Vấn nạn tràn nan
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, từ giữa năm 2022, khi dịch COVID-19 có dấu hiệu lắng xuống thì vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại. Trong năm vừa rồi, qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường thấy rằng vấn nạn của hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng phức tạp và tinh vi. Cụ thể, đối với vấn đề liên quan đến thương hiệu và nhãn hiệu, trong vòng 1 năm trở lại đây có 2 loại thương hiệu nhãn hiệu bị xâm phạm: thứ nhất là các thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng của quốc tế; thứ hai là các thương hiệu sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, Bộ Công Thương liên tiếp nhận được yêu cầu, những vấn đề thắc mắc cũng như đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử đã trở thành kênh tiêu thụ chính hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách phức tạp và tinh vi hơn.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), quý I/2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm (giảm 11,24% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 1.088 vụ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 30,93% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 1.908 vụ việc kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu; 7.227 vụ việc liên quan đến hành vi gian lận thương mại khác; 1.021vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Phương thức và thủ đoạn liên quan đến các hành vi nêu trên rất tinh vi và khó kiểm soát, nhất là khi các đối tượng kinh doanh lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trà trộn kinh doanh hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng...
Đẩy mạnh chế tài xử lý
Tại buổi tọa đàm, luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng cho rằng, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Việt Nam về cơ bản đã khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc thực thi các chế tài trong thực tế cần hiệu quả hơn nữa.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH URC Việt Nam, bà Bùi Thị Thu Hiền - Đại diện Công ty cho biết, để phòng ngừa các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, Công ty luôn đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý/nhà phân phối và người tiêu dùng. Đối với thương hiệu sản phẩm do Công ty sản xuất, URC luôn có những thông báo, phổ biến đặc điểm phân biệt rõ ràng về thông tin thành phần sản phẩm, khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra thật kỹ logo/tem/nhãn sản phẩm. Đồng thời, URC còn luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp kiểm tra, phát hiện, để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến sản phẩm của Công ty. Khi phát hiện các hàng hóa của công ty có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái, Công ty đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để xác định các hành vi này có đúng là vi phạm sở hữu trí tuệ hay không và từ đó đưa ra các phương hướng xử lý thích hợp. Để nâng cao hiệu quả quản lý về việc kinh doanh hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, bà Bùi Thị Thu Hiền kiến nghị các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh quá trình xử lý vi phạm, đồng thời nâng cao mức hình phạt đối với chủ thể vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là những hành vi vi phạm nhiều lần để tăng tính răn đe cho đối tượng vi phạm.
Đồng tình với quan điểm trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh cho rằng, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc xử lý hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, bên cạnh việc tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại các địa bàn trọng điểm, Tổng cục Quản lý Thị trường sẽ phối hợp các bộ/ngành liên quan cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử. Trong thời gian trước mắt để hạn chế việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung vào giải quyết một số vấn đề nổi cộm gồm:
Thứ nhất, tiếp tục nhận diện cho đúng lý do, nguyên nhân cũng như mức độ và các phương thức, thủ đoạn làm hàng giả rất phức tạp, tinh vi, từ đó có những biện pháp cụ thể, nhất là tập trung điều tra, xử lý vi phạm ở những đường dây, ổ nhóm, kho hàng lớn để triệt phá tận gốc việc kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, trong vòng 2 đến 3 năm tới, tập trung kiểm tra vấn đề hàng nhái, hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ để có biện pháp kỹ thuật nhằm truy tìm được dấu vết của hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội…
Nguyễn Thị Thúy Hà