Mục tiêu và nhiệm vụ
Dự thảo kỳ vọng mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu và bảng xếp hạng chỉ số phát triển về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) theo đánh giá của ITU (năm 2025) và nhóm 30 nước dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số phát triển HTS (năm 2030). Năm 2030, 100% hộ gia đình có truy nhập băng rộng với tốc độ trên 1Gb/s; mạng băng rộng di động thế hệ thứ 5 (5G) phủ sóng 100% dân số, sẵn sàng phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo; phát triển bổ sung 4-6 tuyến cáp quang biển quốc tế, 2-4 tuyến cáp quang đất liền quốc tế; HTS đáp ứng được yêu cầu kết nối, lưu trữ 800 triệu thiết bị IoT; dịch vụ trung tâm dữ liệu/điện toán đám mây Việt Nam trong nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về quy mô và chất lượng; phát triển 10 doanh nghiệp cung cấp hạ tầng công nghệ số; 10 nền tảng số quốc gia có tính chất hạ tầng quốc gia vận hành thông suốt đáp ứng yêu cầu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Phối cảnh Trung tâm Dữ liệu của Viettel tại Hòa Lạc.
Dự thảo Quyết định mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm: 1) Hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn; 2) Hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây; 3) Hạ tầng công nghệ số; 4) Nền tảng số có tính chất hạ tầng. Theo đó, sẽ triển khai thay thế vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 theo lộ trình sử dụng bảo đảm duy trì các hoạt động khai thác kết nối qua vệ tinh đáp ứng nhu cầu sử dụng. Triển khai tối thiểu 02 trung tâm dữ liệu quốc gia, 03 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, 06 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng. Triển khai các trung tâm dữ liệu quốc tế (Digital Hub) phục vụ khách hàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Xây dựng hạ tầng điện toán đám mây Chính phủ (CGC) thống nhất trên cơ sở quy hoạch, kết nối đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương (AGC). Đối với hạ tầng công nghệ số, dự thảo đặt nhiệm vụ phát triển hạ tầng công nghệ số, ưu tiên công nghệ AI, blockchain, IoT, đáp ứng yêu cầu ứng dụng chính phủ số, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số. Tăng cường quản lý quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu và bản quyền công nghệ số có giá trị cao… Nền tảng số là hệ thống giao dịch điện tử, sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tương tác, giao dịch, cung cấp dịch vụ, sản phẩm, hàng hóa, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Về nền tảng số, dự thảo đưa ra một số nhiệm vụ như: Nền tảng định danh và xác thực điện tử quốc gia; Nền tảng địa chỉ số quốc gia; Nền tảng bản đồ số quốc gia; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Nền tảng phát thanh, truyền hình quốc gia; Nền tảng thanh toán điện tử quốc gia; Nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia; Nền tảng chứng thư điện tử quốc gia.
Giải pháp
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, dự thảo đưa ra các giải pháp: hoàn thiện thể chế; ưu tiên phát triển HTS như hạ tầng giao thông, năng lượng; huy động nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện; bảo đảm an toàn HTS, an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng; nghiên cứu và phát triển; tiêu chuẩn, quy chuẩn; đo lường, quản lý, giám sát; hợp tác trong nước và hợp tác quốc tế; tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác HTS.
Dự thảo đề nghị sửa đổi Luật Viễn thông; ban hành nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông để mở rộng phạm vi quản lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng; xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số để quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) tạo môi trường pháp lý cho phép thử nghiệm, ứng dụng công nghệ mới, phát triển hạ tầng nền tảng công nghệ mới (AI, blockchain, IoT); xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác tạo hành lang pháp lý cho phát triển HTS…
Hoàn thiện các chính sách, thúc đẩy, bảo đảm trong quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải sẵn sàng cho phát triển HTS (ưu tiên không gian, vị trí, tạo điều kiện để phát triển hạ tầng băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, trạm trung chuyển Internet, trạm cập bờ kết nối quốc tế…). Cho phép xây dựng HTS trên đất công, tài sản công, sử dụng chung hạ tầng của các ngành khác. Xây dựng mạng lưới trung tâm dữ liệu cấp quốc gia, trung tâm dữ liệu cấp vùng theo quy hoạch hạ tầng ICT, kết hợp đồng bộ với hạ tầng điện, kết nối cáp quang biển, trạm cập bờ, mạng cáp quang trục trong nước, trạm trung chuyển Internet…
Ưu tiên nguồn vốn khoa học và công nghệ, nguồn vốn từ các chương trình quốc gia để phát triển công nghệ số, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia để phát triển sản phẩm công nghệ số, dịch vụ số, giải pháp phát triển HTS và các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ HTS. Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia đầu tư, phát triển HTS.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để duy trì thứ hạng Việt Nam trong nhóm 25 nước dẫn đấu (TOP 25) thế giới về an toàn, an ninh mạng. Xử lý các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các doanh nghiệp cung cấp HTS từ chối hợp tác, kinh doanh với các tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật và không để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật sử dụng hạ tầng của mình.
Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong triển khai mạng truy nhập Internet băng rộng bao gồm vệ tinh quỹ đạo tầm thấp để phục vụ nhu cầu của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ truy nhập băng rộng ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo; đồng thời đảm bảo hạ tầng cho các ứng dụng kết nối IoT (phòng chống thiên tai, cảnh báo thảm họa như động đất, sóng thần,..); nghiên cứu, phát triển sản phẩm Make in Việt Nam, phát triển HTS; thương mại hóa 5G và điện toán đám mây để hiện đại hóa HTS Việt Nam.
Sửa đổi, nâng cao các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ băng rộng ngang bằng các nước phát triển. Thiết lập hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về công nghệ số (AI, blockchain, IoT). Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia IoT ứng dụng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị thông minh, tăng cường bảo mật, an toàn, an ninh cho IoT để các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng IoT có những chuẩn mực đánh giá, kiểm soát hoạt động của ứng dụng.
Xây dựng các chỉ số đánh giá phát triển HTS của từng địa phương và toàn quốc, phù hợp với các chỉ số đánh giá quốc tế. Triển khai các hệ thống đo lường, giám sát, đánh giá, quản lý nhà nước về hạ tầng viễn thông, hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng. Ban hành bộ tiêu chí đo lường, quản lý, giám sát HTS. Hằng năm thực hiện điều tra, khảo sát, thu thập, công bố kết quả thống kê, đo lường, giám sát triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển HTS đặt ra tại Chiến lược này ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương.
*
* *
Với quan điểm, hạ tầng số là hạ tầng của nền kinh tế; đi trước, đi nhanh, đi cùng nhịp với nhóm 30 nước đứng đầu thế giới (TOP 30); phát triển đồng bộ; nhà nước mạnh, thị trường mạnh; Việt Nam làm chủ, hy vọng Chiến lược HTS đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 sẽ sớm được ban hành và đi vào cuộc sống, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần để Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và cao vào năm 2045.
VVH