghị khẳng định: các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, các y bác sỹ trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, điều trị, sản xuất vắc xin, thuốc, dược liệu. Trong chẩn đoán và điều trị, về cơ bản đã tiếp thu, làm chủ và triển khai đạt kết quả tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới trong nhiều chuyên khoa, được ghi nhận qua các giải thưởng lớn trong nước, như các cụm công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước bảo đảm cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng với 11/12 loại vắc xin, góp phần bảo đảm an ninh vắc xin quốc gia; đã tiếp nhận và làm chủ được một số công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền; đạt được một số kết quả ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm; làm chủ hoàn toàn được công nghệ phẫu thuật nội soi ghép gan với tỷ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước trên thế giới, mang lại nhiều giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc; nghiên cứu thành công Quy trình sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị bệnh nhân nhược cơ và lupus ban đỏ hệ thống…

Đối với địa phương, KH,CN&ĐMST không chỉ thể hiện vai trò hoặc để lại dấu ấn ở những vùng kinh tế, tỉnh thành phố có điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh tế phát triển mà đã từng bước khẳng định được vai trò ở cả những địa phương còn nhiều khó khăn. Sơn La là một ví dụ cho điều này. Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tập trung cụ thể hóa cơ chế, chính sách về phát triển KH,CN&ĐMST, đưa KH&CN không chỉ gắn mà thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã bước đầu lan tỏa trong xã hội; tiềm lực KH&CN được củng cố; hoạt động sở hữu trí tuệ đã từng bước được quan tâm, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua, nhất là trong giai đoạn 2020-2023.

Minh chứng rõ nét cho điều này thể hiện ở thành tựu phát triển của các ngành, lĩnh vực của Sơn La qua đều có sự đóng góp của KH&CN. Trong đó, đã tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/ĐH ngày 20/09/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Tính đến nay, tỉnh Sơn La có 28 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ (trong đó giai đoạn 2020-2023 là 07 sản phẩm); có 02 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài (chè Shan Tuyết và Xoài tròn Yên Châu). Năm 2023, tỉnh Sơn La có thêm 02 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ (Gạo Phù Yên và Rượu Hang Chú Bắc Yên). Việc được cấp các văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị của các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân; hình thành tập quán canh tác mới trên cơ sở phát huy những tập quán canh tác phù hợp, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

KH&CN cần “đi tắt đón đầu”

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành KH&CN đã đạt được trong năm 2023. Phó Thủ tướng cho biết, năm 2023 là năm đầy khó khăn đối với thế giới trong đó có Việt Nam, chúng ta đã vượt lên để có những kết quả đáng khích lệ, trong những thành tựu đó có sự đóng góp đáng kể của ngành KH&CN cũng như các nhà khoa học, những người làm công tác KH&CN.

Phó Thủ tướng khẳng định: “KH&CN có ý nghĩa với tất cả mọi người, hiện diện trong mọi mặt của đời sống xã hội, ai muốn giàu hơn, muốn an toàn hơn, muốn chất lượng cuộc sống tốt hơn đều phải nghĩ đến KH&CN”. Phó Thủ tướng đề nghị, chúng ta phải có trách nhiệm không làm giãn khoảng cách của KH&CN Việt Nam với thế giới. Nhu cầu của từng người dân đòi hỏi chúng ta luôn có sự cập nhật đổi mới để cuộc sống mọi người, mọi nhà tốt hơn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu 2030-2045 đặt ra cho cả hệ thống chính trị rất cao, cho nên KH&CN là giải pháp thực hiện mục tiêu này.

Với tinh thần “đi tắt đón đầu”, Phó Thủ tướng nhắc đến 8 từ tại hội nghị, đó là: Thể chế: đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, nhưng cũng phải tạo hành lang pháp lý “thông thoáng”, phải có chính sách phù hợp, đặc thù để phát triển lĩnh vực KH,CN&ĐMST; điều này đòi hỏi trách nhiệm của Bộ KH&CN và cả của Chính phủ; Thúc đẩy:  nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, khuyến khích để mọi người cùng làm, có chính sách động viên, tạo được cảm hứng cho những nhà khoa học; Phối hợp: Bộ KH&CN cần phối hợp tốt với các bộ, ngành, với các nhà khoa học, kết nối với thế giới một cách tích cực, hiệu quả; Tử tế: phải tử tế, trách nhiệm với công việc, chia sẻ với đồng nghiệp, nhà khoa học, trân trọng lắng nghệ, tạo cảm hứng cho nhà khoa học. 

*

*       *

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định quyết tâm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo để có những đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà, đưa KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Vũ Hưng

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)